Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 8 tháng 2 năm 2020 | 21:48

Thủ tướng: Không vì lý do dịch bệnh mà chúng ta thoái chí, bàn lui

Sáng 8/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác Chính phủ đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên- Huế về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có công tác phòng chống dịch nCoV.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên- Huế. Ảnh: VGP

 

Báo cáo với Thủ tướng về việc phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (nCoV), ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay chưa phát hiện ca nào dương tính với nCoV. Các hoạt động du lịch và hàng không vẫn diễn ra bình thường trong tầm kiểm soát.

Năm 2019, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Thừa Thiên- Huế tăng 7,18% so với cùng kỳ năm 2018, đứng đầu trong 5 tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng thấy sự tiến bộ toàn diện của Thừa Thiên-Huế và cho rằng đây là nền tảng quan trọng để “các đồng chí làm nhanh hơn, mạnh hơn, làm quyết liệt hơn để đưa Thừa Thiên- Huế phát triển trong thời gian tới”.

Thủ tướng đề nghị tỉnh rà soát lại và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp để khắc phục nhanh chóng ảnh hưởng do dịch bệnh nCoV nhằm hoàn thành toàn diện, vượt mức các nhiệm vụ năm 2020. “Không vì lý do dịch bệnh mà chúng ta thoái chí, bàn lui mà càng cần quyết tâm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực hơn nữa, kể cả lĩnh vực dịch vụ du lịch, lĩnh vực rất nhạy cảm, chịu ảnh hưởng dịch bệnh”, Thủ tướng lưu ý.

Ngay trong những ngày đầu năm mới, Thủ tướng mong muốn “phong trào sản xuất kinh doanh, làm việc phải tốt hơn, hăng hái hơn, mạnh mẽ hơn ở các địa phương, các cấp, các ngành”.

 

Thủ tướng đánh giá cao công tác phòng chống dịch nCoV của Thừa Thiên -Huế. Ảnh: VGP

 

Thủ tướng đánh giá cao công tác phòng chống dịch nCoV của Thừa Thiên -Huế với tinh thần phòng là chính. Do đó, tỉnh vẫn giữ được hoạt động bình thường, nhất là khách du lịch các nước không bị lây nhiễm bệnh vẫn tới rất đông. Đây là điều đáng mừng mà các địa phương cần học tập để cả ngành du lịch phát triển bình thường.

Về Đề án thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Thừa Thiên- Huế, Thủ tướng lưu ý một số mục tiêu mà Thừa Thiên -Huế phải quyết tâm đạt được như trở thành trung tâm văn hóa du lịch, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm khoa học- công nghệ, trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của miền Trung và cả nước, là nơi hội tụ tiềm năng thế mạnh đa dạng của vùng. Đến 2045, Thừa Thiên Huế phấn đấu trở thành Thành phố Festival, trung tâm du lịch, văn hóa, y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh có một kế hoạch cụ thể để triển khai đạt hiệu quả Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, đồng thời cho biết Chính phủ và các cơ quan có liên quan sẽ làm hết sức mình tạo mọi điều kiện cho Thừa Thiên- Huế thực hiện Nghị quyết 54.

Thủ tướng nhấn mạnh Thừa Thiên- Huế có nhiều tiềm năng có thể khai thác, đó là một trung tâm trí tuệ, có những di sản hữu hình và vô hình, nơi gắn bó với cuộc đời, sự nghiệp của nhiều bậc vĩ nhân, nhà tư tưởng, thi nhân, những nhân vật tài năng lỗi lạc của Việt Nam. Mỗi cuộc đời của những nhân vật ấy phải là những câu chuyên gắn với địa danh cụ thể, tư liệu, sản phẩm cụ thể để hấp dẫn du khách, “chứ không phải chúng ta chỉ nói về văn hóa, đền đài, miếu mạo, các di sản vật thể khác. Chính di sản phi vật thể là kho tàng có giá trị rất lớn”, Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, việc rà soát, hoàn thiện quy hoạch chiến lược cũng như quản lý sử dụng đất đai hiệu quả, bố trí lại dân cư, sắp xếp hình thành các cụm sản xuất, các ngành nghề để tăng hiệu quả sử dụng hạ tầng và hiệu quả cung cấp các dịch vụ công là rất quan trọng. Thừa Thiên- Huế cũng cần mạnh dạn nghiên cứu, đề xuất thí điểm những cơ chế, mô hình mới. Đội ngũ cán bộ công chức phải chuyên nghiệp hơn, làm nhanh hơn.

 

Ảnh: VGP

 

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã cho ý kiến về các kiến nghị cụ thể của Thừa Thiên -Huế với tinh thần tạo mọi điều kiện cho tỉnh phát triển. Trong đó, vấn đề điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế, tỉnh đề nghị thống nhất chủ trương cho phép được áp dụng Nghị quyết số 653 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019- 2020. Thừa Thiên Huế đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng hỗ trợ tỉnh xây dựng đề án và thẩm định, trình Chính phủ trong quý III/2020. Thủ tướng đồng ý với kiến nghị này.

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top