Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 23 tháng 5 năm 2017 | 8:0

Thống nhất năm 1029 là năm xuất hiện "Danh xưng Thanh Hóa"

Thanh Hóa là mảnh đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử. Theo dòng chảy của thời gian, vị thế của tỉnh đã được khẳng định và phản ánh khá thống nhất qua các bộ chính sử, tư liệu, thư tịch và các công trình nghiên cứu từ xưa đến nay, tuy nhiên, việc xác định thời điểm ra đời của danh xưng Thanh Hóa với tư cách là một đơn vị hành chính đầu tiên trực thuộc Nhà nước cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất.


Toàn cảnh hội thảo khoa học Danh xưng Thanh Hóa có từ bao giờ và những cứ liệu lịch sử. (Ảnh: Hoa Mai)

Để làm rõ danh xưng Thanh Hóa có từ bao giờ và những cứ liệu lịch sử ra đời của danh xưng Thanh Hóa, ngày 25/5, tại Thanh Hóa, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học, Ban Tuyên giáo - Tỉnh ủy Thanh Hóa phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học "Danh xưng Thanh Hóa có từ bao giờ và những cứ liệu lịch sử" với sự góp mặt của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu hàng đầu trong cả nước.

Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 23 báo cáo tham luận của các nhà khoa học ở các cơ quan trung ương và địa phương, trong đó có nhiều tham luận đáng lưu ý như thời điểm ra đời dịa danh Thanh Hóa; Thử đưa ra vài niên dại về danh xưng Thanh Hóa qua tài liệu văn bia và thư tịch; Danh xưng Thanh Hóa; bàn thêm về thời điểm xuất hiện danh xưng Thanh Hóa; Về thời điểm ra đời của tên gọi Thanh Hóa; Tên gọi Thanh Hóa và tỉnh Thanh Hóa qua thư tịch Hán Nôm; Những tên gọi hành chính có trước Thanh Hóa...

Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt và đầy trách nhiệm trước vấn đề danh xưng tỉnh Thanh Hóa của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học của Thanh Hóa và trong cả nước.

Các tham luận trong hội thảo tập trung vào 3 nhóm ý kiến: Danh xưng Thanh Hóa xuất hiện năm Thiên Thành thứ hai triều Lý Thái Tông (1029) hoặc trong khi chờ đợi có thêm kết quả nghiên cứu mới về vấn đề này nên lấy niên đại 1029 cho sự ra đời của danh xưng Thanh Hóa; Một số ý kiến cho rằng thời điểm danh xưng Thanh Hóa xuất hiện trước năm 1082 hoặc cụ thể là năm 1082 và kiến nghị tạm thời lấy niên đại 1082 làm thời điểm ra đời của danh xưng Thanh Hóa; Và luồng ý kiến thứ 3 đề nghị lấy niên đại 1111 (gắn với tên gọi cấp hành chính: phủ Thanh Hóa qua ghi chép của Việt sử lược, Toàn thư)...

Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ Viện Sử học, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Thừa Thiên-Huế như: phó giáo sư-tiến sỹ Lâm Bá Nam, phó giáo sư-tiến sỹ Hà Mạnh Khoa, phó giáo sư-tiến sỹ Vũ Duy Mền, phó giáo sư-tiến sỹ Đinh Khắc Thuận, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Đức Nhuệ, tiến sỹ Lê Ngọc Tạo, nhà nghiên cứu Lê Xuân Kỳ, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ... đều cho rằng danh xưng Thanh Hóa xuất hiện năm Thiên Thành thứ hai triều Lý Thái Tông (năm 1029) và trích dẫn nhiều nguồn tư liệu: chính sử, thư tịch, văn bia, nhất là văn bia thời Lý và các ghi chép trong "Cương mục" để minh chứng và bảo vệ quan điểm của mình.

Đặc biệt theo nguồn tư liệu văn bia về thời Lý ở Thanh Hóa được các nhà khoa học hết sức chú trọng và có cái nhìn đồng thuận là Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương sớm nhất được giới hạn ở thời Lý (1009-1225).

