Với nhiều hoạt động thiết thực, thông qua những việc làm cụ thể, Tỉnh đoàn Bắc Ninh luôn được ghi nhận là đơn vị tiên phong trong phong trào sống, học tập, lập nghiệp theo gương Bác Hồ vĩ đại.
Đến Bắc Ninh những ngày tháng 5 này, chúng tôi gặp nhiều gương mặt tiêu biểu của thanh niên sáng tạo trên đồng ruộng, trong thực hiện nhiệm vụ được giao...
Khởi nghiệp sáng tạo
Cùng đi với cán bộ Tỉnh đoàn Bắc Ninh xuống huyện Gia Bình, người đầu tiên chúng tôi gặp là anh Trần Văn Trường, ở xã Giang Sơn. Thấy Trường còn trẻ mà đã quản lý trang trại bạc tỷ rất khoa học và bài bản, tôi hỏi anh về bí quyết thành công. Trường vui vẻ cho biết, đây là câu chuyện dài, với nhiều trăn trở của anh và cả gia đình.
Trường kể, tốt nghiệp phổ thông, anh thi đỗ vào Trường Đại học Giao thông vận tải. Sau khi tốt nghiệp, anh tìm được việc làm ở Tổng công ty Trường Sơn (Bộ Quốc phòng), với mức lương khởi điểm 3,5 triệu đồng/tháng. Làm việc ở đây được 8 - 9 tháng, năm 2014, anh chuyển sang Công ty cổ phần Senco Sông Hồng với mức lương cao hơn (8 triệu đồng/tháng). Nhưng chỉ làm được vài tháng thì công ty nợ lương, Trường cố gắng vay mượn bạn bè, bám trụ Hà Nội thêm vài tháng nữa, nhưng tình hình không mấy sáng sủa. Trong khi anh ngồi chơi ở đây, không việc làm, thì bố mẹ ở nhà vẫn quần quật trên đồng ruộng, vì vậy, anh quyết định xách ba lô về quê.
Thấy Trường trở về đột ngột, bố mẹ anh rất ngạc nhiên, rồi thất vọng, vì sau bốn năm học hành khổ ải, tốn kém, cuối cùng vẫn quay về làm ruộng. Rất may, sau nhiều lần đi sinh hoạt Đoàn với bạn bè, được nghe chủ trương của Tỉnh đoàn, thanh niên lập nghiệp tại quê nhà “ly nông không ly hương”. Dần dần, anh thuyết phục bố mẹ cùng quy hoạch lại trang trại, quyết chí làm giàu từ đất.
Bây giờ, nhìn cơ ngơi bạc tỷ của Trường, không những bố mẹ anh rất vui mà chúng tôi cũng thấy ngưỡng mộ. Trang trại 2,7ha lúc đầu chỉ có 2 ông bà già trông coi, nên chỉ trồng chuối, lá dong, thu nhập không đáng kể. Sau khi Trường tiếp quản, nhờ giao lưu, học hỏi bạn bè, anh quy hoạch lại khá bài bản. Hiện, trang trại của Trường có các loại cây ăn quả đặc sản như: nhãn, chuối, bưởi, hồng xiêm, mít..., thu lãi 100triệu đồng/năm; chăn nuôi lợn, gia cầm, thu lãi 150 triệu đồng/năm và 2 ao cá, bình quân thu hoạch 10 tấn/năm, lãi 80 - 100 triệu đồng/năm. Điều đáng nói, anh đã hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học cho cây trồng; chủ yếu tận dụng bùn ao, phân gia súc, gia cầm, rác thải hữu cơ ủ mục.
Rời trang trại của anh Trường, chúng tôi đến thăm anh Nguyễn Mạnh Mười Lúa, chuyên viên Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Gia Bình. Mười Lúa cho biết, tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế quốc dân (năm 2012), anh quyết định về quê lập nghiệp chứ không ở lại Hà Nội xin việc như bạn bè cùng trang lứa.
