Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 16 tháng 6 năm 2018 | 15:6

Thủ tướng đề nghị ACMECS thúc đẩy hợp tác với các đối tác phát triển

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hợp tác ACMECS.

Sáng 16/6, tại Bangkok, Thái Lan diễn ra Hội nghị Cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 8 (HNCC ACMECS 8) với sự tham dự của lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hợp tác ACMECS.

Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 8 được tổ chức với chủ đề “Hướng tới Cộng đồng ACMECS kết nối và hội nhập”.

 

thu tuong de nghi acmecs thuc day hop tac voi cac doi tac phat trien hinh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các trưởng đoàn dự Hội nghị. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Tại Hội nghị, các nhà Lãnh đạo ACMECS đã tập trung thảo luận về các biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng tính cạnh tranh cho các nền kinh tế thành viên và đề ra các định hướng hợp tác vì phát triển bao trùm và bền vững của khu vực Mekong. Các nhà Lãnh đạo nhận định khu vực Mekong có tiềm năng phát triển to lớn với thị trường rộng lớn, nguồn nhân lực có năng lực và năng suất cao, vị trí địa kinh tế chiến lược kết nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương và các thị trường Châu Á.

Tuy nhiên, các quốc gia Mekong cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới từ sự phục hồi chậm hơn dự báo của kinh tế thế giới, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tuý và sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ, các vấn đề an ninh phi truyền thống như suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai. Điều này đòi hỏi hợp tác ACMECS phải nâng cao hơn nữa hiệu quả nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của các nước thành viên, đồng thời tăng cường sự phối hợp của ACMECS với các cơ chế khu vực và tiểu vùng khác.

Với nhận định như vậy, các nhà Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Bangkok và Kế hoạch tổng thể ACMECS giai đoạn 2019 – 2023 với mục tiêu đưa khu vực ACMECS trở thành một trung tâm kinh tế kết nối thông suốt và hội nhập mạnh mẽ. Kế hoạch tổng thể ACMECS được xây dựng nhằm tối ưu hóa cơ cấu hoạt động và tận dụng các tiềm năng kinh tế của ACMECS để tăng cường hội nhập vào chuỗi cung ứng và giá trị khu vực và toàn cầu.

Các mục tiêu, chiến lược và hoạt động cụ thể của Kế hoạch phản ánh tình hình thế giới và khu vực, ưu tiên và nhu cầu phát triển của các nước ACMECS và giúp giải quyết các thách thức chung của khu vực. Theo đó, các nước ACMECS sẽ tập trung hợp tác vào ba trụ cột chính là:

Thứ nhất, kết nối thông suốt về hạ tầng cứng: Thúc đẩy kết nối các phương tiện vận tải đa phương thức (đường bộ, đường ray, cầu, cảng, hàng không, đường thủy nội địa và kết nối hàng hải), bao gồm nhưng không giới hạn các cơ sở hạ tầng phục vụ cho kết nối kỹ thuật số và hạ tầng năng lượng. Đặc biệt chú trọng việc bổ sung các kết nối còn thiếu và các kết nối phụ trợ giữa các khu công nghiệp và cảng biển với các tuyến hành lang chính; hoàn thành các tuyến đường sắt còn thiếu để tăng cường hoạt động của mạng lưới đường sắt tiểu vùng, đặc biệt là Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) và Hành lang kinh tế phía Nam (SEC).

Thứ hai, kết nối hạ tầng mềm: Tăng cường hợp tác trong hài hoà và đơn giản hóa các quy tắc và quy định để tạo thuận lợi cho sự di chuyển của con người, hàng hoá, dịch vụ và đầu tư; thúc đẩy hợp tác tài chính, thúc đẩy hợp tác thị trường vốn và kết nối tài chính như thanh, quyết toán, sử dụng đồng nội tệ, Fintech và hợp tác giữa các ngân hàng và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác.

Thứ ba, phát triển thông minh và bền vững: Thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực chiến lược bao gồm khởi nghiệp (SMEs/Startups), nông nghiệp, du lịch, dịch vụ y tế và giáo dục; tiếp tục thúc đẩy hợp tác môi trường trong đó chú trọng quản lý bền vững tài nguyên nước và các lĩnh vực chiến lược khác như nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, y tế, năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro thiên tai và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

Bên cạnh đó, tại HNCC ACMECS 8, các nhà Lãnh đạo đã thảo luận việc thành lập Quỹ ACMECS và Quỹ tín thác ACMECS nhằm hỗ trợ triển khai các dự án ưu tiên trước mắt của các nước thành viên. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để hợp tác ACMECS có thể phát huy nội lực, đồng thời tạo cơ sở huy động sự tham gia của các đối tác phát triển vào cơ chế hợp tác giữa năm nước này.

