Chiều 20/4, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016”.
Trước những ý kiến băn khoăn về việc xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm chưa đủ sức răn đe, phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, để phục vụ đoàn giám sát, Bộ Công an ngày 21/12/2016 đã có Báo cáo số 3126 gửi Văn phòng Quốc hội và Thường trực đoàn giám sát (Bộ Y tế) để thống kê báo cáo về vấn đề liên quan đến VSATTP và nội dung xử lý hành chính, xử lý hình sự các tội liên quan đến VSATTP.
Theo đó, trong 5 năm ngành Công an đã phát hiện 13.296 vụ việc vi phạm pháp luật về ATTP, trực tiếp xử lý 8.276 vụ, xử phạt hành chính 64,942 tỷ đồng, chuyển cơ quan khác xử lý 5.020 vụ.
Thứ trưởng Bộ Công an cũng nhấn mạnh đã truy tố 91 vụ, trong đó xử lý hình sự 1 vụ liên quan đến Điều 244 BLHS về tội vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, cụ thể là việc sản xuất rượu gây ra ngộ độc làm chết 4 người, còn lại 90 vụ có liên quan đến VSATTP như sản xuất hàng giả, buôn lậu..
Cho rằng quy định hình phạt tại Điều 244 không phải là nhẹ nhưng khó nhất là việc thực hiện. Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định tội vi phạm các quy định về VSATTP nhưng tình tiết gây thiệt hại nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì chưa được cụ thể, do đó việc điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ ban đầu để xử lý hết sức khó khăn. Tới đây theo Bộ luật Hình sự năm 2015 thì sẽ cụ thể và thực hiện được.
Cái khó thứ hai, theo Thượng tướng Lê Quý Vương, đối với hành vi vi phạm quy định VSATTTP gây ra hậu quả nhưng đồng thời quy định phải giám định chất đó, giám định nếu gây chết người thì nguyên nhân có phải do thức ăn gây ngộ độc không. Vì hậu quả có khi không xảy ra ngay mà tích cụ mấy ngày mới có phản ứng… Do đó, công tác giám định rất quan trọng. BLHS năm 2015 vừa rồi đang được bổ sung, chỉnh lý lại…
Ông Vương cũng đề nghị cần có danh mục sử dụng chất cấm để xử lý thấu đáo. Ví dụ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có danh mục chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong chăn nuôi rất rõ ràng, xử lý và xem xét trách nhiệm dễ nhưng có ngành lại chưa được cụ thể.
Cũng nhấn mạnh hành lang pháp lý không phải thiếu, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, bà Thị Nga cho biết, Bộ luật hình sự quy định ở Điều 244 phạt tù từ 1 năm đến 15 năm tù cùng việc có thể phạt tiền, cấm hành nghề...
Ở tội gần với tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm như sản xuất hàng giả cũng có hình phạt rất nghiêm khắc. Cùng với đó, mức xử phạt hành chính cũng không phải là thấp. Do đó, quan trọng nhất vẫn là khâu thực hiện nên báo cáo cần chỉ rõ bộ ngành, địa phương nào làm tốt, người nào xứng đáng được tuyên dương khen thưởng và nơi nào làm chưa tốt, ai bị xử lý kỷ luật./.