Về Gia Bình công tác, tham gia sinh hoạt Đoàn tại địa phương, anh mới thấy con đường lựa chọn của mình là đúng đắn. Mười Lúa cho biết, do công việc phải tiếp xúc nhiều với sổ sách, số liệu và yêu cầu chính xác, nên rất căng thẳng, nếu sai sót sẽ ảnh hưởng đến công tác điều hành của địa phương. Để làm tốt chuyên môn của mình, anh học thêm tin học, vừa lúc Trung tâm Hành chính công Bắc Ninh ra đời, Mười Lúa tham gia Hội thi Tin học trẻ Khối cán bộ công chức cấp huyện và đạt giải Nhất năm 2017.
Tiếp đà thắng lợi đó, Mười Lúa lại đại diện cho thế hệ trẻ Bắc Ninh tham gia “Hội thi Cán bộ công chức trẻ toàn quốc lần thứ V - 2017” và đoạt giải 3 cấp Quốc gia. Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: Giải Nhất, phần thi tập thể - Hội thi Tin học cán bộ công chức trẻ toàn quốc lần thứ V - 2017. Nhờ những thành tích này, anh được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh tặng Bằng khen về phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo”.
Nhiều thành tích, nhưng Mười Lúa vẫn không ngừng phấn đấu, hiện, hàng tuần anh vẫn tham gia công tác “Ngày thứ 7 tình nguyện” của khối cán bộ công chức, để giải quyết những tồn đọng trong công tác Hành chính công. Ngoài ra, anh còn tham gia công tác Đoàn tại địa phương trong 3 năm liền 2013 – 2015, với nhiều phong trào ý nghĩa như làm sạch đường làng, ngõ xóm; vớt bèo khơi thông dòng chảy; tổ chức các giải thể dục, thể thao. Đặc biệt, 5 năm liền tham gia chương trình Hiến máu nhân đạo được tổ chức hàng năm.
Nhiều phong trào thiết thực, hiệu quả
Trao đổi với chúng tôi, Phó bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh, bà Thái Hải Anh, cho biết: “Đại hội lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2017- 2022, đã tuyên dương 44 thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, họ là những gương mặt đại diện cho ý chí phấn đấu, rèn luyện, gương mẫu đi đầu trong cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chương trình đã thu hút sự quan tâm của trên 5.000 đoàn viên thanh niên (ĐVTN). Toàn tỉnh đã tổ chức 1.150 buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, với những chủ đề như: “Tiếp lửa truyền thống”; “Tổ quốc gọi chúng tôi lên đường”; “Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ”…, thu hút trên 300.000 lượt ĐVTN tham gia”.
Bên cạnh đó, Bắc Ninh còn chú trọng công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho đoàn viên, thanh niên thông qua việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhất là “Phong trào phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”.
Điều chúng tôi tâm đắc nhất đối với hoạt động của Tỉnh đoàn Bắc Ninh là phong trào “Đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm”. Theo đó, Tỉnh đoàn đã tư vấn, hướng nghiệp cho 17.384 học sinh, bộ đội xuất ngũ và tân binh; giới thiệu việc làm cho 1.568 ĐVTN; đào tạo nghề cho 976 thanh niên và phối hợp đào tạo nghề cho 603 thanh niên. Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên tỉnh còn phối hợp với Trường Cao đẳng cơ điện và xây dựng Bắc Ninh tổ chức “Ngày hội việc làm thanh niên năm 2017”, quy mô cấp tỉnh, với sự tham gia của 22 doanh nghiệp, tuyển dụng 2.242 lao động; thu hút 3.300 ĐVTN, người lao động đến tham gia.
Hy vọng, với những nỗ lực không ngừng trên nhiều lĩnh vực, năm 2018, cán bộ, ĐVTN Bắc Ninh sẽ giành được nhiều thắng lợi hơn nữa; xứng đáng là cánh tay phải của Đảng trong phong trào thi đua yêu nước, lao động, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.