Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 24 tháng 2 năm 2022 | 9:34

Thủ tướng chỉ đạo khẩn về tiêm vaccine và đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 170/CĐ-TTg gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về việc tiêm vaccine và một số biện pháp đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19.

tiem-vx.jpg
Tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Bộ Y tế 

 

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát nhưng còn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, khó dự báo; để giữ vững, củng cố và phát huy thành quả phòng chống dịch đã đạt được, tiếp tục mở cửa, đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu:

1. Các cơ quan trong hệ thống chính trị, các bộ, ngành, các cấp, nhân dân và doanh nghiệp giữ vững bản lĩnh, kiên trì, kiên định, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và không hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh trong phòng chống dịch COVID-19; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghiêm các mục tiêu, yêu cầu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, biện pháp, phương pháp đã được Đảng, Nhà nước đề ra và thực hiện có hiệu quả trên thực tế, nhất là Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành có liên quan. Từ kinh nghiệm trong nước, quốc tế thời gian qua cho ta thấy, cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm, quyết liệt, hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng vaccine, tiếp cận nhanh các biện pháp điều trị, thuốc điều trị, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành nghiêm túc, có hiệu quả các quy định phòng chống dịch của người dân; kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng trong phòng, chống dịch COVID-19.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các bộ, ngành lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện:

- Đẩy mạnh và thần tốc hơn nữa việc tổ chức tiêm vaccine mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành trong Quý I năm 2022; tiêm mũi thứ 2 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, hoàn thành trong tháng 2 năm 2022; chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo quản, địa điểm, nhân lực để tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vaccine.

- Tổ chức tiêm vaccine an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bố trí các điểm tiêm chủng tập trung, lưu động, tại nhà một cách khoa học, hợp lý, linh hoạt để mọi đối tượng được tiêm chủng miễn phí, kịp thời, đúng quy định với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” và “tiêm chủng vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước”; đặc biệt quan tâm đến người cao tuổi, người có bệnh nền, người không đi lại được, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế…; xây dựng ngay kế hoạch và thực hiện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động những người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ, các bậc phụ huynh khẩn trương, tích cực cho con em đi tiêm chủng kịp thời, an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả, đúng quy định.

3. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, các địa phương có liên quan:

- Tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc Chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa Xuân năm 2022 an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả và thần tốc hơn nữa cho tất cả các đối tượng được tiêm ở tất cả các địa phương; bảo đảm kịp thời, chất lượng, đủ vaccine để thực hiện Chiến dịch theo quy định.

- Thúc đẩy khẩn trương thực hiện hợp đồng mua vắc xin cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo Nghị quyết của Chính phủ và các quyết định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- Tiếp tục chủ động cập nhật, tiếp cận sớm với thông tin và các loại vaccine, thuốc, công nghệ, sinh phẩm, kít xét nghiệm… mới trên thế giới để phục vụ kịp thời, hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19, phù hợp với diễn biến mới của tình hình.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra về giá, chất lượng đối với các loại vaccine, thuốc, sinh phẩm, kít xét nghiệm… Kịp thời phát hiện các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường, xử lý nghiêm theo pháp luật các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình, chính sách để trục lợi, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

- Tiếp tục hoàn thiện và phổ biến ngay hướng dẫn chăm sóc, điều trị hiệu quả tại nhà cho người nhiễm COVID-19, nhất là trẻ em, đối với các trường hợp không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, không gây quá tải cho các cơ sở y tế.

- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cập nhật, bổ sung kịp thời các hướng dẫn; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh trong nhà trường và thực hiện mở cửa du lịch an toàn, hiệu quả.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương tiếp tục nắm chắc tình hình, cập nhật, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện nhất quán các quy trình, phương án, hướng dẫn trong tổ chức dạy và học chủ động phòng, chống dịch COVID-19 một cách cụ thể, rõ ràng, dễ làm, dễ kiểm tra, giám sát để mở cửa trường học, mở cửa du lịch, bảo đảm an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả và phù hợp với tình hình.

5. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành liên quan tiếp tục cập nhật, hoàn thiện phần mềm và các công cụ công nghệ thông tin phục vụ đắc lực, hiệu quả công tác phòng, chống dịch và bảo đảm an sinh xã hội, giữ gìn an ninh trật tự cho nhân dân.

6. Các cơ quan truyền thông, báo chí tích cực chủ động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành liên quan và các địa phương liên tục cập nhật thông tin, chủ động xây dựng các chương trình truyền thông, cung cấp thông tin, hướng dẫn kỹ lưỡng, khoa học, hợp lý, hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 bảo đảm đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để phục hồi nhanh và phát triển kinh tế - xã hội bền vững./.

 

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top