Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 17 tháng 4 năm 2021 | 11:42

Thiếu cán bộ thú y: “Lỗ hổng” trong phòng chống dịch bệnh?

Thời gian qua, các loại dịch bệnh trên vật nuôi bùng phát tại hầu hết các địa phương của tỉnh Nghệ An. Việc phường, xã không còn cán bộ thú y khiến cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi trở nên khó khăn và lúng túng.

 

Người dân gặp khó, chính quyền lúng túng

Chúng tôi có mặt tại xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương), địa phương đang “nóng” về bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện nay. Đã hơn 2 tháng, tính đến ngày 10/4, toàn xã có 6/6 xóm bị dịch “bủa vây”, hầu như ngày nào đội tiêu hủy lợn của địa phương cũng phải vất vả khiêng lợn chết đi tiêu hủy. Có gia đình tiêu hủy một lúc cả chục con lợn thịt, thiệt hại cả trăm triệu đồng.

Đứng trước căn lán trống hoác vốn là chuồng nuôi lợn, bà Nguyễn Thị Lý trú tại thôn Thủy Hồng (xã Thanh Lĩnh) không kìm được những giọt nước mắt: “Chăn nuôi lợn là nguồn thu chính của gia đình. Khi thông tin các xã lân cận bị dịch, gia đình chỉ biết phòng tránh bằng phương pháp dân gian như rắc vôi bột, hạn chế người lạ, chứ cán bộ thú y nghe nói đã giải tán rồi, dù lợn có ốm cũng không biết kêu ai. Tuy nhiên, sau khi dịch “tràn” về thì hơn 4 tạ lợn nhiễm bệnh và phải tiêu hủy. Dù xót của nhưng cũng phải tiêu hủy”. 

 

Chăn nuôi Nghệ An đang phải chịu tác động của nhiều loại dịch bệnh
Chăn nuôi Nghệ An đang phải chịu tác động của nhiều loại dịch bệnh

 

Không chỉ các hộ chăn nuôi lo lắng, mà ngay cả chính quyền cấp xã cũng trở nên lúng túng, bị động. Ông Nguyễn Trường Tam, Chủ tịch UBND xã Thanh Lĩnh, cho biết: Cái khó nhất trong chăn nuôi hiện nay là không có cán bộ thú y. Lĩnh vực này ở xã đang được giao cho cán bộ công chức địa chính - nông nghiệp xã. Vì không có chuyên môn về thú y nên việc giám sát dịch bệnh, chẩn đoán lâm sàng rất khó khăn và hạn chế, thường phải nhờ đến sự hỗ trợ từ cơ quan chuyên môn cấp huyện. Điều này gây mất thời gian, khó dập dịch trong diện hẹp, khiến dịch lây lan nhanh, rủi ro cho người chăn nuôi là rất lớn.

“Chúng tôi phải tự lo ngân sách, giá thuê do người được thuê đặt ra, có khi cao gấp 2-3 lần và họ cũng không có trách nhiệm như khi còn là cán bộ thú y. Hiện tại, đang là thời gian tiêm phòng định kỳ và dịch bệnh tái bùng phát, xã phải huy động toàn bộ cán bộ UBND xã vừa trực tiếp giám sát công tác tiêm phòng, vừa để có thể báo ngay cơ quan chức năng cấp trên khi có vật nuôi bị bệnh”, ông Tam cho biết thêm.

 

Công tác triển khai giám sát, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi đang gặp vô vàn khó khăn, xáo trộn do việc sáp nhập hệ thống thú y cơ sở
Công tác triển khai giám sát, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi đang gặp vô vàn khó khăn, xáo trộn do việc sáp nhập hệ thống thú y cơ sở

 

Không chỉ vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, mà ngay tại các xã trung du, đồng bằng, việc chăm sóc, phòng trừ, giám sát dịch bệnh vật nuôi cũng không khả quan hơn là mấy.

