Ngày 8/5, trong chuyến công tác tại tỉnh Thái Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thăm, khảo sát một số dự án, công trình lớn trên địa bàn tỉnh.
Cùng đi với Thủ tướng có các đồng chí: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Thủ tướng và đoàn công tác đã khảo sát, kiểm tra tình hình đầu tư, xây dựng và hoạt động của Khu kinh tế Thái Bình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Thủ tướng cũng nghe báo cáo về phương án quy hoạch giao thông tỉnh Thái Bình tới năm 2030, phương án lấn biển...; khảo sát khu công nghiệp Liên Hà Thái thuộc Khu kinh tế này.
Trả lời câu hỏi của Thủ tướng về các khó khăn, vướng mắc, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải cho biết khó khăn lớn là tỉnh chưa có kinh nghiệm trong triển khai khu kinh tế (KKT), nên đã rất cầu thị tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh khác. Tỉnh cũng quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác này. Ông Ngô Đồng Hải cũng cho biết một số khó khăn về quy định hiện hành; khó khăn trong giải phóng mặt bằng khi đất chật người đông. "Nếu không có sự vào cuộc của người dân thì trong vòng từ 6 -8 tháng, không thể giải phóng mặt bằng được hơn 500 ha".
Ông cũng cho biết, hiện khu công nghiệp (KCN) Liên Hà Thái đã có 4 nhà đầu tư lớn của nước ngoài và đang có nhiều nhà đầu tư khác quan tâm...
Thủ tướng cho biết Trung ương rất quan tâm tới việc phát triển KKT Thái Bình và chuyến công tác, khảo sát này nhằm "lắng nghe hơi thở cuộc sống" để tìm hiểu cuộc sống, lắng nghe về các khó khăn, vướng mắc, các kinh nghiệm, bài học rút ra.
Đây là KKT rất quan trọng với Thái Bình, tỉnh đất hẹp người đông, đưa tỉnh phát triển hướng ra biển, khai thác không gian biển. Thủ tướng gợi ý, trước đây, tiền nhân đã khai phá huyện Tiền Hải của tỉnh Thái Bình. Đến nay, KKT Thái Bình mới chủ yếu phát triển trên đất liền, cần phát triển theo hướng khai thác không gian biển.
Kinh nghiệm là công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư phải đi trước, phải phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống chính trị, người dân và nhà đầu tư để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; an sinh phải đi đầu; và hạ tầng phải đồng bộ.
Thủ tướng nhấn mạnh muốn phát triển được KKT này cần xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh, liên thông, đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng điện nước và hạ tầng xã hội như nhà ở công nhân, hạ tầng môi trường.
Phân tích kỹ hơn về yêu cầu phát triển hạ tầng, Thủ tướng yêu cầu tỉnh dồn lực nguồn vốn đầu tư công để hoàn thiện hạ tầng kết nối khu kinh tế, trong đó trước hết là dự án đường ven biển để kết nối càng sớm càng tốt với sân bay Cát Bi, cảng Lạch Huyện của Hải Phòng. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không trông chờ, ỷ lại vào Trung ương.
Thủ tướng cũng gợi ý về các phương án triển khai xây dựng KKT, trong đó đó có mô hình lãnh đạo công-quản trị tư. Quản trị công là xây dựng thể chế, quy hoạch, chiến lược, xây dựng hạ tầng tới chân hàng rào KKT…, còn quản trị tư là giao cho nhà đầu tư lớn vận hành, kêu gọi, thúc đẩy các nhà đầu tư khác. Nhiều tỉnh đã làm tốt mô hình này.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Thái Bình phải xác định người dân phải được hưởng lợi từ Khu kinh tế chứ không phải bị ảnh hưởng, bảo đảm đời sống của người dân đã nhường mặt bằng cho dự án ở nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, năm sau tốt hơn năm trước.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh triển khai tốt việc xây dựng KKT Thái Bình để rút kinh nghiệm, mở rộng mô hình này.
Về các khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần thuộc thẩm quyền của của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết, các cấp, các ngành, các cơ quan không làm thay công việc của nhau... Trong đó, liên quan tới các mỏ vật liệu xây dựng thông thường, Thủ tướng cho biết đây là vấn đề đặt ra với nhiều dự án trên cả nước.
"Tài nguyên thuộc sở hữu toàn dân, nhưng do quy định chưa chặt chẽ nên giao cho tư nhân, thích thì họ bán, không thích thì họ găm lại để đẩy giá lên, gây ảnh hưởng tới các dự án đầu tư. Vấn đề này đã được giải quyết tại các nghị quyết của Chính phủ, nhưng chưa triệt để, phải giải quyết triệt để vấn đề này trong thời gian tới", Thủ tướng nói.
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, gợi ý của Thủ tướng, Bí thư Thái Bình Ngô Đông Hải cho biết tỉnh quyết tâm thông tuyến đường ven biển qua tỉnh với kinh phí hơn 3.000 tỷ đồng vào tháng 5/2023. Ông cũng khẳng định quyết tâm cao trong phát triển KKT này.
KKT Thái Bình có diện tích trên 30.000 ha, trong đó diện tích dành cho công nghiệp, đô thị, dịch vụ trên 8.000 ha. Đây là lợi thế rất lớn để Thái Bình bứt phá phát triển công nghiệp.
KKT được xây dựng theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, năng động, hiệu quả và phát triển bền vững gắn với tăng trưởng xanh, bảo tồn, phát huy giá trị của hệ sinh thái biển, di tích lịch sử, văn hóa. Nơi đâu được kỳ vọng trở thành khu vực động lực, trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh và vùng Nam Đồng bằng sông Hồng.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, từ năm 2021 - 2025, Thái Bình phấn đấu cơ bản hoàn thiện kết cấu hạ tầng KKT, bảo đảm tương đối đồng bộ và đẩy mạnh thu hút các ngành công nghiệp có công nghệ tiên tiến, hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường; định hình phát triển các đô thị biển hiện đại, văn minh, gắn kết với các khu chức năng sản xuất, kinh doanh.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 thu hút được khoảng 25 dự án lớn với tổng mức đầu tư khoảng 500.000 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế theo các ngành: công nghiệp - xây dựng chiếm 55 - 60%, thương mại - dịch vụ chiếm 28 - 30%, nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 10 - 17%; tạo việc làm mới cho 30.000 – 40.000 lao động; thu nhập bình quân đầu người gấp 1,5 - 2 lần mức bình quân chung của tỉnh.
Ngoài 2 dự án nhiệt điện đã và đang hoàn thành phát điện thương mại, có một số nhà đầu tư đăng ký nghiên cứu đầu tư phát triển điện gió, trong đó một nhà đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án Nhà máy điện gió Tiền Hải giai đoạn I với quy mô công suất 40 MW, tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.
Một số dự án lớn, trọng điểm (Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 và 2, Nhà máy Amon Nitrat, dự án khí mỏ Hàm Rồng...) được tỉnh tạo điều kiện thuận lợi triển khai; một số dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo bước đột phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
KCN Liên Hà Thái là KCN đầu tiên được thành lập trong KKT và KCN này được tỉnh giao sứ mệnh tiên phong, đặt nền tảng cho việc thúc đẩy phát triển Khu kinh tế Thái Bình.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.