Chiều 4/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, công tác đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2016 của ngành Giao thông vận tải.
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2016 của ngành Giao thông vận tải.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận và đánh giá cao những tiến bộ vượt bậc của ngành Giao thông vận tải với nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông thiết yếu trên tất cả các lĩnh vực. Những kết quả này đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Trong bối cảnh khó khăn, song kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trong 5 năm qua vẫn có một bước tiến vượt bậc; chúng ta đã thực hiện hiệu quả các giải pháp, huy động được các nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông vận tải-một trong những khâu đột phát chiến lược”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong chặng đường 5 năm qua, ngành đã huy động được một nguồn lực lớn ngoài ngân sách để tạo bước phát triển nhảy vọt. Nhiều công trình giao thông đồng bộ, hiện đại đã được đưa vào khai thác, sử dụng; cũng 5 năm qua, từ 100 km đường cao tốc, đến nay đất nước đã phát triển được 704 km đường cao tốc, vượt 104 km so với mục tiêu đề ra. Các công trình giao thông không chỉ ở đô thị mà còn phát triển mạnh ở khu vực nông thôn. Hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong ngành được triển khai quyết liệt, đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông đạt nhiều tiến bộ…
“Tôi mong muốn ngành Giao thông vận tải với chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí, chung sức chung lòng, quyết liệt hành động, phát huy hơn nữa kết quả đạt được, ra sức khắc phục những hạn chế yếu kém để tiếp tục phát triển, vươn lên và đạt được những kết quả to lớn hơn nữa”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ.
Với tinh thần chung như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải, ngành Giao thông vận tải phải tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành bởi đây là yếu tố quyết định, trong đó trước hết tập trung vào khâu trọng yếu là tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, luật pháp để lĩnh vực hoạt động giao thông vận tải hội nhập khu vực và quốc tế tốt hơn, hiệu quả hơn, để huy động được nguồn lực nhiều hơn cho đầu tư phát triển ngành giao thông vận tải.
Cùng với đó là tiếp tục cập nhật, rà soát để hoàn thiện chiến lược, quy hoạch về giao thông vận tải theo hướng chiến lược, quy hoạch phải đi liền với cơ chế, chính sách thu hút đầu tư. Đảm bảo tốt công tác quản lý nhà nước đối với ngành, đặc biệt phải coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng, hiệu quả các công trình. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; tập trung đổi mới công tác cán bộ, chế độ công vụ, công chức trên mọi lĩnh vực của ngành.
Song song với việc quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, cần tiếp tục tập trung chỉ đạo, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ ngoài xã hội cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải ở từng dự án, công trình cụ thể, bảo đảm sự đồng bộ, chất lượng, an toàn và hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu phát triển.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý hoạt động vận tải, siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải; nâng cao hiệu quả, năng lực vận tải đa phương thức và kiểm soát tải trọng phương tiện gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải, hướng tới phát triển hài hòa, hợp lý, nâng cao năng lực, hiệu quả của các phương thức vận tải; đảm bảo giảm giá thành, hạ chi phí vận tải.
Đi liền với đó là tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, quyết tâm giảm tối đa tai nạn giao thông cả trên cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). Xử lý nghiêm các vi phạm về vận tải và an toàn giao thông.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý của ngành, tập trung vào cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sau cổ phần hóa phát triển, bảo đảm đời sống việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
“Trong điều kiện mới, bối cảnh mới, tôi rất mong các đồng chí phát huy truyền thống tốt đẹp của mình, những thành quả đạt được, nhất là trong 5 năm qua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ.
Theo Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải tại Hội nghị, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và 4 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”, bộ mặt kết cấu hạ tầng giao thông của đất nước đã có những chuyển biến hết sức rõ nét, nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác như: các dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên; các đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, Nội Bài – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng, Thành phố HCM – Long Thành – Dầu Giây, Nội Bài – Nhật Tân; các cầu lớn như Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Cổ Chiên, Mỹ Lợi, Hạc Trì; tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, Quốc lộ 51, Nam Sông Hậu, QL80 Mỹ Thuận – Vàm Cống; cảng cửa ngõ Quốc tế Cái Mép- Thị Vải; tuyến đường thuỷ kênh Chợ Gạo; nhà ga T2 Nội Bài, Pleiku, Đà Nẵng...
Kết cấu hạ tầng giao thông tại các đô thị lớn và các trung tâm kinh tế quan trọng được tập trung đầu tư, tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP HCM dần được khắc phục; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương, đặc biệt lần đầu tiên sau nhiều năm đã giảm số người chết do tai nạn giao thông xuống dưới 9.000 người; hệ thống giao thông nông thôn có bước phát triển mạnh mẽ, tạo kết nối hiệu quả hơn giữa hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Trung ương và địa phương. Việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, kết nối hài hoà các phương thức vận tải, phát huy thế mạnh của từng phương thức, làm giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Các báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2015 đứng ở vị trí 67, tăng 36 bậc trong 5 năm qua (năm 2010 ở vị trí thứ 103)./.
P.V
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.