Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 31 tháng 8 năm 2018 | 14:41

“Thay da, đổi thịt” trên vùng địa linh nhân kiệt Đông Anh

Đông Anh, huyện ngoại thành của Hà Nội, là vùng đất địa linh nhân kiệt sinh ra nhiều người con ưu tú của cách mạng Việt Nam, là vùng đất từng hai lần được chọn là Kinh đô của đất nước.

Sau 73 năm kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Đông Anh đã có nhiều khởi sắc.

dsc_0131.JPG

Cầu Đông Trù làm thay đổi bộ mặt của Đông Anh.

 

Vùng đất địa linh nhân kiệt

Nói đến Đông Anh là phải nhắc đến vùng đất đã được cha ông chúng ta lựa chọn là Kinh đô của hai triều đại, đó là Kinh đô của nước Âu Lạc, nhà nước khởi đầu cho nền tự chủ dưới thời An Dương Vương và Kinh đô của Nhà nước dưới thời Ngô Quyền, sau khi đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng.

Đây còn là quê ngoại của vua Lý Công Uẩn. Tương truyền, mẹ của vua Lý Công Uẩn là bà Phạm Thị, người vùng đất Hoa Lâm, phủ Đông Ngàn, nay là xã Mai Lâm (Đông Anh), vùng đất này nằm ngay  cạnh con sông Thiên Đức (sông Đuống ngày nay). Tại ngôi chùa Diên Phúc và đình làng thôn Thái Bình hiện vẫn còn lưu giữ văn bia cổ nói về bà Phạm Thị.

Khi xưa mỗi lần vua Lý Công Uẩn từ Kinh đô Thăng Long về làng Cổ Pháp (Bắc Ninh)  đều đi thuyền về quê mẹ, nơi đây hiện vẫn còn những địa danh gắn liền với lịch sử vương triều nhà Lý như làng Long Tửu - làng nấu rượu để tiến vua, làng Lại Đà, làng Đông Trù…

Đây cũng chính là quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông sinh ra và lớn lên tại làng Lại Đà, ngôi làng cổ gắn liền với dấu tích của vương triều nhà Lý. Quê hương ông có một ngôi đình hàng trăm năm tuổi có tên gắn liền với tên làng.

Trước thời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vùng đất Đông Anh còn là quê hương của ông Đào Duy Tùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư. Vùng đất này còn là vùng an toàn khu trước khi bị thực dân Pháp chiếm đóng.

Tại làng Xuân Canh vẫn còn đó “trận địa pháo Xuân Canh”, là một trong ba địa điểm khai hỏa đầu tiên trong đêm 19/12/1946, đánh dấu chặng đường 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của toàn dân tộc, đỉnh cao của cuộc kháng chiến này là chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Còn nhiều địa danh lịch sử ghi lại dấu ấn của sự phát triển của cả dân tộc, còn nhiều tên tuổi của những người con ưu tú trên quê hương Đông Anh địa linh nhân kiệt không thể liệt kê.

Đổi thay

Về Đông Anh vào một ngày cuối tháng Tám, đi dọc  đê sông Đuống ngoằn ngoèo như dải lụa mềm ôm lấy làng quê trù phú, tôi ghé vào nhà ông Nguyễn Ngọc Thư (78 tuổi), cán bộ nhà nước đã nghỉ hưu  ở thôn Đông Ngàn, xã Đông Hội và ngồi nghe ông kể chuyện sự đổi thay trên quê hương.

Ông bảo, làng này ngày xưa có tên là làng Long Tửu, tức là làng “rượu vua”. Làng có nghề nấu rượu nức tiếng của phủ Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc xưa kia để dâng tiến vua.

“Trước Cách mạng Tháng Tám, làng  tôi cũng như bao làng quê khác của đất nước, đều nghèo khổ, khó khăn và vất vả, cuộc sống của người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà không đủ cái ăn, đã thế lại còn phải chịu sự áp bức, bóc lột của địa chủ, cường hào ác bá và bọn đế quốc xâm lược. Người dân ở đây đã đi theo Cách mạng ngay từ khi chưa giành được chính quyền”, ông Thư kể.

Theo lời ông Thư, ngay sau khi giành được chính quyền và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, làng chúng tôi trở thành “làng kháng chiến”, khắp vùng quê này đều có các cơ sở cách mạng hoạt động bí mật, hàng ngày cán bộ vượt sông Đuống sang vùng Gia Lâm để hoạt động. Cây đa ở bến đò Xuân Canh ấy, chính là nơi để hòm thư bí mật và là địa điểm liên lạc. Bây giờ, cây đa đó vẫn còn như một chứng nhân lịch sử, không xa đó là dấu tích của trận địa pháo Xuân Canh trong đêm toàn quốc kháng chiến đã gầm lên trút căm hờn vào quân xâm lược.