Hội nghị lần này cũng nhấn mạnh vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài khu vực. Lần đầu tiên Diễn đàn Lãnh đạo doanh nghiệp ACMECS và đối thoại, giao lưu giữa Nguyên thủ và các CEO hàng đầu trong khu vực đã được tổ chức. Điều này cho thấy khu vực tư nhân sẽ là một đối tác quan trọng của hợp tác ACMECS trong thời gian tới.

Các Nhà Lãnh đạo ACMECS hoan nghênh việc Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về ASEAN sẽ được tổ chức từ ngày 11-13/9/2018 tại Hà Nội và cho rằng đây là cơ hội tốt để quảng bá về khu vực Mekong như một động lực kinh tế năng động mới của ASEAN, thúc đẩy tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp ACMECS. Hội nghị nhất trí Campuchia sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị cấp cao  ACMECS 10 trong năm 2020.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có phát biểu quan trọng, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hợp tác ACMECS. Đầu tiên là Hợp tác ACMECS cần thúc đẩy phối hợp quan điểm trong hợp tác với các đối tác phát triển, đồng thời xây dựng tiếng nói chung về các vấn đề cần giải quyết, các ưu tiên hợp tác của tiểu vùng.

Cải tiến cơ chế hoạt động của ACMECS và chú trọng hơn việc huy động nguồn lực tài chính cho hợp tác ACMECS thông qua các sáng kiến như Quỹ ACMECS và Quỹ tín thác và cơ sở hạ tầng ACMECS. Cần nghiên cứu cách thức cải tiến cơ cấu hoạt động của ACMECS theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tính cả phương án kết hợp tổ chức hội nghị các cấp của ACMECS cùng dịp với các sự kiện của ASEAN và các cơ chế Mekong khác.

Thủ tướng cũng đề nghị Hợp tác ACMECS cần đóng góp trực tiếp hơn và trở thành một phần không thể thiếu trong tiến trình hình thành cộng đồng ASEAN thông qua gắn kết việc triển khai Kế hoạch Tổng thể ACMECS với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN và các chương trình hợp tác khác của ASEAN. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề xuất nhiều nội dung hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực kết nối giao thông, thương mại và đầu tư, nông nghiệp, du lịch, bảo về môi trường và quản lý tài nguyên và phát triển nguồn nhân lực.

Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến tham dự các hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định, những đề xuất của Việt Nam tại hội nghị ACMECS lần trước đang tiếp tục được thể hiện tại hội nghị lần này.

Đúng vào dịp này các nước trong cơ chế ACMECS đã phát huy kết quả chúng ta đã đạt được tại Hội nghị ACMECS năm 2016, tổ chức tại Hà Nội. Tức là làm sao tạo động lực mới cho cơ chế hợp tác này. Trên cơ sở đó, lần này chúng tôi thấy cơ chế hợp tác ACMECS cũng đưa ra được các sáng kiến theo tinh thần Việt Nam đề xuất. Trong đó có việc kéo thêm sự tham gia của các đối tác phát triển trong cơ chế ACMECS, kéo theo sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài ACMECS vào sự phát triển ACMECS. Như vậy sẽ tạo ra động lực mới cho ACMECS phát triển trong thời gian tới” - Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết.

Về những đóng góp của Việt Nam đối với Kế hoạch tổng thể ACMECS giai đoạn 2019 – 2023, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, cho biết, từ sau hội nghị ACMECS lần trước, Việt Nam tham gia xây dựng chương trình này cùng các bạn bè khác, trong đó có hai lĩnh vực Việt Nam rất quan tâm. Một là phát triển cơ sở hạ tầng, kể cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm; thứ hai là phát triển sáng tạo bền vững ở khu vực Mekong. Đặc biệt việc hài hòa hóa thủ tục để giảm bớt thủ tục hành chính để tăng cường giao lưu thương mại và du lịch giữa các nước trong khu vực tiểu vùng Mekong, tạo động lực mới cho phát triển. Thứ hai là chúng ta cũng có thế mạnh đóng góp, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong khu vực tiểu vùng.

Thực tế là từ sau hội nghị ACMECS lần trước và trong cơ chế hợp tác 4 nước Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam, chúng ta cũng có một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực ở KonTum, cấp học bổng, đào tạo nhân lực các nước./.

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top