Chiều nay (30/7), tại TP. Đà Lạt, ngay sau Hội nghị thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt Lâm Đồng, chỉ ra tam giác vàng cho phát triển của tỉnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 55 triệu đồng là khá cao so với trung bình cả nước. Với tốc độ phát triển đột phá, trong tương lai không xa, Lâm Đồng không còn nhận hỗ trợ ngân sách Trung ương, ngược lại, có thể đóng góp trở lại cho Trung ương trong trung hạn.
Dù địa lý nằm ở Tây Nguyên, nhưng với quy mô nền kinh tế và ngân sách hiện nay, Lâm Đồng giờ đã tiệm cận một số nền kinh tế vùng Đông Nam Bộ như Tây Ninh, Bình Phước… Các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn đạt kết quả ấn tượng. Nông nghiệp công nghệ cao đạt doanh thu bình quân 163,8 triệu đồng/ha/năm.
Lâm Đồng sớm định hình phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, hình thành các mô hình chuỗi nông sản an toàn. Đặc biệt, Lâm Đồng sớm bắt tay xây dựng thương hiệu cho nhiều loại nông sản địa phương, công bố thương hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành” rất hay. Nhiều du khách đến Đà Lạt khó có thể bỏ qua các đặc sản nổi tiếng như quả bơ, dâu tây, hồng…
Mặc dù có nhiều mô hình nông nghiệp hiện đại, năng suất cao, theo Thủ tướng, đóng góp của lĩnh vực nông lâm thủy sản và tốc độ tăng trưởng kinh tế chung còn khiêm tốn. Lâm Đồng nên khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến gắn với các sản phẩm nông nghiệp hiện có vô cùng lớn ở địa phương thay vì xuất khẩu thô. Tại sao không khuyến khích các nhà đầu tư sản xuất chế biến sâu để xuất khẩu nông sản, thay vì đặt cơ sở chế biến tại các tỉnh Đông Nam Bộ, Thủ tướng đặt vấn đề.
Nông nghiệp công nghệ cao là quan trọng, có vai trò tạo thu nhập lớn cho người dân địa phương, song nếu không phát triển công nghiệp chế biến đi kèm thì thu nhập nông nghiệp dù có tăng đến mức nào cũng sẽ chững lại, khó tăng hơn được nữa, đúng như nhà bác học Lê Quý Đôn đã nói, “phi công bất phú”.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
“Tôi lưu ý điều mà tôi tạm gọi là tam giác vàng cho phát triển của Lâm Đồng: Nông nghiệp sạch công nghệ cao; công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp; du lịch gắn với nông nghiệp công nghiệp cao”. Thủ tướng cho rằng, đi theo tam giác này thì mới có thể phát triển bền vững, tốc độ cao, “chứ đi một chân như nông nghiệp công nghệ cao hiện nay thì tốt, nhưng chưa thể giàu được”.
“Chúng ta phải có ước mơ lớn, nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ, trung bình trở lên để thực hiện ước mơ lớn đó”, Thủ tướng nói và lưu ý những bất cập, thách thức nổi lên trong ngành du lịch mà địa phương cần nhanh chóng đưa ra giải pháp kịp thời, cụ thể. Đó là giữ rừng, bảo vệ rừng, phát triển rừng, “nếu mất rừng thì không còn Đà Lạt, không còn Lâm Đồng”.
Có tình trạng tắc nghẽn cơ sở hạ tầng, đặc biệt vào dịp cao điểm du lịch, lễ hội. Nhiều tài nguyên du lịch quý giá chuyển quyền cho tư nhân khai thác nhưng chọn không đúng đối tượng, nhà đầu tư tư nhân kém năng lực cả về tài chính lẫn kinh nghiệm quản trị, không có cam kết dài hạn, chỉ biết bán vé thu tiền. Nhiều đặc sản địa phương bị trà trộn với sản phẩm kém chất lượng từ bên ngoài, nhưng vẫn được khoác áo đặc sản Đà Lạt, gây mất niềm tin và suy giảm giá trị thương hiệu sản phẩm Đà Lạt. Tình trạng cò đặc sản phổ biến ở nhiều điểm du lịch, làm xấu hình ảnh du lịch Đà Lạt.
