Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần hết sức thận trọng, không bi quan, xác định rõ, phân tích kỹ tình hình, xem xét các yếu tố tác động của dịch COVID-19 để có giải pháp phù hợp.
Cuộc họp hôm nay nhằm phân tích đánh giá tình hình trong nước, quốc tế thời gian qua, nhất là tác động của dịch COVID-19 tới phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cũng như thảo luận về dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng về các giải pháp chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế-xã hội.
Phát biểu khai mạc cuộc họp đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Hội đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, các nước có sự sụt giảm tăng trưởng, trong đó có các đối tác của Việt Nam. Theo dự báo mới đây, tăng trưởng kinh tế châu Âu sẽ giảm, không như dự báo trước đó.
Thủ tướng đặt vấn đề: "Có loại vaccine nào cho nền kinh tế Việt Nam để ứng phó căn bệnh sụt giảm kinh tế, để có thể đạt mục tiêu kép, là vừa chống dịch COVID-19, vừa giữ được nhịp độ tăng trưởng kinh tế". Đây là bài toán hóc búa trong bối cảnh quốc tế, khu vực, nhất là những đối tác quan trọng của Việt Nam sụt giảm tăng trưởng.
Cho rằng chúng ta có thành công bước đầu quan trọng trong việc ngăn chặn COVID-19, Thủ tướng khẳng định chúng ta muốn thắng lợi kép chứ không chỉ một thắng lợi đơn, vừa chống dịch tốt, vừa phát triển kinh tế-xã hội, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng và bảo đảm đời sống nhân dân. Thủ tướng bày tỏ mong muốn nghe về một “liều vaccine” mà các thành viên Hội đồng góp ý, hiến kế để ứng phó căn bệnh sụt giảm kinh tế diễn ra trên toàn cầu.
Giữ nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tại cuộc họp, các ý kiến đề cập đến nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giải pháp về thuế, phí. Nhiều thành viên Hội đồng cho rằng, cần tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, chống trì trệ trong phát triển. Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế để vừa bù đắp thiệt hại, vừa giảm thiểu tác động của dịch. Việc chống dịch thành công cũng là giải pháp quan trọng để đất nước phát triển.
Cần có giải pháp phù hợp để bảo đảm nguồn nhân lực, lao động và các điều kiện sản xuất kinh doanh bình thường cho khu vực doanh nghiệp.
Nhiều thành viên Hội đồng nêu, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, giảm thiểu thông tin tiêu cực, sai sự thật, ảnh hưởng đến tâm lý, gây hoang mang dư luận, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội và xử lý nghiêm các vi phạm.
Thống đốc Ngân hành Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, các tổ chức quốc tế đánh giá rất thận trọng về tác động của dịch COVID-19, chúng ta cần bình tĩnh, đưa ra thông tin chuẩn xác. Về kiểm soát lạm phát, Thống đốc NHNN nêu rõ, chúng ta không nôn nóng trong điều hành chính sách tiền tệ, nhưng không chủ quan trước áp lực lạm phát. Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, không thắt chặt quá mức gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Điều quan trọng nhất là giữ nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô.
Ông Lê Minh Hưng cho biết, hôm qua, NHNN có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai giải pháp hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Yêu cầu này nhằm thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch, và có dư nợ gốc hoặc lãi đến kì hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/1 đến ngày 31/3, cho đến khi NHNN ban hành thông tư hướng dẫn về vấn đề này.
Về giá vàng, Thống đốc NHNN cho biết, biến động giá vàng trong nước chủ yếu do giá vàng quốc tế và yếu tố tâm lý. Hôm nay, giá vàng quốc tế giảm và giá vàng trong nước còn giảm mạnh hơn. NHNN vẫn theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, mặc dù thị trường này không còn tác động đến ổn định vĩ mô. Nếu thị trường có diễn biến gây bất ổn, NHNN sẽ can thiệp khi cần thiết.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Chưa có cơ sở để điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng
Phát biểu kết luận cuộc họp, ghi nhận các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là nguồn tư liệu quan trọng, đầu vào để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các quyết sách điều hành phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh có khó khăn, nhất là dịch COVID-19.
“Các đồng chí đều nói trong nguy có cơ”, Thủ tướng giao NHNN khẩn trương tổng hợp các ý kiến, hoàn thiện các báo cáo của Hội đồng, gửi Thủ tướng, đồng thời có báo cáo tóm tắt đưa ra phiên họp Chính phủ thường kỳ tới đây. “Tinh thần chung của chúng ta là tăng cường công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách và chỉ đạo, điều hành, lắng nghe các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để từ đó chắt lọc các đề xuất, kiến nghị”.
Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo Chỉ thị về các giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam là đất nước an toàn, có kinh tế vĩ mô tốt, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững. Chính phủ đang triển khai thực hiện mục tiêu kép là không để dịch COVID-19 lây lan, bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe của người dân là quan trọng nhất. Đồng thời, thực hiện mục tiêu bảo đảm sự phát triển của đất nước, thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội giao.
“Trong khó khăn, phải vượt qua, quyết liệt, đồng bộ, phải cải cách mạnh mẽ, phải đồng tâm hiệp lực với niềm tin, sức mạnh Việt Nam để đưa đất nước tiến lên”, Thủ tướng nêu rõ, chưa có cơ sở để điều chỉnh các chỉ tiêu vĩ mô, tăng trưởng. Chúng ta cần hết sức thận trọng, không bi quan, xác định rõ, phân tích kỹ tình hình, xem xét các yếu tố tác động để có giải pháp phù hợp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Quyết liệt chống dịch, nỗ lực vượt khó, tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có kế hoạch, phương án, kịch bản đối phó tác động về kinh tế-xã hội do dịch COVID-19. Cần tăng cường năng lực phân tích, dự báo, ứng phó biến động từ bên ngoài.
Hội đồng thống nhất, cần tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo nền tảng cho phát triển bền vững. Nếu phá vỡ vĩ mô, rất nhiều hệ lụy đặt ra.
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia. Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.