Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 19 tháng 9 năm 2017 | 9:28

Thủ tướng Chính phủ tiếp Phó Chủ tịch ADB

KTNT - Chiều 19/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Stephen Groff.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Phó Chủ tịch ADB Stephen Groff.

Chào mừng ông Stephen Groff trở lại thăm Việt Nam, Thủ tướng chúc ông thành công trong vai trò chủ tọa của Hội nghị Bộ trưởng các nước tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 22 tổ chức tại Hà Nội ngày 20/9.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đánh giá cao quan hệ với ADB, coi ADB là một trong những nhà tài trợ hàng đầu hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội; là người bạn lớn của nhân dân Việt Nam. Kể từ khi nối lại quan hệ với ADB, nguồn vốn vay, hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn chính sách của ADB là nguồn hỗ trợ to lớn và quý báu giúp Việt Nam đạt được những thành tựu phát triển như ngày nay.            

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tiếp tục có những thách thức trong giảm nghèo bền vững, phát triển không đồng đều và biến đổi khí hậu khó lường. Do đó, Việt Nam mong muốn ông Stephen Groff ủng hộ việc Ban Lãnh đạo ADB cũng như các cổ đông xem xét, có cơ chế phù hợp để hỗ trợ Việt Nam sau khi tốt nghiệp nguồn vốn ADF để quá trình tốt nghiệp không làm gián đoạn đến việc duy trì các thành quả phát triển kinh tế bền vững của đất nước.

Thông tin về các chương trình, dự án vay vốn ADB năm 2017-2018, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đã quyết liệt chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan khẩn trương thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ đàm phán các chương trình, dự án nhằm tận dụng hết nguồn vốn ưu đãi ADF trước thời điểm tốt nghiệp nguồn vốn này vào năm 2019.

Thủ tướng mong muốn, trên cương vị của mình, ông Stephen Groff sẽ chỉ đạo, đôn đốc các bộ phận chuyên môn phối hợp với các cơ quan chủ quản dự án của phía Việt Nam đẩy nhanh công tác chuẩn bị để hoàn thành đàm phán, nhất là các dự án vốn vay ADF.

Về vấn đề trần nợ công, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đánh giá tác động của các khoản vay ODA và vốn vay ưu đãi lên trần nợ công và đề xuất phương án xử lý, báo cáo Chính phủ trước ngày 30/9/2017. Thủ tướng hy vọng rằng, sau khi có báo cáo đánh giá này, các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi sẽ được khơi thông, có thể đàm phán theo kế hoạch đề ra.

Phó Chủ tịch ADB Stephen Groff đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc đưa ra các giải pháp điều hành kinh tế-xã hội, đặc biệt là việc vừa phải chấp hành hạn mức về trần nợ công theo quy định của Quốc hội đồng thời vẫn phải tiếp tục huy động các nguồn vốn để phát triển hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng. Đây là bài toán khó.

Cho biết ADB đã có nhiều hoạt động hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực khác nhau như cải cách hành chính công, cho vay vốn ưu đãi, ông Stephen Groff khẳng định, ADB luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc phân tích, đánh giá hiệu quả các nguồn vốn, qua đó giúp Chính phủ Việt Nam có sự lựa chọn phù hợp để sử dụng vào các mục tiêu phát triển đạt hiệu quả cao nhất.

Tán thành quan điểm của Việt Nam về việc ưu tiên sử dụng hết nguồn lực từ vốn ADF trước khi hết hạn vào 2019, ông Stephen Groff khẳng định, ADB sẵn sàng phối hợp với Chính phủ Việt Nam trong việc lựa chọn các dự án ưu tiên sử dụng nguồn vốn quan trọng này.

Chia sẻ với khó khăn rất lớn của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là tìm nguồn vốn, ông Stephen Groff cũng nhận định, đây là một nhu cầu rất cấp thiết đối với Việt Nam và hiện các nhà tài trợ đang tích cực trao đổi để đưa ra các chương trình, dự án cho vay phù hợp. Ông Stephen Groff cũng đánh giá cao quy mô của hội nghị định hình chuyển đổi mô hình phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu sẽ được tổ chức cuối tháng 9 này và cho biết, hội nghị này nhận được sự quan tâm của nhiều nhà tài trợ. ADB cũng sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm cho Việt Nam trong lĩnh vực này.

Phó Chủ tịch ADB cũng đề nghị phía Việt Nam đẩy nhanh tiến độ triển khai, giải ngân nguồn vốn ODA, hiện còn chậm ở một số dự án. ADB sẵn sàng phối hợp với Chính phủ Việt Nam tìm phương án tháo gỡ và giải quyết vấn đề này./.

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top