Khắc phục việc đánh tráo thương hiệu nông sản Đà Lạt
Theo Thủ tướng, Đà Lạt nói riêng, Tây Nguyên, Lâm Đồng nói chung là vùng đất có những giá trị độc đáo về di sản lịch sử, văn hóa, thời tiết, cảnh quan… Không chỉ cho Việt Nam mà cả khu vực ASEAN và rộng hơn là châu Á, nhưng vẫn chưa bật lên trở thành địa danh du lịch tầm cỡ quốc tế, một vùng đất thịnh vượng về nông nghiệp, cung cấp những loại củ quả chất lượng cao cho thị trường ASEAN với 650 triệu dân và đưa nông nghiệp Việt Nam định vị cao trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp khu vực và quốc tế.
“Tại sao nông sản địa phương này chưa trở thành thương hiệu tầm cỡ khu vực và thế giới?”, Thủ tướng nói. “Các đồng chí có biết trung bình một du khách quốc tế, trong nước đến Lâm Đồng thì lưu trú bao nhiêu đêm? Nhiều người nói với tôi là không quá 3 đêm, 2 đêm rưỡi thôi. Một thành phố mộng mơ như Đà Lạt, rồi Lâm Đồng có nhiều thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp mà khách chỉ đến chớp nhoáng như vậy là đáng tiếc. Như thế, du lịch làm sao phát triển đột phá, trở thành kinh tế mũi nhọn được”.
Lẽ ra Lâm Đồng, Đà Lạt phải là nơi nghỉ dưỡng, lưu trú dài ngày, tìm lại sự cân bằng, tìm lại chính mình của du khách, hay ít nhất Đà Lạt phải là địa danh mà tất cả những cặp vợ chồng đi tuần trăng mật lựa chọn, chứ không phải Phuket hay nơi khác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
“Đà Lạt là thành phố ngàn hoa, nhưng liệu Đà Lạt có trở thành thương hiệu, là nhận diện quốc tế rộng rãi về thông điệp này không? Có loại hoa nào tiêu biểu xuất sắc của Đà Lạt như tulip của Hà Lan đã lan tỏa toàn cầu? Hay chúng ta chỉ có một số loại hoa du nhập bình thường không có thương hiệu đặc sắc”, Thủ tướng nói.
Muốn du lịch địa phương nói riêng, toàn ngành nói chung thành công, chúng ta không chỉ biết Đà Lạt có những gì, mà phải biết Lâm Đồng có những gì và rộng hơn là Tây Nguyên có những gì. Chúng ta tuyệt đối không nên chỉ biết đến những phát triển của người Pháp từ cách đây 100 năm.
Đà Lạt phải là địa điểm nghỉ dưỡng văn hóa độc đáo xứ ôn đới trong một ASEAN nhiệt đới, ven biển hoặc hải đảo. Sự khác biệt của Đà Lạt rất rõ về thời tiết, địa hình, cảnh quan… Vì vậy, đây được coi là tiểu Paris của châu Á. Muốn Đà Lạt thành công, nhất là du lịch, Đà Lạt cần trở thành biểu tượng văn hóa Đông-Tây. Đà Lạt là bộ mặt của cả nước và cả ASEAN.
Thủ tướng đề nghị Lâm Đồng cần xem xét tăng trưởng kinh tế chứa đựng nhiều yếu tố thiếu ổn định, chất lượng chưa cao, chưa hài hòa, chưa thể an tâm, không được phép chủ quan. Phải giải quyết tốt các điểm nghẽn trong du lịch cũng như việc đánh tráo nguồn gốc sản phẩm, phải tiếp tục tăng thời gian lưu trú, không phải 3 ngày mà lên cao hơn, phải tăng tỉ lệ du khách quay trở lại.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã cho ý kiến chỉ đạo xử lý các kiến nghị của Lâm Đồng trên tinh thần tạo điều kiện cho tỉnh phát triển.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.