Cho rằng thành phố Hồ Chí Minh đang bị tụt lại so với các đô thị lớn trong khu vực về kinh tế, năng lực cạnh tranh và chất lượng sống, Thủ tướng đề nghị thành phố phải so sánh với Thượng Hải, Hong Kong, Singapore…
Cho rằng thành phố Hồ Chí Minh đang bị tụt lại so với các đô thị lớn trong khu vực về kinh tế, năng lực cạnh tranh và chất lượng sống, Thủ tướng đề nghị thành phố phải so sánh với Thượng Hải, Hong Kong, Singapore… để định hướng phát triển chứ không phải chỉ so sánh với các thành phố trong nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Ngày 12/1, tại cuộc làm việc với thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) kéo dài gần 6 giờ đồng hồ (kết thúc vào gần 2h chiều), lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đóng góp nhiều ý kiến, nhất là đối với 35 kiến nghị mà thành phố đưa ra.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng cho rằng “đây là cuộc làm việc tốt, có ích”, qua đó các cơ quan Trung ương hiểu hơn về tình hình TPHCM, nêu cao trách nhiệm đối với thành phố và TPHCM cũng nhận rõ hơn những vấn đề đặt ra để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình. Thủ tướng đề nghị TPHCM nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến.
Thủ tướng cho rằng, tăng trưởng kinh tế của TPHCM duy trì ở mức cao, cả về lượng và chất, chiếm 24% GDP của cả nước. Thành phố đóng góp trên 1/3 giá trị dịch vụ; thu ngân sách đứng đầu cả nước, đóng góp lớn cho Trung ương, ở mức 29% tổng thu ngân sách cả nước. Thu hút đầu tư nước ngoài đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau Hà Nội và điều quan trọng, “các đồng chí ngày càng chú trọng chất lượng thu hút đầu tư”.
TPHCM luôn đi đầu phát tiển khoa học, công nghệ, xây dựng thành phố thông minh; luôn quan tâm phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp.
Thủ tướng tin tưởng TPHCM luôn luôn là địa phương đổi mới sáng tạo quyết liệt, vượt lên khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nặng nề.
Tuy nhiên, “tồn tại lớn mà các đồng chí nói hôm nay là TPHCM đang bị tụt lại so với các đô thị lớn trong khu vực về kinh tế, năng lực cạnh tranh và chất lượng sống”, Thủ tướng nói và đề nghị TPHCM phải so sánh với Thượng Hải, Hong Kong, Singapore… để định hướng phát triển, chứ không phải chỉ so sánh với các thành phố trong nước.
TPHCM đang gặp phải nhiều bất cập trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị. Cơ sở hạ tầng đang ngày một quá tải và xuống cấp trong khi sức hút của người dân đến với thành phố quá lớn. Sân bay, nhiều tuyến đường quá tải và tắc nghẽn, tình trạng ngập nước và ô nhiễm môi trường ngày càng là vấn đề đáng quan tâm. Báo cáo với nhan đề “Các thành phố toàn cầu” năm 2016 chỉ ra TPHCM đứng thứ 76, thấp nhất trong số thành phố cạnh tranh trong khu vực và dự báo sẽ giảm từ mức 76 hiện nay xuống 97 trong tương lai nếu chúng ta không phấn đấu. Theo Thủ tướng nhận định này rất đáng để chúng ta suy ngẫm và có hành động quyết liệt. Nhiều dự án hạ tầng trọng điểm, dự án đầu tư lớn bị chậm tiến độ, việc này gây cản trở phát triển, vừa giảm niềm tin của doanh nghiệp. Theo đó, đối với các dự án bị chậm "chúng ta phải rà lại' để có giải pháp "quyết liệt hơn", làm rõ "nguyên nhân vì sao để tập trung xử lý dứt điểm”. Bên cạnh đó, một loạt dự án dở dang nằm ở nhiều nơi. Nhiều dự án, chương trình lớn trong Nghị quyết của Thành ủy, HĐND Thành phố mới nằm trên chủ trương, cần có giải pháp triển khai quyết liệt.
Mặt khác, tốc độ tăng trưởng của thành phố cũng là vấn đề đáng quan tâm khi trước đây cả nước tăng trưởng GDP 1% thì TPHCM tăng trưởng 1,6%, còn hiện nay, Việt Nam tăng trưởng 1% GDP thì TPHCM chỉ tăng hơn 1% một chút. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của TPHCM cũng chưa hoàn thành mục tiêu đề ra. Tình hình tội phạm trên địa bàn còn diễn biến phức tạp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Nêu định hướng thời gian tới cho TPHCM, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “TPHCM vì cả nước, cả nước vì TPHCM”. Thành phố cần có kế hoạch chương trình hành động cụ thể để triển khai Nghị quyết 01, Nghị quyết 54, đẩy mạnh cải cách hành chính. Cần chống lại sự chậm trễ, trì trệ trong đội ngũ cán bộ.
Thành phố cần đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực, cả kinh tế xã hội, đổi mới sáng tạo. Cần coi công nghệ và đổi mới sáng tạo là "lối ra" của thành phố. Muốn vậy, phải làm tốt quy hoạch chung của thành phố và cả quy hoạch vùng. Tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng công nghệ, bằng trình độ thực thi. Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn để Thành phố chủ động thực hiện các nhiệm.
“Tại hội nghị này, một lần nữa chúng ta xác định tầm nhìn của sự phát triển TPHCM, nơi hội tụ văn hóa và nhân tài, những giá trị có tính truyền thống và đặc trưng nhằm xây dựng một đô thị phát triển và giàu tính nhân văn”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh: TPHCM phải đi đầu trong xây dựng thành phố thông minh.
Đồng thời, phải đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư và các dịch vụ công khi số lượng đơn vị sự nghiệp công ở TP.HCM rất lớn. Trong năm 2019 tập trung xử lý những vụ việc tồn đọng, kéo dài, từ đó, nâng cao trách nhiệm, niềm tin, tạo điều kiện cho phát triển.
TPHCM nên bàn chuyên đề để có giải pháp căn cơ giải quyết cụ thể các điểm nghẽn hiện nay như: Quy hoạch, giao thông, nhà ở xã hội và tái định cư. Có giải pháp quyết liệt, đồng bộ để chống úng ngập. Đối với các khu đô thị mới, cần chú trọng khâu quy hoạch, giao thông, môi trường, hệ sinh thái, ứng dụng khoa học công nghệ. Chỉ đạo quyết liệt thúc đẩy các dự án dở dang, đưa vào sử dụng như dự án metro, dự án chống ngập.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Đặc biệt, thành phố cần tập trung xử lý các vấn đề bức xúc của người dân, nhất là khu vực Thủ Thiêm. Lấy đồng thuận và tập trung phát triển thành phố là quan trọng nhất. Giải quyết bức xúc giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền trên tinh thần đối thoại, công khai, để tìm lối đi tốt nhất. Đưa thành phố vào quỹ đạo phát triển mạnh mẽ, nhất là phát triển dịch vụ, công nghệ cao, trung tâm khởi nghiệp quốc gia, phát triển đô thị. Coi mở rộng không gian đô thị là một động lực phát triển; xây dựng đô thị vệ tinh theo hướng liên kết vùng.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã trả lời, cho ý kiến chỉ đạo đối với các kiến nghị của TPHCM với tinh thần tạo điều kiện cho thành phố phát triển./.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.