Chiều 24/9, trong khuôn khổ Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động...
Chiều 24/9, trong khuôn khổ Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động và các đại biểu dự Đại hội về chủ đề “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực canh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành hơn 2 tiếng rưỡi đồng hồ lắng nghe, trao đổi, đối thoại với các đại biểu về nhiều vấn đề thiết thực đối với công nhân lao động.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng mong muốn công nhân, viên chức, lao động cả nước cùng chung tay, góp sức tạo thành sức mạnh dân tộc trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.
Cho biết tình hình đất nước chuyển biến tích cực, tất cả các chỉ tiêu năm 2018 có khả năng đạt và vượt, Thủ tướng cũng bày tỏ còn nhiều vấn đề đặt ra như nguy cơ tụt hậu về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới hay nỗi lo về xuống cấp đạo đức xã hội, tình trạng tham nhũng, quan liêu, xa dân, khoảng cách giàu nghèo…
Với những trăn trở đó, Thủ tướng mong Công đoàn đóng góp ý kiến để cùng phát triển đất nước. “Vấn đề đặt ra cho chúng ta hôm nay là gì? Làm thế nào khích lệ, thúc giục mọi người dân Việt Nam, trong đó có công nhân, viên chức, người lao động, lực lượng đi đầu trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng mong muốn công nhân, viên chức, lao động cả nước cùng chung tay, góp sức tạo thành sức mạnh dân tộc trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước. Mỗi đoàn viên công đoàn và người lao động phải đổi mới tư duy, nhận thức về tinh thần phụng sự, cống hiến, về khát vọng vươn lên, về lòng tự trọng, liêm chính và trung thực; về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội. Tất cả người lao động Việt Nam dù khu vực công hay tư đều phải nâng cao ý thức kỷ luật lao động, trang bị kiến thức pháp luật, xây dựng tác phong công nghiệp, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí. Phải biết trân trọng và tự hào về kết quả công việc hay sản phẩm mà mình góp phần tạo nên. Cần coi trọng phương thức làm việc theo nhóm và xây dựng tập thể đoàn kết, gắn bó với cơ quan, doanh nghiệp, nỗ lực không ngừng vì lợi ích chung.
Người cán bộ, công chức, viên chức phải quán triệt tinh thần thượng tôn pháp luật, coi sứ mệnh của mình là tham mưu giỏi, phục vụ tốt, gần gũi, gắn bó với nhân dân. Từng người đổi mới, từng cơ quan, doanh nghiệp đổi mới sẽ góp nên gió và gió mạnh sẽ thành bão. Thủ tướng cho rằng, việc đổi mới trong toàn xã hội sẽ tạo ra năng suất lao động mới cao hơn và từ đó sẽ đóng góp trực tiếp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị Công đoàn Việt Nam tiếp tục đổi mới tổ chức và có bước đột phá trong nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn, có chương trình hành độngtrước cách mạng công nghiệp 4.0.
Thủ tướng đề nghị Đại hội nghiên cứu, thảo luận đưa chủ đề “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước” thành một chương trình hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong nhiệm kỳ tới.
Đối với các cấp, các ngành, Thủ tướng yêu cầu phải chăm lo, bảo vệ tốt nhất người lao động, “đó chính là cách chúng ta huy động được cao nhất tài năng, tâm huyết, tinh thần trách nhiệm của người lao động đóng góp cho sự nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”.
Thủ tướng cho rằng 950 đại biểu chính thức của Đại hội tại cuộc đối thoại hôm nay dù đã phát biểu hay chưa phát biểu, “nhưng tôi tin là tất cả các đồng chí đều trăn trở, có cùng suy nghĩ như chúng tôi”.
“Các đồng chí phải là những hạt nhân nòng cốt của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong việc động viên, khích lệ, truyền cảm hứng cho công nhân, viên chức, lao động cả nước tích cực, nhiệt tình phát động và tham gia Chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nêu rõ đất nước ta, dân tộc ta đã từng chiến đấu và chiến thắng những kẻ thù xâm lược mạnh nhất thế giới để giành lại độc lập, tự do bằng tinh thần đoàn kết, quả cảm và sự hy sinh to lớn. Ngày nay, để chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu, mang lại phồn vinh và hạnh phúc, để Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu, đòi hỏi chúng ta tiếp tục đoàn kết lại, triệu người như một, mỗi người dù ở ngành nghề nào, vị trí công tác nào, ngay từ bây giờ, hãy cùng nỗ lực thi đua trên một chặng đường mới, khẩn trương và quyết liệt hơn. Chắc chắn chúng ta sẽ thành công, năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ được nâng lên, đất nước sẽ phát triển bền vững.
“Tôi kỳ vọng là từ diễn đàn của Đại hội, chủ đề mà chúng ta thảo luận hôm nay tiếp tục được thấm sâu, lan tỏa mạnh mẽ trong các cấp công đoàn, đến từng đoàn viên, công nhân lao động, để biến thành quyết tâm hành động”, Thủ tướng chia sẻ./.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.