Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 4 tháng 3 năm 2020 | 21:43

Thủ tướng: Cải cách tiền lương không phải là điều chỉnh đôi chút

Thủ tướng cho rằng, “đã cải cách thì phải ra cải cách, chứ không phải là điều chỉnh đôi chút, không có nhiều ý nghĩa”.

Chiều nay (4/3), chủ trì phiên họp của Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, Thủ tướng cho rằng, “đã cải cách thì phải ra cải cách, chứ không phải là điều chỉnh đôi chút, không có nhiều ý nghĩa”.

 

Thủ tướng Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Theo quyết định mới ban hành tháng 2/2020 về phân công công tác của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công. Đây là phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Nguồn nào để thực hiện cải cách tiền lương là vấn đề được thảo luận nhiều tại phiên họp. Một số ý kiến cho rằng, gốc của vấn đề là phải tinh giản biên chế, cân đối được bài toán ngân sách hay đẩy mạnh tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Nguyên tắc thiết kế thang bảng lương cần căn cứ mức độ phức tạp của vị trí việc làm. Có ý kiến nhấn mạnh, tiền lương phải bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động.

“Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và cho rằng, cải cách tiền lương là bài toán khó, liên quan đến nhiều đối tượng. Cải cách tiền lương thì phải cải cách thực sự, chứ không chỉ là việc bù trượt giá.

Phải bám sát các nghị quyết của Trung ương, của Chính phủ gồm Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương, Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Nghị quyết 107 của Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Cải cách tiền lương phải tiến hành đồng bộ đối với các đối tượng. Bộ Nội vụ cần tiếp tục phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực để hoàn thiện xây dựng thang bảng lương, một vấn đề vô cùng phức tạp. Mức lương mới phải được cải thiện so với mức lương cũ với tinh thần cải cách, công bằng, phải xét đến mối quan hệ giữa các đối tượng hưởng lương khác nhau.

Về chế độ phụ cấp, nguyên tắc là phụ cấp ngành do Bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực có hướng dẫn cụ thể theo khung do Chính phủ quy định, bảo đảm ưu đãi phù hợp với từng đối tượng.

Nguồn để thực hiện cải cách tiền lương rất quan trọng, Thủ tướng cho biết, dành một phần từ phần vượt thu ngân sách của Trung ương và địa phương cho việc này. Bên cạnh đó, tiếp tục làm quyết liệt việc giảm biên chế, tinh gọn bộ máy, cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước, cải cách đơn vị sự nghiệp công lập. Cần có nghị định mới thay thế Nghị định 16 về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. “Giảm đầu mối, biên chế là cơ sở quan trọng để cải cách tiền lương”, Thủ tướng nêu rõ. Có phương án tính toán, điều chỉnh phù hợp đối với lương hưu từng thời kỳ, đặc biệt là đối với người về hưu trước năm 1995.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc điều chỉnh chính sách ưu đãi đối với người có công rất quan trọng, là chính sách đặc biệt, thể hiện sự tri ân của đất nước, Đảng, Nhà nước, làm sao người có công có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú. Năm 2020, tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh theo Nghị quyết của Quốc hội và từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh theo lộ trình cải cách tiền lương.

Thủ tướng đề nghị tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến về các phương án cải cách tiền lương, đánh giá kỹ tác động để có phương án tối ưu trong khả năng ngân sách. “Đã cải cách thì phải ra cải cách, chứ không phải chỉ điều chỉnh đôi chút, không có nhiều ý nghĩa”.

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top