Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 3 tháng 2 năm 2017 | 10:3

Thủ tướng: Không để tồn tại tinh thần “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 dài ngày đã kết thúc, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải bắt tay ngay vào công việc từ ngày đầu, tháng đầu của năm, không để tồn tại tinh thần “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

Ngày 3/2/2017, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017.

Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ cần triển khai ngay từ đầu năm như: Kế hoạch sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, nhất là một số mô hình sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tái cơ cấu ngành… Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại phiên họp, Chính phủ nghe và thảo luận về: Báo cáo tình hình triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và tình hình kinh tế-xã hội tháng 1/2017; Báo cáo tổng hợp tình hình Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017; Báo cáo về dự thảo Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại; Báo cáo về dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Tờ trình về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017;...

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định quyết tâm xây dựng lòng tin trong nhân dân, trong hệ thống chính trị về hình ảnh của một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hoạt động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả; nhấn mạnh quyết tâm phải nhân niềm tin đó lên hơn nữa bằng các hành động cụ thể.

Nêu rõ, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 dài ngày đã kết thúc, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải bắt tay ngay vào công việc từ ngày đầu, tháng đầu của năm, không để tồn tại tinh thần “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 1/2017, các thành viên Chính phủ thống nhất cho rằng, ngay từ những ngày đầu năm 2017, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tập trung và triển khai giao kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư và dự toán NSNN năm 2017; ban hành chương trình hành động triển khai thực hiện kế hoạch.

Đồng thời, các cơ quan chức năng đã tăng cường các biện pháp điều hòa cung cầu, bình ổn thị trường, giá cả, chống hàng giả, hàng kém chất lượng đi đôi với việc kiểm tra an toàn thực phẩm, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh và tiết kiệm. Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến trong dịp Tết. Sản xuất nông nghiệp ổn định và không có dịch bệnh xảy ra. Du lịch tiếp tục đà tăng trưởng, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1 đạt trên 1 triệu lượt, dịch vụ vận tải đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của người dân trong dịp Tết. Xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng so với cùng kỳ. An sinh xã hội được bảo đảm; đã tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người nghèo, thăm hỏi, tặng quà cho người có công, gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, người tàn tật,... trong dịp Tết Nguyên Đán; công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 vừa qua đã được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm, chăm lo, đảm bảo cho nhân dân đón Tết an bình, đầm ấm, vui tươi, lành mạnh; các cấp chính quyền đã tập trung chăm lo tốt cho người nghèo, gia đình chính sách, các hộ dân ở vùng thiên tai và bước đầu chăm lo cho đời sống công nhân; an ninh; an toàn, trật tự xã hội được bảo đảm; hàng hóa phục vụ Tết đầy đủ, giá cả không biến động; các chương trình văn hóa trong dịp Tết phong phú, đa dạng, tạo ra các “món ăn” tinh thần tốt cho nhân dân; công tác chăm lo y tế cho nhân dân được bảo đảm; chế độ trực Tết của các cơ quan hành chính, nhất là các cơ quan quốc phòng, an ninh được thực hiện nghiêm túc; thông tin, báo cáo của các cơ quan chức năng với Thủ tướng Chính phủ kịp thời; giảm hẳn việc các địa phương về Thủ đô chúc Tết bộ ngành Trung ương;...

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại và hạn chế trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, trong đó nổi lên là vi phạm quy định an toàn giao thông còn diễn ra nhiều, số người chết vì tai nạn giao thông còn cao; nạn đua xe trái phép, đốt pháo, cờ bạc, lãng phí vẫn còn xảy ra ở một số địa phương... Các cơ quan cần phải rút kinh nghiệm, khắc phục để tập trung chỉ đạo trong các dịp lễ Tết tiếp theo, bảo đảm cho nhân dân đón Tết ấm cúng hơn, an toàn hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 1/2017, Thủ tướng đánh giá, các mặt kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đã được các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai, chỉ đạo thực hiện; thu ngân sách nhà nước tháng 1 đạt kết quả đáng mừng; trong 15 ngày đầu tháng 1/2017, thu NSNN ước đạt 18,41 nghìn tỷ đồng, bằng 1,5% dự toán năm;...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành chức năng theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực và trong nước; chủ động, linh hoạt trong phản ứng chính sách; nghiên cứu, phân tích, đề xuất các giải pháp phù hợp, hiệu quả với những kịch bản diễn biến tình hình. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết. Quyết tâm hành động; nói đi đôi với làm; tăng cường kỷ luật kỷ cương; nỗ lực phấn đấu ngay từ đầu năm để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2017.

Thủ tướng yêu cầu quán triệt, triển khai thực hiện tốt Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc và thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Đinh Dậu 2017. Phải chấn chỉnh ngay các hoạt động làm ảnh hưởng đến đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; những biểu hiện không lành mạnh trong lễ hội; tình trạng sử dụng xe công đi lễ hội, du Xuân. Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; bảo đảm việc tổ chức lễ hội tiết kiệm, tránh phô trương, lãng phí; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và thực hiện nếp sống văn minh tại các khu du lịch, các lễ hội; kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi tiêu cực tại các lễ hội, các điểm du lịch.

“Bất cứ một cán bộ công chức nào mà trong giờ hành chính đi lễ hội; bất cứ cơ quan nào dùng xe công đi lễ hội đều phải xử lý nghiêm. Tôi đề nghị các đồng chí kiểm tra, giám sát; đề nghị báo chí giám sát mạnh mẽ việc này”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy tăng trưởng; điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; bảo đảm chỉ đạo triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách, cân đối thu-chi, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh trên tất cả các ngành, lĩnh vực ngay từ đầu năm. Tranh thủ thời tiết tương đối thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, nhất là sản xuất nông nghiệp vụ Đông-Xuân; chủ động phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Thực hiện quyết liệt và hiệu quả hơn nữa tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp; tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chú trọng hơn nữa cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, không để tình trạng cổ phần hóa đạt tỷ lệ thấp.

Đặc biệt quan tâm thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo các điều kiện thuận lợi cho du khách đến Việt Nam, bảo đảm lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cao hơn năm 2016. Phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

 Quan tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các dự án hạ tầng, nhất là các dự án hạ tầng ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Các bộ, ngành hữu quan chuẩn bị tốt các nội dung cho cuộc làm việc của Thủ tướng với lãnh đạo Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh về tháo gỡ khó khăn trong phát triển cơ sở hạ tầng của 2 thành phố; đồng thời chuẩn bị tốt các nội dung cho 4 Hội nghị sẽ được tổ chức trong thời gian tới là: Hội nghị phát triển ngành hàng tôm; Hội nghị phát triển Dược liệu Việt Nam; Hội nghị Thủ tướng với Doanh nghiệp lần thứ 2 và Hội nghị sơ kết về thực hiện Luật Hợp tác xã.

Tiếp tục thúc đẩy sâu rộng và hiệu quả hơn nữa tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội; tập trung tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; tạo mọi thuận lợi để người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, làm ăn, kinh doanh hiệu quả.

Triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, những diễn biến phức tạp, bất thường, cực đoan của thời tiết.

Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện tốt các chính sách văn hóa, xã hội; không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, hội nhập của đất nước;..

P.V

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top