Nông dân các xã ven bãi sông Hồng thuộc huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, hiếm khi rau màu ở đây lại “được mùa, trúng giá” như vụ đông vừa qua. Bội thu trong và sau Tết Nguyên đán, giờ đây người dân lại phấn khởi xuống đồng để kịp thời vào vụ xuân hè và đang tiếp tục mở rộng diện tích rau VietGAP.
Được mùa, trúng giá
Xã Duyên Hà có 107ha trồng rau màu (cà chua, su hào, bắp cải, đậu, đỗ các loại). Trong đó, diện tích rau an toàn 50ha, rau theo tiêu chuẩn VietGAP 8,6ha, tổng sản lượng thu được năm 2015 đạt 3.355 tấn, năng suất bình quân 31,3tấn/ha. Giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 200 triệu đồng/ha/năm, tăng 7% so cùng kỳ năm trước.
Nông dân huyện Thanh Trì rộn ràng vào vụ xuân hè sau niềm vui được mùa trúng giá.
Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, do thời tiết lạnh kéo dài, theo đánh giá của nông dân nơi đây thì phải hơn 10 năm nay vùng bãi mới có một mùa bội thu “được mùa, trúng giá” như vậy. Nếu như cà chua thu mua tại ruộng trước Tết giá chỉ 4.000 – 5.000 đồng/kg thì đến giáp Tết Nguyên đán đã tăng vọt lên 30.000 - 35.000 đồng/kg; hiếm khi một cái bắp cải lại có giá 50.000 - 60.000 đồng; rau màu các loại cũng vì thế tăng lên, bà con rất vui mừng. Hiện, địa phương đang vận động nông dân tận thu rau vụ đông, xuống giống vụ xuân hè và gieo trồng hết diện tích các loại rau màu có lợi thế như: dưa chuột, dưa leo, đậu đỗ các loại; bí lấy ngọn, bí ăn quả và các loại rau ăn lá khác.
Nằm liền kề với Duyên Hà, người dân Yên Mỹ cũng cho biết, giá cả trong dịp Tết Bính Thân tăng đột biến, gấp 3 - 4 lần ngày thường và so với các Tết khác. Đầu tháng Chạp, su hào thu mua tại ruộng chỉ 3.000-4. 000 đồng/củ, nhưng giáp Tết tăng vọt lên 7.000-8.000 đồng/củ, có khi lên đến 10.000đồng/củ; súp lơ 20.000-25.000 đồng/cây (0,7-0,8kg). Hiện, bà con đã thu hoạch gần hết rau vụ đông, chỉ còn khoảng 10-15% các loại rau gối vụ và đang tích cực xuống giống vụ xuân hè.
Ông Phạm Văn Tá (xã Duyên Hà), cho biết, khác với bà con nông dân trong vùng, hơn 10 năm trước, ông đã đi đầu trong việc trồng măng tây bán buôn cho các siêu thị, nhà hàng, khách sạn trong TP. Hà Nội. Sau khi thành công, ông mạnh dạn trồng thêm các loại rau xứ ôn đới như: xà lách cuốn bắp tím, cuốn bắp trắng; xà lách Italia, Chi lê; thìa là, cheri (ăn củ), và các loại (dương thảo) rau gia vị để nấu các món ăn châu Âu. Là người làm ăn lớn, có uy tín và hợp đồng quanh năm như ông, không phụ thuộc vào giá cả thị trường, nhưng giáp Tết Bính Thân vừa qua, do giá cả tăng vọt, các sản phẩm của ông cũng được nâng giá lên 10 -15%. Hiện, gia đình ông đạt lợi nhuận ổn định 500-600 triệu đồng/năm.
