Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 5 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 8 năm 2017 | 11:55

Thủ tướng dự lễ phát hành đặc biệt bộ tem bưu chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Sáng nay, 25/8, tại tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ phát hành đặc biệt bộ tem bưu chính “Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 – 2013)”.

Thủ tướng ký lưu niệm vào bộ tem “Đại tướng Võ Nguyên Giáp".Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sự kiện này do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức, đúng dịp kỷ niệm 106 năm Ngày sinh Đại tướng (25/8/1911-25/8/2017).

Tại buổi lễ, giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nhấn mạnh bộ tem là thông điệp đa chiều, hàm chứa nhiều ý nghĩa, giới thiệu với người dân cả nước, bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và lịch sử vẻ vang của dân tộc ta.

Việc phát hành đặc biệt bộ tem không chỉ tưởng nhớ, tri ân và tôn vinh những công lao to lớn của Vị tướng của nhân dân, mà còn góp phần vào việc tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, hiểu biết thêm về lịch sử Việt Nam trong nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-4/10/2013), Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam là một trong những thiên tài quân sự, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tham gia và chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên những chiến thắng lịch sử vang dội. Ông được đánh giá là một trong những nhà quân sự lỗi lạc nhất trong lịch sử, được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ suy tôn là Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Bộ tem bưu chính “Đại tướng Võ Nguyên Giáp".Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ tem gồm 1 mẫu tem và 1 block tem, thể hiện chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nụ cười thân thiện, gần gũi, bình dị trong quân phục của thập niên 70. Bằng bút pháp tả thực, mẫu tem đã thể hiện khí phách của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, vị tướng tài ba, mưu lược, nhà quân sự xuất sắc của dân tộc Việt Nam. Nền tem là hình ảnh chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh và Huân chương Sao vàng - phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng Đại tướng năm 1992.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký và đóng dấu lưu hành bộ tem.  Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Block tem cũng thể hiện chân dung Đại tướng trên nền là hình ảnh Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - Tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Mẫu tem được thiết kế không tràn lề, khuôn khổ 43x32 mm, được cung ứng trên mạng bưu chính công cộng của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng tem cước phí cũng như giới sưu tập tem.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tặng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tem lưu niệm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ tem có thời hạn cung ứng trên mạng bưu chính công cộng từ ngày 25/8/2017 đến ngày 30/6/2019.

Tại buổi lễ, Thủ tướng đã ký và đóng dấu Bìa phát hành đặc biệt bộ tem.

Đức Tuân/Chinhphu.vn

 

 
KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top