Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 16 tháng 12 năm 2017 | 8:50

Thủ tướng kêu gọi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Sáng 16/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Diễn đàn quốc tế nông nghiệp hữu cơ 2017 với chủ đề "Sản xuất nông nghiệp hữu cơ - Xu thế hội nhập quốc tế".

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng về Diễn đàn, không những số lượng đại biểu tham dự đông mà còn có thông tin phong phú. Các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm, những nhận thức, nhất là nhận thức rõ bản chất của nông nghiệp hữu cơ và nhận diện những khó khăn, thách thức về thể chế, cơ chế phát triển. Đặc biệt, tại Diễn đàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam, các địa phương, doanh nghiệp đã nêu ra các khó khăn, thách thức, đề ra phương hướng góp ý cho Chính phủ để chỉ đạo lĩnh vực này hiệu quả hơn, bền vững hơn.

Thủ tướng cho rằng, nông nghiệp hữu cơ là một bộ phận quan trọng của sản xuất nông nghiệp Việt Nam và nông nghiệp Việt Nam phải thành công thì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mới thành công.

Khẳng định rất nhiều sản phẩm của Việt Nam có thể phát triển nông nghiệp hữu cơ, Thủ tướng nhìn nhận việc một số ý kiến nói rằng nông nghiệp hữu cơ chỉ phục vụ người giàu, cho xuất khẩu là chưa đúng, chưa đủ. Nông nghiệp hữu cơ phục vụ cho người dân khi mà ở Việt Nam hiện nay đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, từ mức 10% dân số hiện nay sẽ lên khoảng 50% vào năm 2035. Yêu cầu một nền nông nghiệp sạch, thực phẩm sạch cho gần 100 triệu dân Việt Nam và xuất khẩu cho thế giới là yêu cầu lớn cho phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp Việt Nam.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh quan điểm, nông nghiệp hữu cơ có tính giáo dục cao, sẽ đóng góp to lớn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn, phát huy giá trị nhân văn của con người, đồng thời nông nghiệp hữu cơ sẽ đóng góp rất quan trọng cho nền kinh tế phát triển xanh và bền vững. việc thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phát triển nông nghiệp hữu cơ ở từng địa phương là thể hiện sống có trách nhiệm với cộng đồng, với tương lai của thế hệ mai sau.

Cho rằng cần có một nhận thức đúng đắn, thống nhất về phát triển nông nghiệp hữu cơ, Thủ tướng nêu rõ quan điểm, bên cạnh ưu điểm và ý nghĩa nổi trội của nông nghiệp hữu cơ thì nông nghiệp phi hữu cơ, với năng suất cao trong nhiều năm tới vẫn tiếp tục đóng vai trò bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, không thể xem nhẹ.

Thủ tướng nêu rõ, nông nghiệp hữu cơ sẽ đáp ứng một phân khúc thị trường cao cấp, cần thiết, giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn, chất lượng hơn với thế giới và mang trọng trách cho tương lai. Và như thế, nông nghiệp hữu cơ không thể phát triển theo phong trào ồ ạt, chưa thể sớm thành sản phẩm phổ cập cho mọi người mà đòi hỏi phát triển hết sức bài bản, khoa học.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ phải trên cơ sở điều kiện thổ nhưỡng, xác định, lựa chọn chính xác chủng loại sản phẩm, quy mô, vùng sản xuất sản phẩm thích hợp với nhu cầu của từng thị trường để khai thác lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, xã hội, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ưu tiên sản xuất cây trồng bản địa Việt Nam có giá trị cao, gắn với du lịch sinh thái, tuân thủ chặt chẽ các quy định quốc tế về tiêu chuẩn.

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2018 – 2025, tầm nhìn 2035, trình Thủ tướng phê duyệt trong đầu năm 2018 nhằm định hướng, cụ thể hóa các hoạt động thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bảo đảm đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn. Theo đó, đề xuất các chính sách nâng cao chất lượng, đẩy mạnh công tác đào tạo, chính sách hỗ trợ, ưu đãi tín dụng, tín chấp, thế chấp và giải quyết nút thắt như đã đưa ra tại Diễn đàn.

Phải hình thành hệ sinh thái phát triển nông nghiệp hữu cơ, một văn hóa nông nghiệp hữu cơ  ở nông thôn và nông dân, văn hóa đó không thể theo kiểu “lợn hai chuồng, rau hai luống”.

Tiếp thu các ý kiến, Thủ tướng nhất trí cần sớm xây dựng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế, thiết lập hệ thống kiểm tra nghiêm khắc, minh bạch và hiệu quả để các sản phẩm Việt Nam có uy tín và giành được sự tin cậy của thế giới. Vì vậy, trong chỉ đạo, ngoài các vấn đề trên thì cơ chế quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi sản xuất rất quan trọng. Sản phẩm hữu cơ dù cho thị trường trong nước hay xuất khẩu, tất cả đều phải nhờ thương hiệu. Thương hiệu có được do sản xuất xanh, sạch và từ đó, tiêu chuẩn, quy trình cụ thể phải rõ ràng. Cơ chế quản lý theo chuỗi nhất quán, minh bạch, nghiêm chỉnh và liêm chính.

Nhất trí với các đại biểu về một số nút thắt cần tháo gỡ như cơ chế chính sách, vấn đề hạn điền, nguồn nhân lực, kỹ thuật, Thủ tướng cho biết, sẽ ban hành nghị định mới về nông nghiệp hữu cơ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có đề án về vấn đề này để làm bài bản, hệ thống hơn. Cùng với đó, sẽ thay thế Nghị định 210 về đầu tư trong nông nghiệp. “Tất cả thể chế, chính sách, đặc biệt nghị định, thông tư trong phạm vi của Chính phủ, chúng tôi sẽ tiếp thu để làm nhanh hơn, tạo điều kiện cho nông nghiệp hữu cơ phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tiếp thu và cụ thể hóa những ý kiến, sáng kiến, kiến nghị của Diễn đàn, biến các ý tưởng hôm nay thành hành động của các ngành, các cấp để triển khai nền nông nghiệp hữu cơ Việt Nam trong giai đoạn tới không chỉ cao về tốc độ mà bền vững về chất lượng, thị trường.

“Thay mặt Chính phủ, tôi kêu gọi sự hưởng ứng của các nhà khoa học, bà con nông dân, các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội tham gia phát triển nông nghiệp hữu cơ trên cả nước. Đó chính là quyền lợi và trách nhiệm của từng chủ thể trong xã hội, vì môi trường sống trong lành, vì sức khỏe tốt và hạnh phúc của từng người dân Việt Nam chúng ta”, Thủ tướng bày tỏ.

D.T

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top