Xã Nghi Đức (TP. Vinh) vừa xuất hiện ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò. Sau khi xảy ra ổ dịch, nhiệm vụ bắt buộc đối với địa phương là cách ly đàn trâu, bò bị nhiễm dịch, sau đó là triển khai các giải pháp phòng dịch.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn trâu, bò, địa phương gặp không ít khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch xã Nghi Đức, cho biết: Xã phải thuê một người có chuyên môn thú y, trước đây phụ trách lĩnh vực thú y của địa phương để triển khai công tác tiêm phòng. Thế nhưng, địa phương có lúc bị động, bởi những người có chuyên môn kỹ thuật thú y đi làm ăn xa khi xảy ra dịch bệnh đột xuất.

Cần xem xét và sửa đổi phù hợp thực tế

Cuối năm 2019, HĐND tỉnh Nghệ An xây dựng Nghị quyết số 22/2019 dựa trên cơ sở Nghị định 34/2019 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nội dung bãi bỏ chức danh không chuyên trách thú y. Và thực tế đã có nhiều vấn đề bất cập xảy ra, nhất là tại những địa phương phát triển chăn nuôi, có tổng đàn lớn, tổ chức tiêm phòng rất khó khăn, trong chống dịch gặp nhiều lúng túng.  

Nếu trước đây, Nghệ An có 460 cán bộ thú y cấp xã thì từ ngày 1/1/2020, các phường, xã, thị trấn buộc phải giao cho cán bộ nông nghiệp, địa chính, Hội Nông dân, thậm chí là Đoàn Thanh niên, dân quân tự vệ, MTTQ kiêm nhiệm thêm công việc thú y, trong khi hầu hết họ đều không có chuyên môn về lĩnh vực này. Vì vậy, mới có tình trạng dịch bệnh gia súc, gia cầm xảy ra ở các xóm, làng, bản không được xử lý và ngăn chặn kịp thời, rồi cứ kéo dài mãi như bệnh tai xanh, dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm… cứ tồn tại chưa có hồi kết.

Theo ông Ngô Đức Quỳnh, Phó chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, trong đợt tiêm phòng vụ xuân năm nay, toàn tỉnh có đến hơn 200 xã không tổ chức tiêm phòng. Việc triển khai tiêm phòng bổ sung đợt 2 cũng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu nguồn nhân lực.

 

Trong đợt tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi vụ xuân này, các địa phương phải thuê đội ngũ thú y để thực hiện
Trong đợt tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi vụ xuân này, các địa phương phải thuê đội ngũ thú y để thực hiện

 

Cán bộ thú y xã chính là lực lượng tham mưu cho chính quyền địa phương trong phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi. Trong tiêm phòng, đây vừa là lực lượng triển khai, vừa trực tiếp tiêm vắc xin cho gia súc, gia cầm; khi dịch bệnh xảy ra, thì họ là người đầu tiên chịu trách nhiệm chẩn đoán lâm sàng, điều trị và phối hợp khoanh vùng dập dịch. Khi không còn chức danh này nữa, các xã phải tìm đủ cách khắc phục nhưng vẫn khó đáp ứng được yêu cầu.

Ông Lê Đình Thanh, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, cho biết: “Dịch tả châu Phi bùng phát mạnh, bên cạnh những lý do khách quan thì khó khăn nhất là mạng lưới thú y cơ sở không còn. Tiến độ tiêm phòng chậm, việc giám sát, xử lý dịch bệnh trong diện hẹp trở nên khó khăn trong khi cán bộ của huyện không thể đủ đáp ứng bởi số xã nhiều, địa bàn rộng. Nhiều trường hợp, khi chúng tôi nhận được tin báo, dịch đã lây lan sang các hộ khác, thậm chí các xóm khác, rất khó để khoanh vùng dập dịch ở quy mô hộ như trước đây”.

Việc bãi bỏ chức danh không chuyên trách thú y cấp xã, qua hơn một năm thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập. Đặc biệt, khu vực miền núi không thuê được người tiêm, ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi, nhất là trong thời điểm dịch bệnh. Đây là chức danh đặc thù nên rất khó kiêm nhiệm, nếu không bố trí kịp thời sẽ gây khó khăn trong chăn nuôi. Nghệ An là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, chăn nuôi rất lớn thì việc bổ sung chức danh cán bộ thú y ở các xã, phường, thị trấn là điều rất cần thiết.

 

 

Ngọc Lan
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top