Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 18 tháng 10 năm 2017 | 8:55

Thủ tướng: Chúng ta nhìn về Liên Hợp quốc như ‘nguồn sáng hy vọng’

“Trong thế giới đầy biến động ngày nay, chúng ta nhìn về Liên Hợp Quốc như ‘nguồn sáng hy vọng’, là nơi tập hợp sự đoàn kết, mọi nỗ lực, sức sáng tạo của các quốc gia để chung tay vượt qua thách thức, phát triển bền vững, mang sự thịnh vượng, hạnh phúc đến mọi người”, Thủ tướng nói.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập LHQ. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Sáng nay, 17/10, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội), Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập LHQ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; đại diện lãnh đạo của các bộ, ban ngành liên quan và đông đảo đại diện các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức của LHQ và quốc tế tại Hà Nội đã tham dự.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu bật việc Việt Nam trở thành thành viên thứ 149 của LHQ vào ngày 20/9/1977, đã đánh dấu sự công nhận đối với Nhà nước Việt Nam độc lập, tự do, thống nhất, tiến bước vào công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.


Ảnh VGP/Quang Hiếu

Trong suốt 40 năm qua, dù nguồn lực còn hạn chế, Việt Nam tự hào là thành viên có trách nhiệm của LHQ, luôn nỗ lực đóng góp tích cực trên cả 3 trụ cột hòa bình-an ninh, phát triển và quyền con người. Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào nhiều cơ quan chủ chốt của LHQ. Khuôn khổ hợp tác phát triển Việt Nam-LHQ được coi là một hình mẫu thành công.

Nhìn lại sự hỗ trợ của LHQ trước đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định các tổ chức LHQ là những người bạn thân thiết luôn đồng hành cùng Việt Nam, từ những năm 1970-1980 đầy gian khó cho đến cả những năm sau này.


Ảnh VGP/Quang Hiếu

Nhân dịp này, Thủ tướng bày tỏ sự cảm ơn đối với những hỗ trợ quý báu mà LHQ và cộng đồng quốc tế đã dành cho Việt Nam trong suốt 4 thập kỷ qua.

“Các tổ chức LHQ là những người bạn thân thiết luôn đồng hành cùng Việt Nam. Từ những năm 70-80 đầy gian khó, nhiều người dân chúng tôi vẫn luôn nhớ những cái tên gần gũi, đã được Việt hóa, như FAO (Chương trình nông, lương thế giới), UNICEF (Quỹ Nhi đồng LHQ), WHO (Tổ chức Y tế thế giới) gắn liền với các chương trình lương thực, sức khỏe bà mẹ trẻ em, giếng nước sạch...”, Thủ tướng phát biểu.

Những năm sau này, các tổ chức của LHQ đã mở rộng, nâng tầm hỗ trợ Việt Nam về nguồn vốn, tri thức cho xóa đói giảm nghèo, y tế, cải cách hành chính, phát triến bền vững, hội nhập quốc tế... Nguồn lực quý báu đó đã góp phần giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ và hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDG).

Thủ tướng bày tỏ tri ân đối với những người bạn, chuyên gia quốc tế hết lòng tận tụy giúp Việt Nam hợp tác cùng nhiều cán bộ Việt Nam trên các lĩnh vực, cuơng vị khác nhau nỗ lực vì quan hệ ngày càng phát triển giữa Việt Nam và LHQ.


Ảnh VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng nhấn mạnh: Trong thế giới đầy biến động ngày nay chúng ta nhìn về LHQ như “nguồn sáng hy vọng”, là nơi tập hợp sự đoàn kết, mọi nỗ lực, sức sáng tạo của các quốc gia để chung tay vượt qua thách thức, phát triển bền vững, mang sự thịnh vượng, hạnh phúc đến mọi người. Tuy nhiên, chúng ta không thể thực hiện thành công các mục tiêu cao cả về hợp tác, phát triển nếu không có hòa bình, ổn định, điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với châu Á-Thái Bình Dương, nơi đang có những điểm nóng đe dọa hòa bình, ổn định khu vực và toàn cầu. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ lời kêu gọi của Tổng Thư ký LHQ: Năm 2017, là năm vì hòa bình.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn LHQ phát huy hơn nữa vai trò duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, ngăn ngừa và thúc đẩy giải quyết các xung đột, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.


Ảnh VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đối ngoại đa phương, tăng cường hợp tác hiệu quả với LHQ luôn là ưu tiên hàng đầụ trong chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Việt Nam cam kết tiếp tục đảm nhiệm tốt trách nhiệm là thành viên các cơ quan của LHQ; mở rộng hoạt động gìn giữ hòa bình (PKO); nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự phát triển bền vững, Thỏa thuận COP21 về ứng phó với biến đổi khí hậu và mong nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. “Chúng tôi cam kết hợp tác cùng các quốc gia, đối tác thực hiện thành công các mục tiêu cao cả của LHQ, để hành tinh của chúng ta sẽ ngày càng xanh hơn, thế giới của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn và đáng sống hơn”, Thủ tướng khẳng định.

Nhân dịp buổi lễ trọng đại này, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã gửi thông điệp chúc mừng nhân dân và Chính phủ Việt Nam, cho rằng với nhiều nỗ lực trong công cuộc đổi mới, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế nhắc đến như một ví dụ thành công về phát triển, là một trong số ít quốc gia có ngôi nhà xanh chung LHQ... hoan nghênh các cam kết của Việt Nam trong hợp tác Nam - Nam và bày tỏ mong muốn Việt Nam tham gia nhiều hơn vào hoạt độn gìn giữ hòa bình LHQ.

“LHQ cam kết mạnh mẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, tôn trọng và thực thi các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và bảo đảm an sinh xã hội để không một ai bị bỏ lại phía sau hay tái nghèo”, thông điệp của Tổng thư ký LHQ nêu rõ.


Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Trong phát biểu của mình, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam cũng đánh giá cao quan hệ hợp tác Việt Nam-LHQ trong 40 năm qua; hoan nghênh các nỗ lực của Việt Nam trong việc đạt được hầu hết các MDG trước 2015 và tin tưởng với quyết tâm chính trị mạnh mẽ và với kinh nghiệm trong thực hiện MDG, Việt Nam sẽ đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) với những kết quả lớn hơn.

Ông cũng nhấn mạnh từ một nước nhận viện trợ ODA đơn thuần, Việt Nam đã trở thành đối tác phát triển, có nhiều đóng góp tích cực cho việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, hỗ trợ ngăn ngừa và giải quyết hòa bình các tranh chấp, xung đột quốc tế trên cơ sở Hiến chương LHQ.

Ông Kamal Malhotra khẳng định các tổ chức của LHQ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực giải quyết các thách thức thông qua cung cấp tư vấn chính sách cấp cao, chia sẻ kinh nghiệm và bài học quốc tế, cung cấp chuyên môn cho Việt Nam nhằm đóng góp thực hiện các giải pháp sáng tạo và khả khi nhằm đạt được Chương trình nghị sự 2030.

Trong khuôn khổ buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và ông Kamal Malhotra đã cắt băng khai trương triển lãm ảnh về 40 năm quan hệ Việt Nam - LHQ.

Theo Đức Tuân/Chinhphu.vn

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top