Trước việc UBND quận Hai Bà Trưng thừa nhận dự án Hòa Bình Green City vi phạm trật tự xây dựng khi xây dựng thêm 2 khu tâm linh không nằm trong Giấy phép xây dựng nhưng lại kiến nghị UBND TP. Hà Nội cho phép tồn tại, Ban biên tập Báo Kinh tế nông thôn đã có thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
>> Xử lý vi phạm tại Dự án Hòa Bình Green City: Giữ kỷ cương hay “chiều” nhà đầu tư?
>> Vi phạm tại dự án Hòa Bình Green City vẫn chưa bị xử lý
>> Dự án Hòa Bình Green City: Tự ý xây chùa trên tầng thượng?
>> Thanh tra toàn diện 5 dự án có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn Hà Nội
Chủ đầu tư xây chùa trên tầng thượng Dự án Hòa Bình Green City .
Dưới đây là toàn văn thư ngỏ:
Kính gửi: Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội
Kính thưa đồng chí Chủ tịch, lời đầu thư, Ban biên tập Báo Kinh tế nông thôn xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới đồng chí về chỉ đạo của đồng chí đối với sai phạm trật tự xây dựng tại dự án Hòa Bình Green City mà Báo đã phản ánh.
Thưa đồng chí, Ban biên tập Báo Kinh tế nông thôn gửi tới đồng chí lời cảm ơn vì chỉ sau chỉ đạo của đồng chí một thời gian ngắn, chúng tôi đã nhận được văn bản của UBND quận Hai Bà Trưng về vấn đề này. Nói vậy vì, từ ngay sau ngày 3/12/2015, ngày Báo có bài “Dự án Hòa Bình Green City: Tự ý xây chùa trên tầng thượng? và tiếp đó, ngày 22/4/2016, Báo có bài “Vi phạm tại dự án Hòa Bình Green City vẫn chưa bị xử lý”, tức là đã qua ít nhất là gần 6 tháng, kể từ bài đầu tiên được đăng tải và dù đã nhiều lần đặt lịch làm việc nhưng phóng viên của Báo chưa được làm việc với lãnh đạo phường Vĩnh Tuy (chính quyền cơ sở nơi có dự án), còn lãnh đạo quận Hai Bà Trưng thì “đùn đẩy” cho thanh tra.
Thưa đồng chí, chiều 9 tháng 6 vừa qua, Ban biên tập Báo Kinh tế nông thôn nhận được Văn bản số 588/UBND-VP ngày 9/6/2016 của UBND quận Hai Bà Trưng do đồng chí Lâm Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND quận ký thay đồng chí Chủ tịch UBND quận.
Theo đó, UBND quận Hai Bà Trưng cũng đã khẳng định: “Việc xây dựng 2 hạng mục công trình trên (xây dựng thêm 2 khu tâm linh - giống chùa. NV) không nằm trong Giấy phép xây dựng”.
Tuy nhiên, lãnh đạo quận Hai Bà Trưng mà đồng chí Phó chủ tịch UBND quận Lâm Anh Tuấn là đại diện lại biện minh: “Việc xây dựng 02 hạng mục công trình trên không nằm trong Giấy phép xây dựng được cấp trên nóc tầng 27 của 02 tòa nhà chung cư không ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực, không ảnh hưởng tới các công trình liền kề hiện đang được sử dụng và mục đích sinh hoạt cộng đồng, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân”.
Theo suy nghĩ đó, “UBND quận kính đề nghị UBND Thành phố cho phép giữ nguyên hiện trạng để tiếp tục sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh cộng đồng phù hợp với đạo lý truyền thống, phục vụ nhu cầu chính đáng của cư dân trong 02 tòa nhà”.
Kính thưa đồng chí Chủ tịch, Ban biên tập Báo Kinh tế nông thôn xin phép được trao đổi với đồng chí một đôi điều:
Thứ nhất, theo chúng tôi, hai công trình tâm linh (giống chùa) trên nóc 2 tòa nhà Hòa Bình Green City không được Sở Xây dựng và Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch cấp phép. Việc xây dựng diễn ra không phải một sớm một chiều, thậm chí sau khi đã đưa vào sử dụng “mới bị” Thanh tra Xây dựng phát hiện, lập biên bản xử phạt. Thưa đồng chí, đây có phải là việc buông lỏng quản lý của chính quyền, thanh tra quận Hai Bà Trưng và phường Vĩnh Tuy? Việc lập biên bản phạt phải chăng chỉ là hình thức nhằm bao che cho sai phạm?
