Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2019 | 15:54

Thủ tướng chỉ ra 3 phương châm, 6 nhiệm vụ, giải pháp về hội nhập QT

Trong bối cảnh hiện nay, các cấp, các ngành phải tập trung đổi mới sáng tạo và hiệu quả, coi doanh nghiệp (DN) và người dân là chủ thể của hội nhập quốc tế, hình thành thực sự văn hóa hội nhập.

Một mặt phải hội nhập theo quy mô và tốc độ phù hợp năng lực và lợi ích của đất nước; mặt khác, không thể chờ đợi, để nhìn các thời cơ lần lượt trôi qua.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
 
Đây là phát biểu kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về hội nhập quốc tế sáng 23/4.

Hội nghị do Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế tổ chức với chủ đề “Tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững”.

4 kết quả nổi bật

Hội nghị đã tổng kết, đánh giá một cách khá đầy đủ, toàn diện kết quả đạt được, phân tích, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, yếu kém và rút ra nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc về hội nhập quốc tế trong 5 năm qua cũng như hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế từ 2014 đến nay. Từ đó, các đại biểu đề xuất, khuyến nghị các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế một cách toàn diện, tổng thể, liên ngành.

Thủ tướng cho biết, hội nhập quốc tế của Việt Nam đã xuất hiện từ khá lâu và có bề dầy lịch sử phong phú. Hội nhập luôn là một chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, nhưng cũng mang sắc thái riêng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Nêu rõ 5 năm qua hội nhập quốc tế nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, Thủ tướng chỉ ra 4 kết quả nổi bật.

Một là, hội nhập quốc tế đã góp phần củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển. Giữ vững môi trường chính trị xã hội ổn định. Quảng bá hình ảnh, văn hóa Việt Nam.

Hội nhập của chúng ta đi vào giai đoạn cao hơn, thực chất hơn với vai trò thúc đẩy đối thoại, hòa giải và tìm những hướng đi mới.

Thứ 2, qua hội nhập, chúng ta kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích của người dân, DN. Chúng ta không né tránh những khác biệt, mà luôn chủ động đối thoại và đấu tranh bảo vệ các lợi ích chính đáng của ta.

Thứ 3, hội nhập quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

Đến nay, đã có tổng cộng 71 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Chúng ta đã có 11 FTA đã có hiệu lực, đang thúc đẩy EU thông qua Hiệp định EVFTA và 4 FTA đang đàm phán. Các FTA này là cơ sở, là nền tảng quan trọng để nhiều hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tiếp cận ưu đãi cao với 59 thị trường đối tác; tạo thuận lợi thu hút vốn đầu tư FDI và tạo việc làm, phát triển kinh tế.

Thứ 4, nhận thức về hội nhập quốc tế của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng DN và nhân dân ngày càng sâu sắc hơn và có những bước tiến vượt bậc.

Từ chỗ là thành viên có trách nhiệm phấn đấu làm tốt nhiệm vụ của mình, chúng ta đã tiến đến “chủ động tham gia, tích cực đóng góp, xây dựng, định hình các thể chế đa phương”.

 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Hòa nhập nhưng không hòa tan

Nêu ra những con số nổi bật về kết quả phát triển kinh tế-xã hội 5 năm qua, Thủ tướng khẳng định, chủ trương hội nhập quốc tế là đúng đắn và “chúng ta thêm tự tin tiếp tục triển khai ngày càng hiệu quả ở tâm thế và tầm mức mới, cao hơn”. Hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng làm cho “nội lực” quốc gia mạnh hơn và tác động trở lại làm cho hội nhập quốc tế thành công hơn.

Nhấn mạnh “thắng không kiêu, bại không nản”, Thủ tướng cho rằng, phải thẳng thắn về những hạn chế, yếu kém, thua thiệt cần rút kinh nghiệm sâu sắc để khắc phục và làm tốt hơn. Trong hội nhập quốc tế ngày càng phổ biến nguyên tắc lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm cơ sở, trong khi có những lúc tư duy của ta chưa đủ nhạy bén, linh hoạt để theo kịp xu thế này.

Trong hội nhập, vị thế địa chiến lược và địa kinh tế Việt Nam chưa được khai thác tối đa và cách tiếp cận trong một số vấn đề còn chưa đủ tự tin, quyết đoán.

Bên cạnh đó, hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương chưa cao, cùng với những hạn chế về trình độ quản lý trở thành những cản trở phát triển, những kẽ hở cho những thua thiệt (các vụ kiện, tranh chấp quốc tế). Việc thông tin cho các DN và người dân về hội nhập quốc tế, các hiệp định FTA và chuẩn bị các điều kiện cần thiết còn hạn chế, chậm chạp.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh VGP/Quang Hiếu

 

Theo Thủ tướng, cần lưu ý một số vấn đề lớn đặt ra đối với đất nước như: Môi trường quốc tế biến động nhanh và phức tạp, hợp tác và cạnh tranh, đối tác và đối tượng luôn đan xen, biến đổi linh hoạt và diễn ra cạnh tranh gay gắt, quyết liệt trong khu vực, trên thế giới đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết đối với hội nhập quốc tế. Tự do hóa và mở cửa thị trường đi đôi với những hình thức bảo hộ tinh vi thông qua những hàng rào kỹ thuật. Số lượng các vụ khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế gia tăng.

Một số ngành sản xuất đang đứng trước những thách thức lớn từ dỡ bỏ bảo hộ trong quá trình hội nhập, như mía đường, chăn nuôi... và từ khoa học công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0 như dệt may, da giầy, nông nghiệp, chế biến, chế tạo...

