Chiều 10/1, làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Hòa Bình, một địa phương “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”, có thị trường rộng lớn, liền kề Thủ đô Hà Nội.
Do đó, tỉnh cần phát triển về hướng Đông để tận dụng thị trường này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Hòa Bình, địa bàn chiến lược trọng yếu, cửa ngõ miền Tây Bắc của Tổ quốc, có tiềm năng về giao thông với mạng lưới giao thông đường bộ thuận lợi, thời gian di chuyển về thủ đô Hà Nội khoảng 1 giờ đồng hồ. Hòa Bình là 1 trong 8 tỉnh nằm trong quy hoạch đường vành đai 5 vùng thủ đô Hà Nội. Hệ thống giao thông đường thủy với Sông Đà chảy qua địa phận tỉnh Hòa Bình 151 km với các cảng lớn như Bích Hạ, Ba Cấp, Thung Nai, Bình Thanh.
Hòa Bình có tiềm năng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phong phú, đa dạng; đất đai có độ màu mỡ cao, diện tích đất lâm nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp và đất chưa sử dụng lớn; mạng lưới sông, suối, hồ, đầm phân bổ khắp trên địa bàn.
Diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh khoảng 250.000 ha, trong đó rừng tự nhiên khoảng 150.000 ha, rừng trồng khoảng 100.000 ha, là nguồn nguyên liệu dồi dào cho công nghiệp chế biến lâm sản quy mô lớn.
Tỉnh giàu tiềm năng phát triển làng nghề truyền thống, điển hình là các nghề, các cơ sở như dệt thổ cẩm, mây, tre đan, khu du lịch bản Lác, một số cơ sở sản xuất rượu cần ở TP. Hòa Bình; nghề làm giấy dó, gỗ lũa, chế tác đá cảnh…
Hòa Bình với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, 168 di tích các loại trong đó có 34 di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh đã được công nhận di tích cấp quốc gia… Du lịch văn hóa phong phú, đa dạng với 7 dân tộc chủ yếu, người dân tộc thiểu số chiếm 74,14%, trong đó dân tộc Mường chiếm trên 63%.
Năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng ước tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2019 (đứng thứ 28/63 cả nước; thứ 9/14 các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc). GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2020 đạt 64,5 triệu đồng/người.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi mở hướng phát triển cho tỉnh Hòa Bình thời gian tới. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Phát biểu tại cuộc làm việc “xông đất” tỉnh Hòa Bình đầu năm 2021, Thủ tướng cho rằng tỉnh Hòa Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế và còn nhiều khó khăn nhưng đã vươn lên mạnh mẽ. Một địa phương “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”, có thị trường rộng lớn, liền kề Thủ đô Hà Nội. Tỉnh cần phát triển về hướng Đông để tận dụng thị trường này. Thủ tướng nhất trí với ý kiến của lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cho rằng sản phẩm mà Hòa Bình làm ra sẽ đóng góp nhiều hơn vào “mâm cơm” của người dân Hà Nội.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu rất đáng trân trọng, tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng Hòa Bình chưa thật sự tận dụng tốt được lợi thế về vị trí địa lý (là cửa ngõ vùng Tây Bắc và nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô) để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; chưa có dự án lớn, mang tính động lực để tạo chuyển biến tình hình của tỉnh Hòa Bình.
Thời gian tới, theo Thủ tướng, tỉnh cần tiếp tục phát triển xanh hơn, bền vững hơn, an toàn hơn, có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn.
“Tinh thần tự cường, tự lực phải đặt ra trong toàn đảng bộ”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh nếu không có tinh thần tự cường vươn lên thì không có địa phương nào phát triển được, Hòa Bình cũng vậy. Đi liền với đó là thu hút mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Hòa Bình tập trung cùng cả nước tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu kép, không chủ quan trước dịch bệnh. Triển khai đồng bộ công tác quy hoạch và đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật; khẩn trương lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. Điều chỉnh lại quy hoạch gắn với đô thị Hà Nội, tập trung nâng cao tỷ lệ đô thị hóa, nâng cấp và mở rộng một số đô thị hiện có gắn với các trung tâm thương mại, đầu mối giao thông để phát triển đô thị là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương thời gian tới.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Theo Thủ tướng, Hòa Bình cũng cần đưa công nghiệp trở thành khâu đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp xanh; tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh; tập trung tháo gỡ kịp thời các rào cản, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Đề cập đến việc khởi công dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Thủ tướng nhắc lại phải bảo đảm an toàn khi mà khối lượng thi công Nhà máy là rất lớn và nằm trong thành phố.
Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, đặc điểm văn hóa đa dạng và phong phú, đồng thời nằm trong quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội, Thủ tướng tin tưởng chắc chắn rằng tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của vùng đất giàu truyền thống cách mạng, anh hùng và những thành tựu đã đạt được, tiếp tục đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, thách thức, tạo bước phát triển mới, nhanh hơn, bền vững hơn.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.