Ông bảo, đã 73 năm rồi, trên mảnh đất quê hương có nhiều đổi thay lắm. Từ chỗ cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhà không có để ở thì nay cuộc sống khấm khá lên nhiều, nhiều gia đình đã thành lập công ty riêng để kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho nhân dân trong vùng và nhiều nơi khác đến đây bằng nghề làm bánh kẹo.

Chỉ tay ra phía trước mặt ngôi nhà 5 gian theo lối kiến trúc cổ của mình, ông nói: Trước kia, làng này làm gì có nhà ngói đâu, toàn nhà tranh vách đất, vậy mà đến nay toàn nhà cao tầng khang trang đấy. Do làng nằm ở bên ngoài đê nên cứ mỗi mùa nước lên là cả làng lại bị ngập lụt. Từ khi nhà nước trị thủy được sông Đà làm thủy điện, không còn bị ngập lụt nữa, đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp và được đổ bê tông, không còn lầy lội bùn đất như trước. Ngày trước, còn lấy nước sông để sinh hoạt hay dùng nước giếng, nhưng giờ nước sạch được đưa đến từng nhà; các công trình phúc lợi như nhà văn hóa, trường học, trạm y tế… được đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp.  Xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.

“Ngày xưa, từ Hà Nội phải đi qua cầu Đuống, sau đó theo con đê mất khoảng 20km thì mới đến được làng, người dân chúng tôi quanh vùng này thường hay lựa chọn cách đi qua đò, mỗi sáng hàng trăm người cùng với xe đạp và quang gánh, hàng hóa là sản vật của nhà nông được chở qua sông vào nội thành để làm ăn và buôn bán, nhiều lúc nước sông lên cao rất nguy hiểm. Nhưng bây giờ, về với Đông Anh nói chung và làng Đông Ngàn nói riêng, đã có cầu Đông Trù nên tiện lắm. Không chỉ có cầu Đông Trù mà nay còn có cây cầu mang dáng dấp công trình thế kỷ - cầu Nhật Tân”, nhấp chén trà, ông cười hiền nói: cuộc sống của nhân dân chúng tôi thật sự đã đổi thay, sự đổi thay từng ngày.

Lấy dân làm gốc để xây dựng và phát triển kinh tế

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Linh, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh, cho biết, Đông Anh là một trong 4 địa phương đầu tiên của TP. Hà Nội được công nhận là huyện nông thôn mới, hiện nay Đông Anh đang dồn lực cho xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Phát huy truyền thống của quê hương anh hùng, có truyền thống cách mạng, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”. Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành nhiều chủ trương, kế hoạch để thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020 và ban hành kế hoạch thực hiện hằng năm để bảo đảm việc thực hiện chương trình liên tục, xuyên suốt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện và các xã.

Được TP. Hà Nội công nhận huyện nông thôn mới đã có tác động tích cực, quan trọng tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội với Đông Anh. Nhân dân được thụ hưởng thành quả do chính mình là chủ thể xây dựng nên rất phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và hệ thống chính trị, từ đó phát huy những kết quả đạt được, tạo nền tảng xây dựng huyện ngày càng phát triển.

Đông Anh đang chuyển mình để phát triển, từ khi được Nhà nước, TP. Hà Nội quan tâm đầu tư xây dựng tuyến đường 5 kéo dài và đưa cầu Đông Trù vào hoạt động, các dự án lớn như Trung tâm triển lãm Quốc gia, Công viên giải trí Sun world… cũng đang được xây dựng nơi đây.

Lợi thế của Đông Anh hiện nay chính là nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội được quy hoạch bài bản để xây dựng nông thôn Đông Anh trở thành “miền quê đáng sống” bên cạnh đô thị trung tâm dọc theo Đại lộ Võ Nguyên Giáp đang được Chính phủ và thành phố quan tâm đầu tư thành những đô thị hiện đại, thông minh.

Trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo, Huyện ủy, UBND dân luôn lấy “Dân làm gốc”, phát huy vai trò của người dân làm chủ với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhìn lại chặng đường phát triển và đổi mới, sau 73 năm xây dựng, Đông Anh đã thực sự vươn mình và trở thành huyện ngoại thành có những bước phát triển kinh tế vững mạnh, cuộc sống của người dân được nâng cao, các thiết chế văn hóa - xã hội được duy trì, bảo tồn và phát huy, Đông Anh thực sự là vùng quê đã “thay da, đổi thịt”.

Rời làng Long Tửu thơ mộng bên dòng sông Đuống hiền hòa, đi dọc con đê, tôi thả mình ngắm nhìn những ngôi nhà cao tầng khang trang ở vùng quê này, ngắm ngôi đình cổ làng Lại Đà hàng trăm năm tuổi, chùa Diên Phúc và dấu tích Bãi Sập của vùng đất Hoa Lâm Viên thuở nào, trong lòng dâng lên một niềm vui, tự hào khó tả. Thành quả của 73 năm từ khi có Đảng lãnh đạo là đây.

 


 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top