Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Minh Xuân (Lục Yên - Yên Bái) luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công trên địa bàn.
Qua đó, tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn đối với những người có công với cách mạng.
Hỗ trợ người có công
Xác định việc xây mới và sửa chữa nhà ở cho người có công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vì vậy, ngay sau khi có quyết định hỗ trợ của tỉnh Yên Bái, huyện Lục Yên đã chủ động xây dựng kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo có nhiệm vụ triển khai kế hoạch và đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện hỗ trợ xây nhà.
Cùng cán bộ thương binh - xã hội xã Minh Xuân đi thăm gia đình ông Hoàng Viên ở thôn 1, một trong những người có công được hỗ trợ tiền để xây dựng nhà ở theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi thấy rõ niềm vui, sự phấn khởi hiện rõ trên khuôn mặt của ông.
Ông Viên sinh năm 1940, là bộ đội tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được Đảng và Nhà nước tặng nhiều huân, huy chương kháng chiến. Năm 2018, được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng và sự động viên, giúp đỡ của anh em, hàng xóm, gia đình ông Viên đã xây dựng được ngôi nhà sàn kiên cố, rộng rãi hơn. Trong quá trình xây nhà, Đảng ủy, chính quyền xã, các tổ chức chính trị, xã hội luôn phân công lực lượng đến giúp đỡ, để ngôi nhà sớm được hoàn thành theo kế hoạch đề ra.
Bà Hoàng Thị Thủy, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lục Yên, cho biết: “Phòng đang chỉ đạo các xã, thị trấn nắm bắt tình hình, tiến độ làm nhà ở của những người có công được hỗ trợ. Song song đó phấn đấu đảm bảo chi trả tiền hỗ trợ làm mới, sửa chữa cho các hộ đảm bảo đúng tiến độ đề ra”.
Bên cạnh thực hiện tốt chương trình hỗ trợ làm nhà ở cho người có công, thời gian qua, Minh Xuân còn tạo điều kiện hỗ trợ cho người có công phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu, trong đó có ông Lộc Văn Kịch, thương binh hạng 2/4 với mô hình kinh tế tổng hợp vườn - ao - chuồng - rừng.
Tham gia kháng chiến chống Mỹ năm 1968, năm 1972, trong một trận đánh tại chiến trường Tây Ninh, ông bị thương, đến năm 1974 xuất ngũ trở về quê hương. Với ý chí của người lính bộ đội cụ Hồ, không quản ngại khó khăn vất vả, cùng với sự tạo điều kiện của xã giúp gia đình vay vốn, ông Kịch từng bước phát triển kinh tế, trong đó trọng tâm là trồng rừng, chăn nuôi trâu, dê, gà…, mỗi năm trừ chi phí, thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Minh Xuân hiện có 76 người có công, đối tượng chính sách, trong đó thân nhân liệt sỹ chưa được hưởng trợ cấp 30 người, thân nhân liệt sỹ đang hưởng trợ cấp 21 người, thương binh 18 người, bệnh binh 3 người, người nhiễm chất độc hóa học 4 người.
Xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”
Những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã Minh Xuân lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động hội viên, nhân dân, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thi đua thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Trong đó, cán bộ, công chức xã nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động, ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tối thiểu 1 ngày lương; chính quyền xã chỉ đạo các thôn dân cư rà soát, nắm chắc tình hình đời sống, những khó khăn của người có công để kịp thời có kế hoạch hỗ trợ.
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng ủy, chính quyền xã đặc biệt quan tâm đến công tác chăm lo cho người có công như: Tổ chức khám và chữa bệnh miễn phí cho các thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng tại Trạm y tế xã; thăm hỏi, động viên, trao quà của Chủ tịch nước, của tỉnh và huyện cho người có công nhân dịp lễ, Tết, ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) hàng năm. Việc chi trả trợ cấp theo quy định của Nhà nước đối với người có công được địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời, trung bình mỗi tháng xã Minh Xuân chi trả trên 95 triệu đồng cho các đối tượng.
Cùng với đó, chính quyền xã tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các chính sách, chế độ cho người có công với cách mạng; tiếp tục rà soát, cải thiện nhà ở cho người có công và thân nhân còn khó khăn về nhà ở… Nhờ đó, trong năm 2018, trong tổng số 19 nhà ở được hỗ trợ đến nay đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 8 nhà, bao gồm làm mới 4 nhà, sửa chữa 4 nhà. Hiện, xã đang tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ được hỗ trợ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Ông Nông Mạnh Tường, Chủ tịch UBND xã Minh Xuân, khẳng định: “Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa tới các đối tượng chính sách, người có công trên địa bàn; thường xuyên thăm hỏi, rà soát những người có công khó khăn để có chính sách hỗ trợ, động viên kịp thời cho các đối tượng”.
Những hoạt động thiết thực trong công tác đền ơn đáp nghĩa của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc xã Minh Xuân thời gian qua không chỉ thể hiện sự chia sẻ, quan tâm đến các đối tượng chính sách, người có công mà còn góp phần giáo dục sâu sắc các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ địa phương về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”…
Thực hiện Đề án hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2 (2017-2018), huyện Lục Yên có 272 hộ được phê duyệt hỗ trợ về nhà ở với tổng kinh phí dự kiến 9 tỷ đồng. Theo đó, những gia đình xây dựng nhà ở mới được hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ; trường hợp sửa chữa nhà ở cũ được hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ. Dự kiến, nguồn kinh phí của Trung ương hỗ trợ là 95%; còn lại là ngân sách tỉnh đối ứng. Tính riêng năm 2017, số tiền ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tỉnh Yên Bái đạt gần 2,8 tỷ đồng (bằng 103,4% kế hoạch đề ra). Tổng chi cho các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc gia đình người có công trên 1,8 tỷ đồng. |
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.