Thứ hai, theo chúng tôi, nếu xác định đây là vấn đề tâm linh, dứt khoát phải có của dự án thì sao chủ đầu tư không xin phép ngay từ đầu; hoặc nếu do tầm nhìn còn hạn chế, chỉ phát hiện ra mong muốn của cư dân sau khi họ mua căn hộ tại 02 tòa chung cư này thì tại sao chủ đầu tư không xin giấy phép bổ sung. Thiết nghĩ, việc tự ý xây chùa trên nóc tòa chung cư của chủ đầu tư là một cách cạnh tranh không lành mạnh! (Quảng cáo bán hàng từ trang hoabinh-greencity.com thể hiện rõ điều này – NV).
Thứ ba, qua công văn của UBND quận Hai Bà Trưng thấy tư duy “phạt cho tồn tại” đã ăn quá sâu vào nếp nghĩ, cách làm của cán bộ cơ sở. Thiết nghĩ, với cách tư duy và hành xử như vậy thì trật tự xây dựng, văn minh đô thị của Hà Nội sẽ ra sao khi mà trong nhiều năm nay, trật tự và văn minh đô thị luôn là một nhiệm vụ trọng tâm của thành phố.
Thứ tư, chủ đầu tư dự án Hòa Bình Greencity xây được thì chắc chắn sẽ có những chủ đầu tư khác cũng mượn những lý do tương tự để làm việc tương tự. Nếu như vậy thì kỷ cương, phép nước đâu còn.
Thứ năm, tâm linh là vấn đề lớn của người Việt Nam ta nhưng không phải ở đâu cũng có thể đặt công trình tâm linh (giống như chùa).
Thứ sáu, việc UBND quận Hai Bà Trưng đùn đẩy cho Thanh tra xây dựng tiếp xúc báo chí có vẻ như ủy ban đã “quên” trách nhiệm của mình bởi thanh tra xây dựng chỉ là cơ quan giúp việc của UBND quận và thực ra, Thanh tra xây dựng quận cũng đã có Biên bản vi phạm hành chính (dù quá muộn). Biên bản vi phạm ghi rõ: Công ty TNHH Hòa Bình đã có hành vi xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng và bản vẽ thiết kế xây dựng được Sở Xây dựng TP.Hà Nội cấp. Và yêu cầu phá dỡ công trình xây dựng, bộ phận công trình xây dựng vi phạm. Nhưng không hiểu vì lý do gì, hai công trình vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại, chưa bị tháo dỡ theo biên bản phạt.
Thứ bảy, có lẽ người dân nào cũng thấy cách lập luận của UBND quận Hai Bà Trưng là ngụy biện cho việc làm sai của chủ đầu tư dự án Hòa Bình Greencity. Và người dân có quyền nghi ngờ về việc ủng hộ này của UBND quận Hai Bà Trưng. Bởi theo quy định của pháp luật, xây dựng không phép là vi phạm pháp luật và đã vi phạm thì phải xử lý nghiêm để răn đe những hành vi tương tự.
Kính thưa đồng chí Chủ tịch, nguyên tắc của Nhà nước ta là, mọi công dân đều phải tuân thủ đúng luật pháp. Và để giữ kỷ cương phép nước thì mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Vậy nên, đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND thành phố chấn chỉnh những tồn tại trong cách nghĩ và thực hiện nhiệm vụ quản lý đô thị của cán bộ các cấp; đồng thời làm rõ trách nhiệm cả cá nhân, tập thể có liên quan. Sớm đưa Thủ đô Hà Nội của chúng ta “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người khai sinh nước Việt Nam mới, của dân, do dân và vì dân.
Chúc đồng chí dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, thành công trong thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
BAN BIÊN TẬP BÁO KINH TẾ NÔNG THÔN
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.