Thủ tướng Phạm Minh Chính là lãnh đạo ASEAN đầu tiên được Tổng thống Joko Widodo đón tiếp nhân dịp Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN diễn ra vào ngày 24/4/2021 tại Indonesia.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đóp tiếp và hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chiều ngày 23/4/2021, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đóp tiếp và hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Dinh Tổng thống ở thành phố Bogor.
Tổng thống Joko Widodo nồng nhiệt chúc mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính đã được Quốc hội tín nhiệm bầu vào trọng trách mới; bày tỏ ngưỡng mộ và chúc mừng thành tựu của Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế; khẳng định Indonesia rất coi trọng và mong muốn không ngừng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác Chiến lược với Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chủ động tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng; khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng, sẽ không ngừng củng cố và mở rộng quan hệ Đối tác Chiến lược với Indonesia.
Hai bên hài lòng nhận thấy quan hệ hợp tác song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất; nhất trí phối hợp triển khai hiệu quả Chương trình Hành động giai đoạn 2019 – 2023, triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược và Tầm nhìn Hợp tác Quốc phòng song phương giai đoạn 2018 – 2022.
Hai nhà lãnh đạo đã dành nhiều thời gian để trao đổi về các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế song phương; đặc biệt là việc giảm rào cản thương mại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp hai nước để sớm đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 10 tỷ USD theo hướng giảm nhập siêu của Việt Nam. Hai bên nhất trí sớm nối lại các đường bay vào thời điểm phù hợp và xem xét tạo điều kiện cho Vietjet Air mở các đường bay từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đến Jakarta; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm; tăng cường hợp tác biển và đại dương, trong đó có hợp tác giữa các lực lượng Cảnh sát biển hai nước.
Tổng thống Indonesia dành cho Thủ tướng Việt Nam sự đón tiếp chân tình, trọng thị, cởi mở, thiết thực và thắm tình hữu nghị, đã đích thân giới thiệu với Thủ tướng Phạm Minh Chính về công trình kiến trúc Dinh Tổng thống tại Bogor - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hai nhà Lãnh đạo khẳng định đặc biệt coi trọng sự cần thiết sớm hoàn tất đàm phán ranh giới vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước để tạo hành lang pháp lý cho hai bên tăng cường hợp tác, giảm các vụ việc đánh bắt cá trái phép, tạo hình mẫu về giải quyết khác biệt trên biển giữa các quốc gia, góp phần giữ gìn hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực.
Tổng thống Joko Widodo đánh giá cao việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN ngay sau khi mới nhậm chức, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Việt Nam. Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là ASEAN và Liên Hợp Quốc, cùng phối hợp với các nước ASEAN khác thúc đẩy giải quyết vấn đề Myanmar theo hướng sớm ổn định tình hình, giảm bạo lực và thương vong cho người dân, nối lại đối thoại giữa các bên để tìm kiếm giải pháp hòa bình, vì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Hai bên cũng nhất trí duy trì lập trường chung của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, trong đó có việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không, thực hiện hiệu quả DOC và sớm hoàn tất đàm phán COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với Luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Tổng thống Indonesia đã dành cho Thủ tướng Việt Nam sự đón tiếp chân tình, trọng thị, cởi mở, thiết thực và thắm tình hữu nghị, đã đích thân giới thiệu với Thủ tướng Phạm Minh Chính về công trình kiến trúc Dinh Tổng thống tại Bogor. Cuộc hội đàm đã diễn ra thực chất, đạt nhiều kết quả cụ thể, định hướng cho quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước trong thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trân trọng mời Tổng thống Joko Widodo thăm Việt Nam vào thời gian phù hợp và Tổng thống đã vui vẻ nhận lời./.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.