Trong nội dung tham luận "Góp phần xác định thời điểm xuất hiện tên địa danh hành chính Thanh Hóa,", phó giáo sư-tiến sỹ Vũ Duy Mền (Viện Sử học) đã điểm lại và phân tích kỹ các sự kiện lịch sử liên quan đến Thanh Hóa qua 3 công trình sử học: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử thông giám cương mục, Đại Việt sử ký tiền biên, đồng thời tác giả cũng khảo sát nội dung của 4 văn bia thời Lý: Minh Tịnh bi văn, An Hoạch sơn Báo Ân tự bi ký, Ngưỡng Sơn Linh xứng tự bi minh và Sùng Nghiên Diên Thánh tự bi minh.

Sau khi phân tích kỹ các nguồn tư liệu, tác giả kết luận: Tên gọi địa danh hành chính phủ Thanh Hóa lần đầu tiên được biết đến là năm 1029.

Với tham luận "Thử đưa ra vài niên đại về danh xưng Thanh Hóa qua tài liệu văn bia và thư tịch, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Đức Nhuệ đã khảo cứu khá kỹ nguồn tài liệu trong 4 bộ chính sử và 4 văn bia thời Lý để phân tích sự xuất/nhập của các địa danh Ái Châu, Thanh Hóa liên quan đến các niên đại 1029, 1043, 1061 và 1082 dưới thời Lý. tác giả cũng đặc biệt lưu ý đến độ chính xác của niên đại 1029 (dưới góc độ sử liệu học) và niên đại 1082 (trong bia chùa Báo Ân) để đưa ra nhận định về khung thời gian xuất hiện danh xưng Thanh Hóa.

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Đức Nhuệ (Viện Sử học) cho rằng khung thời gian xuất hiện danh xưng Thanh Hóa là từ năm 1029 đến trước năm 1082 và niên đại 1029 là niên đại tuyệt đối nhưng độ tịn cậy của sự kiện chưa hoàn toàn tuyệt đối dưới góc độ sử liệu học của khoa học lịch sử và mặc dù niên đại 1029 không ghi vào phần chính văn trong bộ "Cương mục" mà ghi trong lời Xét của sử thần triều Nguyễn nhưng nó cũng có giá trị sử liệu nhất định.

Nhìn chung trong hội thảo, các nhà khoa học đều thừa nhận, Thanh Hóa là vùng đất khởi nghiệp của nhiều triều đại quân chủ (triều Tiền Lê, triều Hồ, triều Lê Sơ, Lê Trung Hưng và triều Nguyễn).

Thanh Hóa cũng là đất "thang mộc" của các dòng chúa Nguyễn, chúa Trịnh. Trên địa bàn Thanh Hóa từng diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, được ghi chép khá đầy đủ trong các bộ chính sử từ thời cổ, trung đại đến thời cận hiện đại.

Nhiều vấn đề về lịch sử Thanh Hóa trong tiến trình lịch sử dân tộc đã được nghiên cứu đầy đủ, toàn diện và sáng tỏ. Việc khảo cứu, xác minh dự xuất hiện của danh xưng Thanh Hóa đã và đang trở thành nhiệm vụ khoa học hết sức quan trọng đối với các nhà nghiên cứu địa phương nói riêng và giới sử học cả nước nói chung suốt gần một thập niên qua.

Trên thực tế, trong hội thảo lần này, 2 niên đại chính được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm là năm 1029 và 1082, trong đó năm 1029 đang nhận được sự thống nhất lựa chọn và đề xuất nên chọn của nhiều nhà khoa học và nhà nghiên cứu.

Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tọa Hội thảo đã kết luận hội thảo và kiến nghị tới Ban tổ chức Hội thảo cũng như lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa lấy niên đại năm 1029 là năm xuất hiện danh xưng Thanh Hóa.

Theo giáo sư Phan Huy Lê: "Đây chính là kết quả của trình nghiên cứu âm thầm, trao đi đổi lại, tranh luận nảy lửa của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử trong suốt một thời gian dài để đi đến thống nhất cao của ngày hôm nay."

Từ kết luận của chủ tọa hội thảo, Ban tổ chức Hội thảo sẽ báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa và các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục xác lập các hồ sơ pháp lý trình các cấp có thẩm quyền lựa chọn và công nhận lấy niên đại 1029 là năm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa.

Theo HOA MAI (TTXVN/VIETNAM+)

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top