Ngoài ông Tá, đa số nông dân các xã trên đều trồng rau truyền thống. Bà Đặng Thị Phúc (xã Duyên Hà) cho biết, với gần 2 sào ruộng (1 sào Bắc Bộ = 360m2), trồng rau 4 vụ/năm, gia đình bà luôn có thu nhập ổn định 80-100 triệu đồng/năm. Bà Nguyễn Thị Tâm (xã Yên Mỹ) cũng cho biết, bà có 3 sào rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 2 năm nay, năm 2014 đã có Công ty Gia Long (Hà Nội) về ký cam kết tiêu thụ, nhưng sau đó tự ý phá vỡ hợp đồng. Giáp Tết vừa qua, thu nhập của gia đình bà cao gấp 3 lần, lãi ròng trên 20 triệu đồng/sào (ngày thường và các năm trước chỉ thu lãi 5 - 7 triệu đồng/sào). Hiện, bà đã trồng dưa leo, dưa bở, dưa lê và các loại rau ăn lá để kịp thời vào vụ xuân hè. Tuy nhiên, điều mà bà băn khoăn là: suốt từ bấy đến nay, HTX Yên Mỹ vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định cho rau VietGAP. Vì vậy, sản phẩm của bà cũng như nhiều nông dân khác tại địa phương vẫn phải bán trôi nổi trên thị trường, “vàng thau lẫn lộn”, giá cả chưa tương xứng với chất lượng và công sức bỏ ra.
VietGAP, hướng đi tất yếu
Mặc dù chưa tìm được đầu ra ổn định cho vùng rau VietGAP song nông dân Thanh Trì vẫn xác định hướng đi tất yếu là phải cung cấp cho thị trường Thủ đô nguồn rau sạch. Trước mắt, mở rộng vùng rau an toàn và chú trọng sản xuất rau chất lượng cao. Điều này không những các hộ dân mà chính quyền địa phương các cấp cũng đang đẩy mạnh thực hiện. Theo đó, rau VietGAP giá trị sản phẩm tăng 15 - 20% và ngày càng được khách hàng lựa chọn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Đức, Phó chủ tịch UBND xã Duyên Hà, cho biết: “Ngay từ năm 1996, xã đã được TP.Hà Nội công nhận đủ điều kiện để sản xuất rau an toàn. Năm 2010, lại được nhận diện và gắn tem an toàn với diện tích 52,54ha; từ năm 2010 đến nay đã có 8,6ha rau VietGAP. Trong quá trình sản xuất luôn có sự giám sát của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tại 3 cấp ngành từ xã đến huyện, thành phố, ngoài ra còn có sự theo dõi thường xuyên của các HTX. Đáng ghi nhận là, HTX Đại Lan đã được TP.Hà Nội cấp giấy chứng nhận thương hiệu, mã số, mã vạch rau an toàn và được người tiêu dùng bình chọn là 1 trong 50 doanh nghiệp có uy tín, được khách hàng tin tưởng ưa chuộng. Đầu ra là các siêu thị, chợ đầu mối, trường học, bếp ăn tập thể; các cửa hàng rau sạch và gần đây đã đưa lên sàn giao dịch”.
Ông Đức cho biết thêm, các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là cho các hộ trồng rau VietGAP luôn được quan tâm đúng mức. Theo đó, Chi cục BVTV Hà Nội hỗ trợ giống, phân bón hữu cơ; hệ thống bẫy sâu, bướm cho bà con thông qua HTX. Điều đáng ghi nhận là, từ đầu năm 2015 đến nay, Duyên Hà còn nhận được sự trợ giúp của Tập đoàn Syngenta với các sản phẩm thiết thực như: nhà lưới, nhà vòm bằng nylon và giàn tưới phun mưa để sản xuất rau VietGAP với diện tích 1ha. Mặt khác, hàng năm, huyện Thanh Trì cũng có chính sách phát triển kinh tế và các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao cho các xã rất kịp thời.
Về phía bà con nông dân, thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn chương trình IPM và VietGAP, trong suốt quá trình sản xuất rau an toàn, rau chất lượng cao như: tập huấn kỹ thuật gieo trồng các loại giống mới, cách phòng trừ sâu bệnh cho rau màu; giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV. Riêng xã Yên Mỹ, năm 2015, đã tổ chức được 4 buổi với 265 lượt hội viên tham dự. Ngoài ra, xã còn phát động phong trào: “Nông dân Yên Mỹ chỉ sản xuất và bán ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp đủ tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn”. HTX dịch vụ Yên Mỹ tích cực giúp bà con tiêu thụ sản phẩm và quảng bá cho thương hiệu “Rau an toàn Yên Mỹ” trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nhìn chung, bà con Thanh Trì tuân thủ đúng quy trình sản xuất và có sự giám sát, hướng dẫn thường xuyên của các cán bộ BVTV huyện. Hàng năm, Chi cục BVTV TP.Hà Nội đều đến lấy mẫu sản phẩm đi kiểm nghiệm và thông báo kết quả rõ ràng để bà con yên tâm sản xuất.
Dương An Như
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.