Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 23 tháng 7 năm 2020 | 15:22

Thủ tướng đề nghị Đắk Nông chủ động kiểm tra, đôn đốc, bảo đảm giải ngân 100%

Sáng nay (23/7), làm việc trực tuyến với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đắk Nông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tỉnh cần giải quyết mọi điểm nghẽn để phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công.

Số lượng vốn cần giải ngân của Đắk Nông không phải là nhiều và Thủ tướng không muốn phải điều chuyển nguồn vốn của tỉnh (sang địa phương khác).

 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với Đắk Nông. Ảnh: VGP/Quang Hiểu
 
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,09%, đứng thứ 2 của khu vực Tây Nguyên. Chỉ số công nghiệp IIP tăng 4,5%.

Trong 6 tháng cuối năm, tỉnh phấn đấu thực hiện thành công các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra trong năm 2020, phấn đấu tăng trưởng đạt 7,91%, giảm nghèo trên 3,5% và hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội quan trọng khác.

Để tạo cơ sở cho Đắk Nông phát triển, tỉnh đã nêu một số kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, xem xét giải quyết như phát triển hệ thống năng lượng điện, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Tại cuộc làm việc, một số ý kiến đề nghị tỉnh đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là khâu giải phóng mặt bằng của một số dự án trọng điểm, có tính lan tỏa…

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tình hình dịch bạch hầu ở Đắk Nông cũng như các tỉnh Tây Nguyên diễn biến phức tạp với số ca nhiễm năm nay gấp 3 lần so với năm ngoái. Bộ Y tế đã quyết định tổ chức chiến dịch tiêm chủng diện rộng đối với các tỉnh Tây Nguyên. Toàn bộ vaccine sẽ được cung cấp miễn phí. “Chúng tôi mong rằng các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Đắk Nông tổ chức nhanh chiến dịch tiêm chủng, xử lý nhanh vùng dịch để không lây lan ra các khu vực khác”, ông Nguyễn Thanh Long nói.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng nêu rõ, Đắk Nông có vị trí chiến lược quan trọng đối với đất nước, đặc biệt với khu vực Tây Nguyên. Đây là tỉnh xa xôi, mới được chia tách, nhiều tiềm năng lợi thế nhưng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức để có điều kiện phát triển. Cho nên, “không chỉ tỉnh có quyết tâm cao, đặc biệt là chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tại tỉnh nhà, với chương trình hành động, định hướng phát triển 5 năm tới, mà cần có sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, của Trung ương”.

“Nếu một vùng có nhiều tiềm năng như thế mà không thu hút doanh nghiệp, thu hút đầu tư để kêu gọi những tập đoàn lớn, chỉ làm manh mún, nhỏ lẻ thì không giải quyết được vấn đề gì trong phát triển”, Thủ tướng nói. Vì thế, tỉnh cần cố gắng hơn trong cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, liên thông các cơ quan để tạo mọi điều kiện và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Đánh giá cao nỗ lực giảm nghèo của Đắk Nông, Thủ tướng cho rằng, đối với những tỉnh miền núi xa xôi, đông đồng bào dân tộc thiểu số thì vấn đề giảm nghèo đặt ra như một chiến lược. Các cơ quan Trung ương và cả địa phương phải lo giảm nghèo, đời sống cần thiết cho bà con trên các mặt y tế, giáo dục, phòng ngừa dịch bệnh cho bà con.

 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Về giải ngân vốn đầu tư công, Đắk Nông mới đạt khoảng 35%. Thủ tướng đề nghị tỉnh nỗ lực nhiều hơn nữa, chủ động kiểm tra, đôn đốc để bảo đảm giải ngân 100% vốn ngân sách Trung ương trên địa bàn.

Thủ tướng lưu ý tỉnh còn có cán bộ, người đứng đầu cơ quan địa phương chưa sâu sát thực tiễn, chủ quan, xuất hiện tư tưởng nể nang đùn đẩy trách nhiệm. Còn những vấn đề liên quan đến tài nguyên khoáng sản, giải quyết khiếu nại tố cáo. 

Tán thành với lãnh đạo tỉnh về định hướng giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, trước hết không chủ quan với COVID-19, đồng thời đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn bệnh bạch hầu ở tỉnh. Giải quyết mọi điểm nghẽn để phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công. Số lượng vốn cần giải ngân của Đắk Nông không phải là nhiều và Thủ tướng không muốn phải điều chuyển nguồn vốn của tỉnh (sang địa phương khác). Tỉnh cần có chương trình hành động cụ thể về vấn đề này.

Chú trọng quy hoạch phát triển của Đắk Nông, phải có tầm nhìn 2045, xây dựng tốt kế hoạch 2021-2025 để thúc đẩy phát triển. Phải tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp thế mạnh của địa phương như khai thác chế biến khoáng sản, chế biến nông sản và đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.

“Hôm qua tôi thảo luận với bà Thủ tướng New Zealand và có nhắc đến quả bơ và kiwi, trong đó bơ là đặc sản của Việt Nam. Thị trường mở ra cơ hội rất lớn đối với hàng hóa của Việt Nam. Chúng ta nên quan tâm vấn đề thị trường, tiến hành một số biện pháp tiêu thụ sản phẩm”, Thủ tướng gợi ý.

Thủ tướng cũng yêu cầu Đắk Nông quản lý tốt hơn về đất đai, bảo vệ rừng, nâng cao độ che phủ rừng. Cùng với đó là tiếp tục quan tâm đến an sinh xã hội, giảm nghèo, giáo dục-đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bởi đây là lối thoát nghèo bền vững.

Tại cuộc họp, Thủ tướng đã cho ý kiến đối với các kiến nghị của Đắk Nông với tinh thần tạo mọi điều kiện cho tỉnh phát triển.

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top