Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 7 năm 2016 | 12:24

Thoát nghèo từ chăn nuôi bò thịt

Phú Mãn và Đông Xuân - hai xã miền núi thuộc huyện Quốc Oai - là hai trong số rất ít xã của Hà Nội thuộc diện 135. Tại đây, nhiều gia đình đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò thịt vỗ béo.

Nông dân Phú Mãn thoát nghèo nhờ nuôi bò thịt.

Nuôi bò thịt ăn nên làm ra

Vùng đất núi Trán Voi không cây nào thích hợp bằng keo và  sắn. Ông Đinh Công Thu, người dân địa phương cho biết, đất ở đây toàn núi dốc, nên trồng trọt rất khó khăn. Hộ ông Thu chỉ có hơn 200m2 đất trồng lúa, còn lại đất trồng sắn, gần như quanh năm phải sống trong cảnh ăn đong. Trước đây, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo kinh niên, căn nhà cấp bốn xây dựng dở dang nhiều năm mà không có tiền để hoàn thiện. 

Từ khi ông Thu được vay vốn chính sách, mua bê về nuôi vỗ béo, bán bò thịt thì mới thoát được nghèo. Mỗi bê con lúc mới 4 tháng tuổi mua với giá 8-12 triệu đồng. Đem về nuôi thêm 10 tháng, đạt khoảng 400 -500 kg/con thì xuất bán, giá hiện tại là 80.000 đồng/kg bò hơi. Mỗi con bò nuôi vỗ béo cho lợi nhuận khoảng 15- 20 triệu đồng. Với 3 con bò nuôi vỗ béo mỗi lứa, đem về cho ông Thu lợi nhuận bình quân 60 triệu đồng/năm.

Ông Thu khoe: “Từ đầu năm nay có dự án khuyến nông xây dựng mô hình nuôi bò vỗ béo triển khai tại thôn, các hộ được tập huấn kỹ thuật, được cấp phát không thu tiền thức ăn tinh hỗn hợp để bổ sung vào khẩu ăn cho bò. Từ khi bổ sung thức ăn tinh, lượng thức ăn thô xanh giảm đi, bò lớn nhanh hơn. Với giống bò lai cao sản, trước đây, bình quân mỗi tháng chỉ tăng trọng khoảng 25kg, thì nay tăng lên 31-32 kg”.

Gia đình ông  Thu chỉ là một trong số 71 hộ dân ở xã Phú Mãn được hưởng lợi từ mô hình “Vỗ béo bò thịt trong nông hộ”, thuộc dự án “Xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo (TTNT) và vỗ béo bò thịt trong nông hộ”. Mô hình do Công ty CP Giống gia súc Hà Nội triển khai.

Ông Đinh Công Lập, cũng ở thôn Trán Voi, cho hay, dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình tôi và các hộ khác tham gia. Chúng tôi được Công ty CP Giống gia súc Hà Nội tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò, kiến thức về chọn giống, tẩy ký sinh trùng trước khi đưa vào vỗ béo, chăm sóc và nuôi dưỡng bò. Từ đó, chúng tôi biết cách chọn giống bò thịt, bò vỗ béo, biết  trồng và chế biến thức ăn xanh. Các hộ nuôi bò được dự án cấp thuốc thú y, thức ăn hỗn hợp miễn phí; cán bộ của dự án thường xuyên đến theo dõi, kiểm tra sức khỏe cho bò. Chúng tôi còn được cấp sổ ghi chép nhật ký chăn nuôi hàng ngày, để theo dõi tình phát triển, sinh trưởng, vệ sinh, dịch bệnh của đàn bò. Nuôi vỗ béo bò theo cách thức mới này, bò lớn nhanh mà lại ít  bị dịch bệnh.

Ông Bùi Văn Thảo, Chủ tịch UBND xã Phú Mãn, cho biết, địa bàn xã hầu hết là đồi dốc, rất khó phát triển sản xuất nông nghiệp và không thuận lợi cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Diện tích đất trồng lúa ít, chỉ với 37,5ha, chiếm 4,15% tổng diện tích tự nhiên, vì vậy, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Dân số của xã có 2.383 người với 482 hộ, chủ yếu là dân tộc Mường, chiếm 87,19%. Cách đây 7 năm, xã còn thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình), tỷ lệ hộ nghèo lên tới 28%. Từ khi xã được sáp nhập vào huyện Quốc Oai (Hà Nội), với sự hỗ trợ của thành phố và các cơ quan, nông dân đã mở rộng sinh kế. Đặc biệt, phát triển chăn nuôi dần trở thành hướng đi hiệu quả. Hiện đàn bò thịt trong xã đã đạt gần 800 con. Nhờ vậy, số hộ nghèo chỉ còn 33 hộ, chiếm 5,4% tổng số hộ  trong xã. Theo ông Thảo, từ khi có dự án về triển khai hỗ trợ mô hình vỗ béo bò, hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi bò tăng lên trông thấy.

Hiệu quả từ mô hình vỗ béo bò thịt

Bà Vũ Thị Hương, cán bộ của Công ty CP Giống gia súc Hà Nội cho  biết, đây là dự án do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì. Trên địa bàn Hà Nội, giao Công ty CP Giống gia súc Hà Nội triển khai thực hiện từ năm 2015. Năm 2016, Công ty được giao kinh phí hơn 733 triệu đồng, để xây dựng mô hình vỗ béo bò tại 2 xã là Phú Mãn và xã Đông Xuân. Các hộ tự nguyện tham gia mô hình và cam kết tuân thủ quy trình kỹ thuật, các hướng dẫn, quy định chung của dự án, có bò đúng đối tượng để vỗ béo, bãi chăn và trồng cây thức ăn xanh, có chuồng trại bảo đảm vệ sinh môi trường. Bình quân, mỗi con bò vỗ béo trong mô hình sau 3 tháng đã tăng trọng được 80 kg (bò nuôi vỗ béo ngoài mô hình chỉ tăng 48kg). Bình quân, bò sau khi vỗ béo bán cho lợi nhuận cao hơn so với không vỗ béo từ 3,5- 5 triệu đồng/con. Hiệu quả kinh tế tăng 16- 18% so với các hộ không tham gia dự án.

Dự án ”Xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật TTNT và vỗ béo bò thịt trong nông hộ” được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt theo Quyết định số 885 (năm 2014). Dự án được triển khai trong 3 năm tại 11 tỉnh (Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Phước, Quảng Bình, Thái Nguyên và Thái Bình) với quy mô 2.924 bò vỗ béo và 3.000 bò được TTNT. Qua 2 năm triển khai, dự án đã thu được nhiều kết quả khả quan. Đối với mô hình vỗ béo bò thịt, trong 2 năm 2014- 2015, dự án đã đưa vào vỗ béo 1.074 con; tổ chức 118 lớp tập huấn trong và ngoài mô hình cho trên 3.000 học viên, giúp bà con củng cố kiến thức, đồng thời nắm bắt tiến bộ kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Từ những hiệu quả bước đầu có thể thấy, dự án hoàn toàn có thể nhân ra diện rộng, một mặt giải quyết nhu cầu xã hội về việc làm cho lao động nông thôn, bên cạnh đó còn tạo ngành nghề có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống của các hộ dân trong vùng. Đặc biệt, thông qua các hoạt động như tập huấn, tham quan hội thảo, thông tin tuyên truyền…, dự án sẽ lan tỏa ra cộng đồng, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, giúp các xã  sớm hoàn thành tiêu chí về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.

Chu Khôi

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top