Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 13 tháng 10 năm 2020 | 17:42

Thủ tướng Chính phủ dự Lễ khánh thành Tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ

Chiều nay (13/10), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ khánh thành Tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thuỷ Nguyên, TP. Hải Phòng.

Sau khi dự lễ và cắt băng khánh thành dự án, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thăm bãi cọc và trồng cây lưu niệm tại khu bảo tồn lịch sử này.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu trồng cây lưu niệm tại khu bảo tồn.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP. Hải Phòng cho biết, Lễ Khánh thành Tuyến đường vào và Khu bảo tồn Bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên diễn ra đúng vào ngày khai mạc Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, đặc biệt là sự tham dự động viên trực tiếp của đồng chí Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, càng làm cho dự án có nhiều ý nghĩa.

Qua đây ông Thành cũng đánh giá cao nỗ lực của các sở, ngành, địa phương của thành phố; cảm ơn các nhà khoa học, người dân trong vùng ảnh hưởng của dự án đã góp phần quan trọng trong việc phát hiện, khẳng định, xây dựng, hoàn thành, tiếp tục nghiên cứu mở rộng khu bảo tồn lịch sử.

 

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành phát biểu tại buổi lễ.

“Khu vực bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, cùng với Khu di tích Bạch Đằng Giang mãi trở thành Khu di tích lịch sử văn hóa truyền thống trường tồn cùng dân tộc và trở thành một địa chỉ có giá trị quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, hun đúc ý chí, niềm tự hào dân tộc và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng cho các thế hệ hôm nay và mai sau” - ông Thành nhấn mạnh.

 

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng trao Bằng xếp hạng Di tích thành phố đối với Di tích khảo cổ - lịch sử Bãi cọc Cao Quỳ.

Được biết, Dự án đầu tư xây dựng Tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên do Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên làm chủ đầu tư được thực hiện từ nguồn ngân sách thành phố với tổng mức 362.5 tỷ đồng. Dự án chia làm 2 hạng mục thi công gồm Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ và Tuyến đường vào Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ.

Trong đó, Khu Bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ có diện tích khoảng 3ha gồm có cổng chính rộng 22m kết cấu bằng bốn trụ bê tông cốt thép tượng trưng cho cọc Bạch Đằng; hệ thống tường bao, khung thép, sơn màu xanh hài hòa với cảnh quan thiên nhiên; nhà đón tiếp, trưng bày và giới thiệu hiện vật có diện tích 360m², 1 tầng theo kiến trúc giả cổ; Nhà mái che khu bảo tồn tại chỗ rộng 2.040m2, kết cấu thép, khung giàn không gian, mái lợp bạt PVDF. Trong phạm vi mặt bằng khu bảo tồn tại chỗ, diện tích 225m2, 18 cọc gỗ được mở, xây kè bằng sỏi cuội, chống thấm, ngâm nước bảo vệ cọc gỗ; các cọc còn lại được bảo tồn theo cách lấp đất và phỏng dựng cọc gỗ thay thế lộ thiên phục vụ khách tham quan.

Tuyến đường vào khu bãi cọc Cao Quỳ có chiều dài 3,488 km, nối Quốc lộ 10 với khu vực bãi cọc thuộc các xã: Lưu Kỳ, Liên Khê; chiều rộng nền đường từ 18-22m, trong đó mặt đường rộng 12m, vỉa hè đoạn rẽ vào bãi cọc rộng 5m lát đá, bãi đỗ xe rộng 1 ha. Dọc tuyến đường bố trí hệ thống điện chiếu sáng, trồng cây xanh bóng mát như: xà cừ, đa, bồ đề.

Tại buổi lễ khánh thành hôm nay (13/10), UBND TP. Hải Phòng cũng đã công bố và trao “Bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh, thành phố Di tích khảo cổ lịch sử Bãi cọc Cao Quỳ” cho khu bảo tồn lịch sử này.

Phạm Trang - Phạm Nguyên
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top