Chiều 14/9, trong chuyến thăm Khu hành chính đặc biệt Hongkong, phát biểu trước 300 nhà đầu tư dự Diễn đàn Kinh doanh và Đầu tư Hongkong – Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và chờ đón các nhà đầu tư.
Đây là diễn đàn đặc biệt do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Phòng Thương mại Trung Quốc tại Hong Kong và Phòng Thương mại Hong Kong – Việt Nam tổ chức. Diễn đàn thu hút sự tham dự của 300 doanh nghiệp, nhà đầu tư của Trung Quốc, Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết kết quả của các cuộc hội đàm, hội kiến giữa Thủ tướng với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. Hai bên đã thống nhất nhiều phương hướng chiến lược để nâng tầm quan hệ hợp tác hai nước sang giai đoạn phát triển mới, với trọng tâm là đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại mạnh mẽ hơn nữa, chất lượng cao hơn, hiệu quả, bền vững hơn.
Đây chính là nền tảng quan trọng, là cơ hội thuận lợi cho sự hợp tác thành công giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác Trung Quốc nói chung và Hongkong nói riêng. Cho rằng Việt Nam sẽ là một trong những đối tác thương mại ASEAN lớn nhất của Trung Quốc, Thủ tướng thông báo năm 2016, hai bên phấn đấu kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD.
Thủ tướng giới thiệu về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhất là môi trường đầu tư – kinh doanh, những tiềm năng, lợi thế tại Việt Nam. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm thời gian qua, nhưng Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát tốt hơn, mức tăng GDP khá cao.
Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất cao. Liên tiếp trong nhiều năm, kim ngạch thương mại Việt Nam tăng bình quân khoảng 15%/năm, năm 2015 đạt 330 tỷ USD. Hiện có hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 21.000 dự án, tổng số vốn đăng ký gần 300 tỷ USD. Việt Nam đã tham gia 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có Hiệp định TPP, Hiệp định Việt Nam – EU và đang đàm phán 4 hiệp định thương mại khác, trong đó có FTA ASEAN và Hongkong. Các FTA mở ra không gian thương mại tự do rộng lớn giữa Việt Nam với 55 quốc gia, đối tác, bao gồm tất cả các thành viên Nhóm G7 và 15 thành viên G-20, với quy mô 2/3 dân số và 3/4 GDP toàn cầu.
Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới đã tăng 3 bậc và trong năm 2017, Việt Nam phấn đấu vào tốp 4 của ASEAN. Chỉ số PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng) của ngành sản xuất Việt Nam – một chỉ số tổng hợp đo lường kết quả hoạt động của ngành sản xuất do Nikkei công bố đã tăng lên 52,2 điểm trong tháng 8/2016 (từ mức 51,9 điểm trong tháng 7). Sản lượng đơn hàng xuất khẩu tăng nhanh.
“Đặc biệt, Việt Nam là nước có sự ổn định chính trị xã hội rất tốt và Chính phủ đang xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, cải cách hành chính quyết liệt. Việc xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển đã được chúng ta đặt ra để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn nữa”, Thủ tướng nói. “Một môi trường tốt đang chờ đón các bạn và mong các bạn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam để chúng ta cùng phát triển, cùng có lợi. Chúng tôi cam kết rằng Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hongkong đầu tư vào những lĩnh vực mà mình có thế mạnh như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, dịch vụ vận tải biển, đầu tư cơ sở hạ tầng, linh kiện điện tử, công nghiệp phụ trợ, chế biến và tiêu thụ hàng nông sản”.
Thủ tướng mong rằng với vị thế là trung tâm tài chính hàng đầu khu vực và toàn cầu, Hongkong sẽ là thị trường thuận lợi để huy động các khoản tín dụng cho phát triển, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam.
“Việt Nam chào đón các bạn, mong các bạn sớm xúc tiến đầu tư làm ăn tại Việt Nam. Tôi xin nói một lần nữa rằng Chính phủ Việt Nam coi thành công của các bạn là thành công của chúng tôi. Thất bại của các bạn là thất bại của chúng tôi”, Thủ tướng khẳng định.
Tiến sỹ Jonathan Choi, Chủ tịch Danh dự vĩnh viễn Phòng Thương mại Trung Quốc tại Hong Kong và cũng là Chủ tịch Phòng Thương mại Hong Kong – Việt Nam bày tỏ sự trân trọng, đánh giá cao sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại sự kiện này. Đồng thời đánh giá cao những nỗ lực, giải pháp và sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thời gian qua; cho rằng Chính phủ Việt Nam đang thực hiện nhiều chương trình cải cách thị trường đầy tham vọng với những chính sách phù hợp để có thể mở rộng hơn nữa hoạt động thu hút đầu tư thương mại từ mọi quốc gia trên thế giới.
Tiến sỹ Jonathan Choi nêu rõ, Diễn đàn và việc ký kết hàng loạt thỏa thuận hợp tác sẽ là cột mốc hết sức quan trọng trong lịch sử quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hongkong.
Quyền Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong Rimsky Yuen nêu rõ, Hongkong sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam và hỗ trợ mạnh mẽ để doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường Hongkong và Trung Quốc nội địa.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhìn nhận: “Chuyến đi thăm chính thức tới Trung Quốc và tới Hong Kong lần này của Thủ tướng Chính phủ đã cổ vũ và thúc đẩy xu thế mở rộng đầu tư kinh doanh và hợp tác lâu dài cho các doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc nói chung và Việt Nam – Hong Kong nói riêng”.
Tại Diễn đàn, đã diễn ra lễ ký 10 thỏa thuận hợp tác và hợp đồng thương mại với tổng giá trị lên đến 10 tỷ USD giữa các doanh nghiệp. VCCI đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 3 đối tác gồm: Phòng Thương mại Trung Quốc tại Hong Kong, Phòng Thương mại Hong Kong – Việt Nam và Ủy ban Phát triển Thương mại Hong Kong./.
P.V
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.