Đêm 26/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Thủ đô New Delhi (Ấn Độ) về nước, kết thúc thành công chuyến công tác tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác ASEAN - Ấn Độ và Lễ kỷ niệm lần thứ 69 Ngày Cộng hòa Ấn Độ theo lời mời của Thủ tướng Narendra Modi.
Với chủ đề “Chia sẻ giá trị, Cùng chung vận mệnh”, lãnh đạo các nước ASEAN và Ấn Độ đã đánh giá về hợp tác ASEAN - Ấn Độ thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực và đánh giá cao Việt Nam – quốc gia điều phối quan hệ ASEAN - Ấn Độ đã luôn nỗ lực, sáng tạo thúc đẩy hợp tác chung của hai bên; đồng thời đã thảo luận về các phương hướng, biện pháp nhằm đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ trên tất cả các mặt thông qua thực hiện đầy đủ và hiệu quả Kế hoạch hành động ASEAN-Ấn Độ 2016-2020.
Lãnh đạo các nước ASEAN và Ấn Độ có phiên họp chuyên đề trao đổi về “Hợp tác và an ninh biển”. Hai bên cam kết tiếp tục đối thoại và hợp tác thông qua các cơ chế khu vực nhằm duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không; đề cao thượng tôn pháp luật và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNClOS, 1982)… Nhân dịp này, các nhà lãnh đạo ASEAN và Ấn Độ đã khẳng định ủng hộ việc thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và trông đợi Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) sớm được hoàn tất.
Các nước đều đánh giá cao vai trò điều phối của Việt Nam đối với quan hệ ASEAN - Ấn Độ.
Phát biểu tại hội nghị, với tư cách nước điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điểm lại toàn diện quá trình phát triển quan hệ ASEAN-Ấn Độ. “Chúng ta đã đến với nhau một cách tự nhiên bằng con đường của hòa bình, hợp tác cùng với tư duy, triết lý sâu sắc của Phật giáo, Ấn Độ giáo về lòng từ bi, sự hiền hòa, bao dung mà dấu ấn còn khắc ghi sâu đậm trên những kiến trúc đền, đài, chùa độc đáo, uy nghi tại các quốc gia khu vực”, Thủ tướng chia sẻ. Trong 25 năm hợp tác vừa qua, ASEAN và Ấn Độ đã tiếp bước những kết nối lịch sử hữu nghị lâu đời để vun đắp cho nền móng vững chắc của quan hệ chính trị tin cậy, mở đường cho quan hệ hợp tác toàn diện ASEAN - Ấn Độ đạt nhiều kết quả tích cực vì hòa bình và thịnh vượng chung.
Để tiếp tục phát huy hơn nữa những thành quả đã đạt được, đưa hợp tác ASEAN- Ấn Độ trở thành điểm sáng trong thành công của thế kỷ châu Á-Thái Bình Dương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất 3 trọng tâm lớn. Thứ nhất, coi hợp tác thương mại và đầu tư là động lực chính, ưu tiên hàng đầu của Đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ. Hai bên cần tranh thủ các thành tựu khoa học, công nghệ của cách mạng 4.0 để đẩy nhanh phát triển. Thứ hai, tăng cường kết nối là nhân tố then chốt, bảo đảm tính bền vững liên khu vực. Thủ tướng mong muốn Ấn Độ chia sẻ kinh nghiệm về phát triển 100 thành phố thông minh và đề nghị nghiên cứu kéo dài dự án đường cao tốc Ấn Độ-Myanmar-Thái Lan tới Campuchia, Lào và Việt Nam trong tương lai. Thứ ba, cần tăng cường hợp tác vì hoà bình, ổn định ở khu vực và trên biển Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương ứng phó với các thách thức an ninh, cả truyền thống lẫn phi truyền thống.
