Thanh Trì (Hà Nội) đã khởi động xây dựng mới và xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn từ năm 2011 với phương thức xã hội hoá. Sau 7 năm nỗ lực thực hiện, công việc đã cơ bản hoàn thành, đem lại khuôn mặt mới cho hệ thống chợ trong toàn huyện.
Khách mua hàng ở quầy vật liệu xây dựng chợ Vĩnh Quỳnh.
Niềm vui người đi chợ
Đa số tiểu thương chợ Thanh Liệt đều phấn khởi khi vào buôn bán ở chợ mới. Bà Vũ Thị Hồng, kinh doanh đã 28 năm nay, nhưng có tới 23 năm ngồi ngoài đường Kim Giang, sát bờ sông Tô Lịch. Vì là chợ tạm nên bà chỉ được đóng 4 cây cọc, căng bạt, phủ nylon che mưa, nắng để buôn bán. Sáng dọn hàng ra, trưa tan chợ dọn về, buổi chiều lặp lại như vậy, rất vất vả. Chưa kể, lúc tan tầm thường không bán được hàng do tắc đường, chỉ có người bán, không có người mua.
Từ ngày vào chợ mới (năm 2012) đến nay, công việc kinh doanh của bà Hồng ổn định hẳn, khu ki-ốt bà thuê rộng 5m2, giá chỉ 1 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, Ban quản lý chợ rất nhiệt tình, cần là có ngay, nhất là khi mất điện, nước…, cứ “alô” sẽ được phục vụ. “5 năm qua, chợ Thanh Liệt chưa xảy ra cháy nổ, mất mát gì; chúng tôi cũng được tập huấn thường xuyên về công tác phòng, chữa cháy; chợ có 16 camera quan sát suốt ngày, đêm nên rất yên tâm. Đáng ghi nhận là, khi tiểu thương có niềm vui, nỗi buồn đều được Ban quản lý chợ chia sẻ, giúp đỡ”, bà Hồng phấn khởi khoe.
Ông Đặng Ngọc Hùng, Trưởng ban quản lý chợ Thanh Liệt, cho biết, chợ có 32 ki-ốt, 90 sạp hàng trong chợ, 5 sạp ngoài trời, tư thương đã vào làm hợp đồng 80%. Thời gian đấu thầu 30 năm, lượng khách vào buôn bán đông gấp 5 - 6 lần so với trước đây.
Phấn khởi nhất có lẽ là bà con chợ Vĩnh Quỳnh, trước đây chợ họp 2 bên đường ngay ngã ba, một ngả đi vào trung tâm xã Vĩnh Quỳnh; một ngả đi về xã Đại Áng nên thường xuyên tắc đường, nhất là giờ tan tầm. Trước tình hình đó, các xã viên Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Quỳnh Đô đã mạnh dạn đảm nhận việc quy hoạch, sắp xếp lại chợ. Theo đó, năm 2013 - 2014, khu chợ xập xệ này chỉ có vài mái tôn đã mọt, thủng và các tấm lợp chắp vá, do tư thương tự cơi nới xây dựng nên. Sau khi được HTX sửa chữa, xây mới, các quầy hàng, hệ thống nước thải, đường điện đã đảm bảo, sạch đẹp hơn. Nếu như trước đây bà con phải thuê chỗ ngồi trước cửa nhà dân, vừa chật chội vừa đắt đỏ (24 triệu đồng/năm) thì nay vào chợ với diện tích 3 - 4m2 chỉ phải trả 3,2 triệu đồng/năm. Hiện, chợ Vĩnh Quỳnh có 80 quầy, trong đó có 11 quầy mặt đường, bình quân 7m2/quầy, giá thuê 700.000 đồng/tháng. Từ khi có chợ mới đến nay, đường sá khang trang, sạch đẹp hơn, nhất là không còn cảnh ùn tắc giao thông, bán hàng lộn xộn trên vỉa hè.
Đánh giá ban đầu
Được biết, trước năm 2008, Thanh Trì chỉ có 1 trung tâm thương mại và 18 chợ nông thôn, trong đó có 5 chợ hạng 3, 13 chợ tạm chỉ họp nửa ngày, hoặc một số ngày trong tháng. Đa phần các chợ đều lợp phibroximăng, cột bê tông, lán tạm và một số ki ốt nhỏ, diện tích chật hẹp. Ban quản lý chợ hoạt động theo hình thức lấy thu bù chi nên hầu hết các chợ không được cải tạo, sửa chữa, dẫn đến xuống cấp, không đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, văn minh thương mại.
Từ thực tế trên, Thanh Trì thực hiện xã hội hoá xây dựng theo mô hình chợ truyền thống phù hợp với định hướng, quy hoạch của thành phố; đảm bảo văn minh thương mại, an toàn giao thông, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đi đôi với công việc trên là giải toả, xoá bỏ chợ cóc, chợ tạm trên toàn địa bàn.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, ông Vũ Văn Nhàn, cho biết: “Đến nay, 16/19 chợ đã hoàn thành và đưa vào hoạt động, trong đó 1 chợ do doanh nghiệp đầu tư hoàn toàn, thành phố quản lý (chợ cầu Bươu); 5 chợ do các xã, thị trấn làm chủ đầu tư, 11 chợ do Ban quản lý dự án huyện làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí 191.452 triệu đồng. Ngân sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng 91.140 triệu đồng, phần nổi được đầu tư bằng vốn của các doanh nghiệp 100.312 triệu đồng”.
Để đảm bảo xây dựng mới và giải tỏa chợ cóc, chợ tạm, Ban quản lý thường xuyên giao ban với các xã, thị trấn, các nhà đầu tư hàng tháng, quý. Định kỳ 2 năm/lần thành lập đoàn kiểm tra tình hình hoạt động của các chợ, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng cháy, chữa cháy; quản lý giá cả, thu phí và lệ phí. Hiện, toàn bộ hệ thống chợ Thanh Trì có 2.200 điểm kinh doanh với nhiều chủng loại hàng hóa phong phú, đa dạng; chất lượng đảm bảo, phục vụ tốt nhu cầu người dân trên địa bàn. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi Thanh Trì vừa về đích xây dựng nông thôn mới”.
Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư yên tâm xây dựng chợ, TP.Hà Nội đã chấp nhận thời gian khai thác chợ với thời hạn 30 năm. Đến nay, các nhà đầu tư của 16/16 chợ và các xã, thị trấn đã thực hiện xong việc ký kết hợp đồng quản lý. Từ chỗ chỉ có 5 chợ hạng 3, cơ sở vật chất nghèo nàn, chắp vá, xuống cấp, không đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chữa cháy, đến nay, Thanh Trì đã có 16 chợ đạt chuẩn hạng 3; 15/16 xã, thị trấn có chợ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của huyện, thành phố. Đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chữa cháy nổ; có mô hình quản lý phù hợp, có nội quy hoạt động, phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng hợp lý.
Đến thời điểm này có thể khẳng định, đề án quy hoạch chợ Thanh Trì cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân, góp phần tạo gần 4.400 việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại dịch vụ, giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp. Cơ bản giải tỏa được các điểm chợ tạm, chợ cóc, kinh doanh trên các trục đường Kim Giang, đầu cầu Văn Điển, dọc Quốc lộ 1A thuộc địa bàn xã Ngũ Hiệp, Ngọc Hồi. Đây là cách làm hay, sáng tạo của Thanh Trì trong việc quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống chợ trên địa bàn theo hướng văn minh đô thị, làm đẹp cho Thủ đô.
Dương An Như
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.