Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 13 tháng 4 năm 2019 | 21:12

Thêm động lực cho quan hệ hợp tác với Romania và Czech

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân sẽ thăm chính thức Romania từ ngày 14 - 16/4 và thăm CH Czech từ ngày 16 – 18/4.

 
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. - Ảnh: VGP

 

Chuyến thăm nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với Romania và Cộng hòa Czech, nhất là trong các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư, giáo dục - đào tạo, an ninh - quốc phòng, lao động, nông nghiệp, khoa học - công nghệ, văn hóa - du lịch, hợp tác giữa các địa phương…; trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Bên cạnh đó, chuyến thăm cũng là cơ hội để Việt Nam tranh thủ sự ủng hộ của Romania, Czech trong quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), nhất là vận động Romania, Czech thúc đẩy việc ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Chuyến thăm đầu tiên từ năm 1977

Là một trong số 10 quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, chính phủ và nhân dân Romania đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ quý báu và nhiệt tình trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như công cuộc xây dựng, phát triển đất nước sau này. Từ sau 1990, Việt Nam và Romania đã ký nhiều văn kiện tạo khung pháp lý cho hợp tác trong giai đoạn mới.

Trên nền tảng ấy, Việt Nam và Romania đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, trong đó đoàn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm thăm Romania năm 2009. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thăm chính thức Romania từ ngày 06-07/7/2018. Trong thời gian chuyến thăm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gặp Phó Chủ tịch Hạ viện Carmen Ileana Mihalcescu, hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Teodor Melescanu, hội kiến Thủ tướng Viorica Dancila.

Với chuyến thăm chính thức Romania lần này, đây sẽ là lần đầu tiên có chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ tới Romania kể từ năm 1977.

Về kinh tế, với việc ký Hiệp định về hợp tác kinh tế năm 2009, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Romania tiếp tục phát triển. Năm 2017, kim ngạch thương mại song phương đạt 217 triệu USD.

Về giáo dục, từ năm 1992, Romania đã bắt đầu cấp học bổng cho Việt Nam. Năm 1995, hai nước ký Hiệp định về Hợp tác trong các lĩnh vực văn hoá, khoa học, giáo dục và thể thao. Theo đó hàng năm, Romania cấp cho Việt Nam 10 học bổng đại học và trên đại học.

Trả lời báo chí Việt Nam trước thềm chuyến thăm, Đại sứ Việt Nam tại Romania Đặng Trần Phong cho rằng Việt Nam và Romania có tiềm năng hợp tác trên nhiều mặt, có thể bổ sung cho nhau trên cơ sở nhiều điểm tương đồng. Việt Nam và Romania đều là hai nền kinh tế đang tăng trưởng tốc độ cao với nhu cầu mở rộng thị trường; đều là những quốc gia có vị trí địa lí cửa ngõ của khu vực, đang tham gia nhiều cơ chế thương mại và quốc tế... 

Trong bối cảnh tiềm năng của hai nền kinh tế đang phát triển năng động và hợp tác EU - Việt Nam đang phát triển, hai nước có nhiều thuận lợi để mở rộng hợp tác đặc biệt về kinh tế. Với vai trò là Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu 6 tháng đầu năm 2019, Romania sẽ là cầu nối thúc đẩy quan hệ Việt Nam với các nước Liên minh châu Âu và Việt Nam sẽ nỗ lực hỗ trợ tăng cường mối quan hệ giữa Romania - ASEAN.

Về phần mình, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Romania tại Việt Nam, ông Emil Ghitulescu cho rằng Việt Nam là đối tác quan trọng và truyền thống của Romania tại khu vực Đông Nam Á và hai bên đang đặt ra rất nhiều ưu tiên mới.

Dự kiến trong thời gian chuyến thăm, tại Rumani, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Romania, hội kiến Tổng thống Romania, Chủ tịch Thượng viện Romania và Chủ tịch Hạ viện Romania, dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam -Romania, tọa đàm với các địa phương hợp tác với Việt Nam, gặp gỡ cộng đồng và một số hoạt động khác.

Mở ra các cơ hội thị trường mới

Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới CH Czech lần này có  ý nghĩa rất quan trọng, diễn ra trong bối cảnh sau 12 năm mới có trao đổi cấp Thủ tướng và trước thềm kỉ niệm 70 năm Ngày thiết lập quan hệ Ngoại giao giữa hai nước (2/2/1950 - 2/2/2020). 

Kể từ khi kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ Ngoại giao giữa hai nước năm 2015 cho đến nay, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp Việt Nam-Czech tiếp tục đà phát triển trên các lĩnh vực: chính trị ngoại giao, kinh tế, an ninh quốc phòng, văn hóa , giáo dục đào tạo...và mở ra các cơ hội hợp tác giữa các địa phương hai nước. Hai bên tiếp tục duy trì trao đổi hàng trăm đoàn các cấp.

Nhiều bộ ngành và địa phương của hai nước đã xây dựng quan hệ hợp tác cụ thể trên từng lĩnh vực thế mạnh của mình, ví dụ như các tỉnh Quảng Ninh-Karlovy Vary, Kiên Giang-Usty Nad Nabem đã ký thỏa thuận hợp tác… Hai bên duy trì thường kỳ các phiên họp của Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế để triển khai các hoạt động hợp tác kinh tế hai nước, phiên thứ VI gần đây nhất diễn ra tại Hà Nội vào tháng 4/2018.

Quan hệ thương mại giữa hai nước đã có những bước phát triển đáng kể. Giai đoạn 5 năm (2014-2018), thương mại song phương đã tăng 68,47%, từ mức 697 triệu USD năm 2014 lên 1,2 tỷ USD năm 2018. Nếu tính theo giai đoạn 6 năm thì kim ngạch năm 2018 đã tăng hơn 2 lần kim ngạch năm 2013 (547 triệu USD).

Năm 2018, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 36 trong số hơn 200 đối tác của Czech. Nếu tính riêng xuất khẩu, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 28 vào Czech. Hiện nay, Việt Nam cũng là một trong 12 thị trường ưu tiên về thương mại của Czech.

Trả lời báo chí, Đại sứ Việt Nam tại Czech Hồ Minh Tuấn cho biết, nói đến thị trường Czech mà chỉ nói đến các doanh nghiệp Czech thì chưa đủ vì nét đặc biệt ở đây là có lực lượng doanh nhân gốc Việt tương đối thành đạt, bước đầu có tiếng nói ở sở tại.

Thị trường Czech tuy chỉ có 10 triệu dân, song với vị trí nằm ở trung tâm châu Âu, hàng hoá hoá nhập khẩu sẽ không chỉ phục vụ thị trường Czech mà còn được chuyển đi tới nhiều nước châu Âu láng giềng khác. Hiện cộng đồng này đang góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam – Czech, và qua đó thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU).

Trong chuyến thăm Cộng hòa Czech, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự kiến có cuộc hội đàm với Thủ tướng Cộng hòa Czech, hội kiến Tổng thống Cộng hòa Czech và Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Czech, dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Cộng hòa Czech, tham gia gặp cỡ cộng đồng Việt Nam tại Czech và các hoạt động khác.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top