Trao đổi về hợp tác và an ninh biển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên cần tăng cường phối hợp, bảo đảm nguyên tắc thượng tôn pháp luật, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNClOS, 1982), tăng cường hợp tác xây dựng lòng tin thông qua các biện pháp chung ứng phó với những thách thức trên biển, ưu tiên tập trung phát triển kinh tế biển xanh, trong đó có việc sớm hoàn tất Hiệp định vận tải biển, chia sẻ thông tin và phối hợp chính sách biển, cũng như thúc đẩy hợp tác liên khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN và Ấn Độ đã thông qua Tuyên bố Delhi, đề ra tầm nhìn và phương hướng thúc đẩy toàn diện quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ những năm tới.
Nhân dịp dự hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội kiến với Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind, hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi; gặp gỡ, tiếp xúc song phương với Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, qua đó trao đổi nhiều biện pháp, định hướng thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương.
Tại cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hai bên nhất trí kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng nhanh, năm 2017 đạt gần 8 tỷ USD nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hai nước cũng như các mặt hợp tác khác; đầu tư song phương vẫn còn hạn chế. Để đạt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều 15 tỷ USD trước năm 2020, hai Thủ tướng đề nghị Tiểu ban Thương mại hai nước sớm họp trong đầu năm 2018 để nghiên cứu, tìm hướng giải quyết, trong đó cần đẩy mạnh nghiên cứu kết nối hàng không và hàng hải nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh của hàng hóa hai nước; hạn chế và từng bước xóa bỏ các rào cản thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước.
Sau hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ trao các thỏa thuận hợp tác gồm Bản ghi nhớ giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Bộ Thông tin và Phát thanh truyền hình Ấn Độ về hợp tác trong lĩnh vực thông tin và phát thanh truyền hình và Thỏa thuận giữa Cục Viễn thám Quốc gia và Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ về thực hiện Dự án “Xây dựng Trạm dò tìm, tiếp nhận dữ liệu và và Trung tâm xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cùng lãnh đạo các nước ASEAN tham dự lễ diễu hành mừng Ngày Cộng Ấn Độ với tư cách khách mời chính của Tổng thống Ấn Độ. So với lễ diễu hành các năm trước với khách mời chính thường chỉ là lãnh đạo một nước, sự xuất hiện của lãnh đạo 10 nước ASEAN tại Lễ diễu hành năm nay là đặc biệt và chưa có tiền lệ, thể hiện sự coi trọng đặc biệt của Ấn Độ dành cho ASEAN.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Lễ phát hành bộ tem kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối tác hai bên và tham quan triển lãm 20 bức tranh của các hoạ sỹ tham gia Trại sáng tác ASEAN-Ấn Độ.
Thủ tướng đã tiếp đại diện các doanh nghiệp lớn của Ấn Độ đang có hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam như Tập đoàn TATA với các dự án thép và điện năng, Tập đoàn Larsen&Toubro (L&T) với các dự án về đóng tàu tuần tra biển, cung cấp linh kiện công nghiệp, Tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ (ONGC) đang thăm dò, khai thác dầu khí có hiệu quả tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam, Tập đoàn Suzlon đầu tư điện gió, Tập đoàn Adani Green Energy đầu tư điện mặt trời và Tập đoàn vDoIT dự kiến triển khai dự án Ngôi làng thông minh tại một số địa phương ở Việt Nam. Trong trao đổi, Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Ấn Độ; đề nghị các doanh nghiệp Ấn Độ quan tâm đầu tư trong các lĩnh vực Ấn Độ có thể mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu.
Nhân dịp này, Thủ tướng đã đến thăm Đại sứ quán, gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và bà con kiều bào đang sinh sống và làm việc tại Ấn Độ; dự lễ động thổ xây dựng trụ sở Đại sứ quán Việt Nam; tham quan Viện Bảo tàng Quốc gia ở Thủ đô New Delhi.
Chuyến công tác tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm ASEAN - Ấn Độ và dự lễ kỷ niệm 69 năm Ngày Cộng hòa Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã góp phần thúc đẩy, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ lên tầm cao hơn, sâu sắc hơn; thể hiện vai trò điều phối tích cực của phía Việt Nam đối với quan hệ ASEAN - Ấn Độ./
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.