Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 28 tháng 8 năm 2020 | 15:37

Thủ tướng: Cần thích ứng, thay đổi cách quản lý để làm sao vượt qua khó khăn

Phát biểu kết luận phiên họp của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong một thế giới thay đổi rất nhanh, chúng ta cần nhạy cảm, nhanh nhạy hơn trong quản trị Nhà nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận phiên họp - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
 
 
 
Tại phiên họp, một số ý kiến cho rằng, nên xác định rõ mô hình mà chúng ta sẽ quyết định trong 5 năm tới, đó là mô hình về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. “kinh tế, môi trường và xã hội” là 3 mục tiêu trong 1 chứ không phải môi trường đi sau. Bản thân môi trường cũng là một ngành kinh tế.

Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần đánh giá rõ hơn về an ninh lương thực, nông thôn, làm sao phản ánh đúng cục diện. Năm nay, chúng ta gặp khó khăn kép, cả về dịch bệnh COVID-19 và thiên tai nhưng đến giờ, có thể khẳng định mục tiêu 43,5 triệu tấn lương thực đạt được. Tính đến giữa tháng 8/2020, xuất khẩu gạo tăng 12%. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản có thể đạt mục tiêu 41 tỷ USD đề ra. Cả vùng nông thôn rộng lớn, chiếm 60% diện tích, 65% dân số là nền tảng, dư địa phát triển, ổn định xã hội, là thế mạnh của Việt Nam trước các cú sốc bên ngoài.

Một số ý kiến cho rằng, cần làm rõ những gì chúng ta đã đạt được thì mới có điểm tựa, có niềm tự hào và có đủ tin tưởng để chúng ta vạch ra kế hoạch tương lai như làm rõ nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam. Hay công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ có bước phát triển quan trọng, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn.

Chúng ta có nhiều cơ hội phát triển như tham gia nhiều FTA, các xu thế chuyển dịch đầu tư, chuyển dịch công nghệ và chúng ta có thể tạo nên các động lực phát triển mới cho giai đoạn tới như xây dựng trung tâm tài chính quốc tế…

 

 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Đánh giá cao các ý kiến góp ý tại phiên họp, Thủ tướng biểu dương Tổ biên tập trong 2 năm qua đã có nhiều nỗ lực hoàn thiện dự thảo báo cáo, làm 42 nhóm chuyên đề nghiên cứu, 140 nhiệm vụ, tổ chức khảo sát tại các địa phương, các tập đoàn, hội thảo khoa học…

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là trong khó khăn của đất nước, chúng ta đã cố gắng vượt qua. Và theo kết quả cuộc điều tra xã hội học, tìm hiểu dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương, đến 97% người dân được hỏi đều thể hiện sự tin tưởng đối với các biện pháp của Đảng, Nhà nước trong phòng chống COVID-19, nói lên tình cảm dân tộc, “ý Đảng, lòng dân”, là nền tảng quan trọng để chúng ta vượt qua khó khăn. Cả thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh hiện nay. Vì thế, vấn đề khát vọng dân tộc, đổi mới sáng tạo với nền tảng văn hóa con người Việt Nam cần được khẳng định trong các dự thảo văn kiện. “Đất nước ta, con người Việt Nam chúng ta cần thích ứng, thay đổi cách quản lý để làm sao vượt qua khó khăn với tinh thần lạc quan”. Không có tinh thần lạc quan thì khó có thể phát triển.

Thủ tướng đề nghị cần làm rõ hơn kết quả nổi bật trong thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.

Trước một số ý kiến cho rằng phấn đấu đạt tăng trưởng 2% trong năm 2020, Thủ tướng nhất trí cho rằng, không để đứt gãy nền kinh tế, không tăng trưởng âm là một cố gắng rất lớn. Đây cũng là minh chứng rõ nét của định hướng đúng và các giải pháp quyết liệt phòng chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời thể hiện nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước. Kết quả đạt được góp phần quan trong củng cố niềm tin của doanh nghiệp, người dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Về chủ đề của Chiến lược, Tiểu ban thống nhất cần bảo đảm thống nhất với báo cáo chính trị, là văn kiện trung tâm của Đại hội. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập cao.

Về bối cảnh thời gian đến, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, viết sâu sắc hơn về những vấn đề mới phát sinh, cả dịch bệnh và tình hình chính trị, xã hội, kinh tế toàn cầu biến động mạnh, lưu ý những thách thức về thiên tai, biến đổi khí hậu, trên cơ sở đó, đặt ra yêu cầu tăng cường sức chống chịu, đề kháng để sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh, thiên tai nguy hiểm và biến đổi khí hậu gây hậu quả nặng nề trong tương lai.

Về quan điểm phát triển, Thủ tướng đồng ý với các ý kiến của Tổ biên tập bổ sung nội hàm về chuyển số và hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới, chú ý phát triển doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp dân tộc.

 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Về đột phá chiến lược, Thủ tướng kết luận, Tiểu ban thống nhất với Tổ biên tập về bổ sung các nội hàm về phát triển, bồi dưỡng nhân tài, khát vọng phát triển, hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới với tính tự chủ, khả năng thích ứng và chống chịu của nền kinh tế. “Tôi đề nghị các đồng chí ở Tổ biên tập và Thường trực Ban Chỉ đạo xem xét, cân nhắc kỹ, bổ sung các nội hàm mới phù hợp với tình hình mới, cả về thể chế, nhân lực và hạ tầng”.

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Tiểu ban cơ bản đồng ý với các kiến nghị bổ sung của Tổ biên tập, trong đó có các nội dung đề xuất bổ sung về phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, củng cố, tăng cường quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tính toán kỹ lại các chỉ tiêu về tài chính, ngân sách Nhà nước, đầu tư công để vừa phục vụ công tác xây dựng văn kiện và dự thảo kế hoạch đầu tư công 2021-2025 để trình Chính phủ, Quốc hội theo quy định. Tinh thần là phải tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, kể cả đầu tư xã hội và đầu tư công.

Một vấn đề nữa là cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế số, các mô hình, phương thức kinh doanh mới, mang tính sống còn trong điều kiện bình thường mới do tác động của COVID-19. Những xu hướng mới rất nhanh và phức tạp vừa là cơ hội, vừa là thách thức trên tất cả các phương diện, lĩnh vực cạnh tranh ngày càng gay gắt này, cần đề cập trong báo cáo Chiến lược 10 năm và Phương hướng, nhiệm vụ 5 năm. Trong một thế giới thay đổi rất nhanh, chúng ta cần nhạy cảm, nhanh nhạy hơn trong quản trị Nhà nước.

Về kế hoạch hoạt động của Tiểu ban từ nay đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tiểu ban cơ bản thống nhất, trên cơ sở các ý kiến thành viên, giao Tổ biên tập tiếp tục rà soát, hoàn thiện, có kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện, thường xuyên báo cáo Thường trực Tiểu ban, nhất là những vấn đề mới phát sinh.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top