Ngày 7-3, tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã làm việc với các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về công tác phòng, chống xâm nhập mặn.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, từ cuối năm 2014, El Nino đã ảnh hưởng đến nước ta, làm cho nền nhiệt độ tăng cao, bên cạnh đó lượng mưa giảm nhiều so với các năm trước. Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, gây thiệt hại nặng nề và tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân sinh trong vùng.
Theo đó, các khu vực bị ảnh hưởng nặng là Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và ĐBSCL. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn, tình hình El Nino tiếp tục ảnh hưởng và kéo dài đến giữa năm 2016, trở thành El Nino kéo dài nhất được ghi nhận ở nước ta. Riêng ở ĐBSCL, nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 độ C, thời điểm cao nhất có thể đạt 33-37 độ C, mùa mưa sẽ đến muộn, lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30-60%, điều này sẽ làm cho dòng chảy hệ thống sông thiếu hụt từ 30-50%.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Cao Đức Phát làm việc với các tỉnh ĐBSCL
Theo dự báo, mùa khô năm 2015-2016, xâm nhập mặn có khả năng kéo dài đến đầu tháng 6-2016, muộn hơn cùng kỳ trung bình nhiều năm khoảng gần 2 tháng. Cụ thể, từ tháng 3 trở đi, các vùng cách biển 30 đến 45 km, nguồn nước ngọt xuất hiện rất ít và gần như không có khả năng lấy nước ngọt từ cửa sông, gây ra tình trạng thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt.
Để kiểm soát xâm nhập mặn trong khu vực, nhiều hệ thống công trình thủy lợi ngăn mặn đã được quan tâm đầu tư xây dựng như: Quản Lộ - Phụng Hiệp, Tứ giác Long Xuyên, Ô Môn - Xà No, Gò Công. Các công trình này đã phát huy hiệu quả cao, góp phần kiểm soát xâm nhập mặn hàng năm, trong điều kiện không quá bất lợi.
Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực kinh tế và đời sống nhân dân của 9/13 tỉnh, thành phố trong khu vực Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, điển hình như Bến Tre có hơn 70% diện tích gieo trồng lúa bị thiệt hại. Riêng hai tỉnh Cà Mau, Kiên Giang bị ảnh hưởng sớm từ cuối năm 2015, tổng diện tích lúa bị thiệt hại của 2 địa phương này là gần 85.000ha.
Bộ trưởng Cao Đức Phát phát biểu tại buổi làm việc
Ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho biết, địa phương này có tới 161/165 xã, phường, thị trấn của tỉnh bị mặn bủa vây; hơn 90% diện tích lúa đông - xuân mất trắng. Nước ngọt sinh hoạt thiếu trầm trọng.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, ĐBSCL cần 32.500 tỷ đồng để thực hiện các công trình cấp thiết ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiện đã bố trí khoảng 50%. “Cấp bách nhất là cần 1.060 tỷ đồng cho các địa phương trong vùng thực hiện những công trình cấp bách ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ đời sống và sản xuất của người dân”, ông nói.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “ĐBSCL là vùng kinh tế trọng điểm, vị trí chiến lược, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của cả nước. Tuy nhiên, khu vực này đang bị thiên tai rất nghiêm trọng và còn diễn biến phức tạp, nặng nề hơn. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc cùng với nhân dân ứng phó thiên tai, khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống, sản xuất; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm”.
Bản đồ xâm nhập mặn tại ĐBSCL
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương trước mắt phải đảm bảo nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân, đề phòng tình trạng dịch bệnh tràn lan. Tập trung tất cả các biện pháp có thể làm để ngăn mặn, giữ ngọt bảo vệ diện tích lúa đông - xuân đang còn trên đồng cũng như vườn cây ăn trái tại các địa phương. Hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi thủy sản ứng phó với dịch bệnh phát sinh trong điều kiện nắng hạn, độ mặn tăng cao.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính và các địa phương nhanh chóng cấp kinh phí để thực hiện những công trình cấp bách ứng phó thiên tai, hỗ trợ người dân bị thiệt hại sớm vượt qua khó khăn. Ngân hàng Nhà nước khoanh nợ cho người dân đối với diện tích thiệt hại và cho vay mới ngay để khôi phục sản xuất.
Quang Minh
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.