Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Donald Trump, tờ Washington Times (Hoa Kỳ) số ra ngày 30/5 đăng tải thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Dưới đây là toàn văn thông điệp của Thủ tướng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP
Trong hơn hai thập kỷ qua, tôi đã có cơ hội được nhiều lần đến đất nước Hoa Kỳ để học tập nghiên cứu, làm việc và tôi luôn cảm nhận được sự chào đón chân thành từ bạn bè Hoa Kỳ. Trong chuyến thăm Hoa Kỳ lần này, trên cương vị là Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, tôi cùng các thành viên trong Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam vui mừng được gặp lại những người bạn cũ và làm quen với những người bạn mới, cùng chung một tâm huyết là ủng hộ nhiệt thành quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ, để cùng viết thêm một trang mới trong lịch sử quan hệ giữa hai dân tộc chúng ta.
Cách nhau một đại dương, nhưng quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao hai mươi hai (22) năm trước đây không ngừng xích lại gần nhau hơn. Bằng sự can đảm vượt lên chính mình và tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, chúng ta đã vượt qua biết bao cam go, khó khăn, thách thức để đưa quan hệ từ cựu thù, thành bạn và nay là Đối tác toàn diện với động lực phát triển quan hệ mạnh mẽ.
Xuất khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam trong 10 năm qua tăng 5 lần. Trong chuyến đi này, các doanh nghiệp hai bên sẽ ký các hợp đồng thương mại trị giá nhiều tỷ USD, sẽ tạo ra hàng chục nghìn việc làm tại Mỹ và tăng xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam và của Việt Nam sang Hoa Kỳ, góp phần cải thiện đời sống cho rất nhiều người lao động ở hai nước.
Hai nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ hoàn toàn có tính bổ sung cho nhau và càng tăng cường hợp tác chúng ta có nhiều lợi ích. Việt Nam thường nhập khẩu từ Hoa Kỳ máy bay (Boeing), động cơ điện, thiết bị y tế công nghệ cao, dược phẩm, trong năm 2016, đã nhập gần 1,5 triệu tấn ngô, đỗ tương, lúa mỳ, 0,5 triệu tấn bông…, và ngược lại chúng tôi xuất khẩu sang Hoa Kỳ những mặt hàng tôm, cá tra, rau quả, đồ gỗ, hàng may mặc, giầy dép… mà người dân Hoa Kỳ ưa dùng. Giữa tháng 5/2017, Tập đoàn sữa lớn nhất Việt Nam - Vinamilk đã nhập 2.000 con bò sữa cao sản từ Hoa Kỳ và sẽ là 8.000 con trong năm nay để nhân rộng nguồn sữa chất lượng cao cho trẻ em Việt Nam.
Phòng thí nghiệm của Underwriter Laboratories giúp cho việc kiểm tra chất lượng hàng hóa Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế. Máy bay Boeing, Vệ tinh Lockheed Martin đang giúp hiện đại hóa một cách nhanh chóng ngành giao thông vận tải và viễn thông của Việt Nam. Tuốc-bin điện của GE đang giúp chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng của Việt Nam sang hướng ngày càng xanh, sạch.
Hơn 31.000 sinh viên Việt Nam hiện đang học tập tại Hoa Kỳ đã và sẽ là một nguồn lực to lớn cho sự phát triển kinh tế, khoa học-công nghệ của Việt Nam, cho tương lai quan hệ hai nước. Đại học Fulbright Việt Nam và Chương trình Hòa bình (Peace Corps) sớm được triển khai tại Việt Nam không chỉ góp phần hỗ trợ các học sinh, sinh viên Việt Nam tiếp cận nền giáo dục hàng đầu thế giới và thông thạo tiếng Anh hơn nữa, mà còn những là minh chứng cụ thể về sự phát triển của quan hệ hai nước.
Ở Quảng Nam, quê hương thân yêu của tôi, nỗ lực để giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên của Cửa Đại, bảo tồn Phố cổ Hội An, di sản thế giới UNESCO, cũng nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các bạn bè Hoa Kỳ. Chúng tôi cảm ơn những chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ Đại học Harvard, bang Massachusetts, Đại học Portland, bang Oregon, Đại học Arizona, bang Arizona, và nhiều trung tâm đào tạo, nghiên cứu của Hoa Kỳ khác đã sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống bão, lụt, biến đổi khí hậu, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao. Những vết thương chiến tranh đang được hàn gắn bởi các hoạt động hợp tác tẩy độc chất dioxin ở các điểm phơi nhiễm và rà phá bom mìn chưa nổ. Sự giúp đỡ chân thành, không vụ lợi đó chính là những viên gạch chắc chắn để xây dựng sự hiểu biết, lòng tin, tạo nền tảng vững bền cho mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trường tồn trong nhiều thập kỷ tới.
Hơn 20 năm trước, nhiều người Hoa Kỳ biết tới Việt Nam như là một cuộc chiến tranh, nhưng giờ đây nhiều người Hoa Kỳ đã biết Việt Nam là quốc gia độc lập, có chính sách đối ngoại độc lập; một đối tác hết sức coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ, nhất quán thúc đẩy quan hệ theo hướng ổn định, lâu dài, xây dựng và cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, thể chế chính trị của nhau, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực và thế giới.
Chúng tôi mong muốn xây dựng quan hệ làm việc tốt với Chính quyền của Tổng thống Donald Trump không chỉ vì lợi ích của nhân dân hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ, mà còn vì cả lợi ích của Cộng đồng ASEAN, của hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và thịnh vượng chung của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới. Tháng 11/2017, Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC 2017 với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Chúng tôi hoan nghênh việc Tổng thống Donald Trump sớm nhận lời tham gia Hội nghị quan trọng này và sẽ cùng Hoa Kỳ và các nền kinh tế thành viên khác xây dựng một chương trình nghị sự thiết thực, hiệu quả.
Với những bước tiến to lớn đạt được hơn 20 năm qua, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ 20 năm tới./.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.