Sáng 29/10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10/2016.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2016. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng nêu một số nét chính của tình hình kinh tế-xã hội trong tháng 10, trong đó có việc chúng ta vừa tổ chức thành công 3 sự kiện quốc tế lớn (Hội nghị ACMECS lần thứ 7, CLMV lần thứ 8 và WEF-Mekong), qua đó, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Đây được coi là hoạt động đối ngoại đa phương lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2016.
Môi trường kinh doanh của Việt Nam, theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) đã tăng 9 bậc, đứng thứ 5 trong ASEAN.
Năm nay, Việt Nam cải thiện được ở một số tiêu chí như tiếp cận điện năng tăng 5 bậc; tiêu chí nộp thuế tăng 11 bậc. Đặc biệt, tiêu chí bảo vệ nhà đầu tư nhỏ tăng ấn tượng, 31 bậc. Thủ tướng cho rằng, đó là kết quả của việc xử lý nghiêm các vụ việc như quán cà phê Xin Chào hay “điện thoại cùi bắp”… Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra một số chỉ số sụt giảm thứ hạng để có biện pháp khắc phục thời gian tới như tiêu chí xin cấp phép xây dựng và vay vốn…
“Điều đáng mừng là tháng 10, chúng ta thành lập mới kỷ lục về số lượng doanh nghiệp. Còn trong 10 tháng, vượt con số 91.000 doanh nghiệp và trong năm nay, sẽ vượt con số là trên 100.000 doanh nghiệp. Quy mô vốn cũng tăng lên, tốt hơn trước nhiều. Đặc biệt, có 20.000 doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng lưu ý về vấn đề lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2016 tăng 0,83% so với tháng trước và tăng 4,09% so với cùng kỳ năm 2015, tiến gần tới mức lạm phát 5% mà Quốc hội đề ra cho năm nay.
“Phải tính toán vấn đề này để kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô. Giữ chỉ số này không vượt quá chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhắc lại con số về tốc độ tăng GDP 9 tháng mới đạt 5,93%, Thủ tướng đôn đốc “phải bàn sâu hơn, kỹ hơn, để có giải pháp bảo đảm tăng trưởng”, đạt mục tiêu đề ra khoảng 6,3-6,5%. Trong đó, lưu ý các giải pháp về giải ngân vốn đầu tư, xuất khẩu, dịch vụ, du lịch, tài chính, tín dụng, đầu tư…
Thủ tướng nhắc nhở tình trạng “xuân thu nhị kỳ” là những tháng đầu năm, tăng trưởng thường chậm hơn. Vấn đề này tái diễn nhiều năm vừa qua, dẫn tới những tháng cuối năm phải “vắt chân lên cổ” để đạt mục tiêu đề ra.
“Chúng ta phải bàn những chủ trương lớn để ngay quý I/2017 đạt tốc độ tăng trưởng cao. Phải chủ động ngay từ bây giờ, không để bị động, lúng túng. Không thể để ăn Tết xong mới bàn đến quý I”, Thủ tướng nói.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tại phiên họp này, Chính phủ sẽ nghe, thảo luận về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng về kết quả kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tháng 10/2016; báo cáo chuyên đề về các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2016 và quý I/2017; báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 60/NQ-CP về đẩy nhanh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016…
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.