Cho rằng thời gian vừa qua, đã xuất hiện một số biểu hiện phản cảm, lệch lạc, đạo đức, văn hóa xuống cấp, môt phần do tác động mặt trái của hội nhập mang lại, Thủ tướng lưu ý, chúng ta hội nhập nhưng không hòa tan, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Cần đặc biệt lưu ý những yêu cầu mới về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương: “Chủ động tham gia, tích cực đóng góp, xây dựng, định hình các thể chế đa phương” theo tinh thần Chỉ thị 25 của Ban Bí thư. Đây là yêu cầu mới, rất cao và rất quan trọng đối với đất nước, Thủ tướng nói.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan triển lãm ảnh đối ngoại. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

3 phương châm, 6 nhiệm vụ, giải pháp

Định hướng giải pháp, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng đề nghị thực hiện 3 phương châm là: Nâng tầm, toàn diện và sâu rộng, đổi mới sáng tạo và hiệu quả.

Trước hết, chúng ta phải tiếp tục nâng tầm nhận thức, tư duy về hội nhập theo tinh thần chủ động đóng góp, tích cực tham gia xây dựng, định hình các cơ chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế. Qua đó nâng cao vị thế quốc tế, vai trò quan trọng của Việt Nam.

Chúng ta phải hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng để phát huy tối đa nội lực, huy động và sử dụng hiệu quả ngoại lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và khả năng thích ứng của đất nước.

Trong bối cảnh hiện nay, các cấp, các ngành phải tập trung đổi mới sáng tạo và hiệu quả, coi DN và người dân là chủ thể của hội nhập quốc tế, hình thành thực sự văn hóa hội nhập.

Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm, thứ nhất, hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và chỉ có thể thành công khi có sự tham gia tích cực, sáng tạo, hiệu quả của các DN và người dân.

Một mặt phải hội nhập theo quy mô và tốc độ phù hợp năng lực và lợi ích của đất nước; mặt khác, không thể chờ đợi, để nhìn các thời cơ lần lượt trôi qua.

Thứ hai, cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành cần quyết liệt vào cuộc, quyết tâm đổi mới, nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh hội nhập trên tinh thần Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về và các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch công tác hội nhập của Chính phủ.

Thứ ba, về hội nhập về kinh tế, phải làm cho nội lực mạnh lên là nhiệm vụ trọng tâm. Hội nhập trong các lĩnh vực khác phải hỗ trợ cho hội nhập kinh tế.

Cùng với đẩy mạnh các hoạt động thương mại, đầu tư, Thủ tướng đề nghị nâng cao năng lực phòng chống, giải quyết, xử lý các tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về thương mại, đầu tư quốc tế, trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ luật sư, cán bộ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đất nước, người dân, DN.

Trung ương đã phân cấp cấp giấy phép, quản lý đầu tư nước ngoài cho các địa phương (có dự án lên tới hàng tỷ USD), do đó, các địa phương cần nắm vững pháp luật hơn, không để sơ hở, dẫn đến tranh chấp quốc tế.

Theo các FTA thế hệ mới, nhà đầu tư có quyền kiện ra quốc tế Nhà nước, Chính phủ, chính quyền địa phương, Thủ tướng đề nghị cấp ủy, UBND các tỉnh, thành phố chú ý việc này, phối hợp với các bộ, cơ quan chuyên môn có đội ngũ cán bộ làm công tác này...

Thứ tư, về hội nhập trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, chúng ta cần tiếp tục chủ động làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương và đa phương, phát huy mạnh mẽ, vai trò của đối ngoại đa phương, phát huy các điểm “đồng” để tăng cường lòng tin và đan xen lợi ích.

Thứ năm, về hội nhập trong lĩnh vực văn hóa xã hội, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, cần luôn nhận thức sâu sắc rằng công nghệ và nhân tài sẽ quvết định thành công trong cạnh tranh thế kỷ 21. Do đó, chúng ta cần chú trọng việc chủ động học hỏi và nâng cao nội lực phù hợp với những thông lệ, chuẩn mực chung.

Tập trung hợp tác quốc tế nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đặc biệt là giáo dục đại học và dạy nghề ngang tầm chất lượng và phù hợp với các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ sáu, Thủ tướng nhấn mạnh điểm rất quan trọng là tạo mọi điều kiện thuận lợi, phát huy hơn nữa vai trò của địa phương, của DN trong công tác hội nhập quốc tế. “Dư địa” phát triển lớn nhất nằm ở ngay trong sự nỗ lực không ngừng, sức sáng tạo vô hạn của mỗi DN, của mỗi người dân. Địa phương, DN là chủ thể trung tâm của hội nhập, phải được thụ hưởng thành quả của hội nhập.

Lãnh đạo địa phương phải bảo đảm công khai, minh bạch, sâu sát, tận tâm, “xắn tay áo vào cuộc”, thực sự hỗ trợ hiệu quả cho người dân, DN.

DN, người dân phải chủ động hơn, thực thi đầy đủ, nghiêm túc các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về hội nhập, không để tình trạng vi phạm quy định pháp luật tiếp diễn, ảnh hưởng lớn đến uy tín và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Các trang thông tin điện tử của các bộ, ngành, địa phương có vai trò rất hữu ích không chỉ cung cấp thông tin mà còn là kênh hữu ích để tiếp nhận, trao đổi ý kiến, thông tin giữa Chính phủ, các bộ, cơ quan và địa phương, DN, người dân. Các tờ báo của Trung ương và địa phương, cả báo hình, báo nói, báo in, báo điện tử dành thời lượng cần thiết để giới thiệu cho người dân và DN về hội nhập quốc tế.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top