Chiều nay (25/3), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc theo hình thức truyền hình trực tuyến với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Sóc Trăng, tỉnh miền Tây Nam Bộ đang gặp xâm nhập mặn.
Toàn cảnh cuộc làm việc trực tuyến của Thủ tướng với tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Sóc Trăng có vị trí quan trọng trong vùng duyên hải phía đông ĐBSCL, với 72 km đường bờ biển; 2 con sông chính là sông Hậu và sông Mỹ Thanh có nhiều ưu thế phát triển giao thông đường thủy, vận tải biển và logistics. Năm 2019, tỉnh đạt và vượt cả 20/20 chỉ tiêu kinh tế-xã hội; tăng trưởng kinh tế đạt 7,3% - cao nhất kể từ năm 2015. GRDP bình quân đầu người đạt 46 triệu đồng/năm.
Trong quý I năm 2020, sản xuất công nghiệp và thương mại, dịch vụ đều có bước tăng trưởng khá so với bình quân chung cả nước (giá trị sản xuất công nghiệp tăng 5,1% so cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,21%; xuất khẩu tăng hơn 12%)
Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biển đổi khí hâu, hạn hán và xâm nhập mặn, tỉnh đã chủ động các biện pháp phòng chống nên giảm thiểu tối đa thiệt hại. Trong quý I/2020, tỉnh đã thu hoạch hơn 161.000 ha lúa, tăng gần 25%, nguyên nhân là do chủ động xuống giống sớm, tránh khô hạn và xâm nhập mặn. Năng suất bình quân 6,32 tấn/ha, sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn. Sóc Trăng là 1 trong 5 tỉnh có năng suất lúa cao nhất vùng ĐBSCL, có giống gạo ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới.
Tỉnh cũng tích cực phòng chống dịch COVID-19, đã thành lập 23 đội phản ứng nhanh. Tính đến ngày 23/3, tổng số trường hợp cách ly tập trung là 707 người, đến nay, chưa ghi nhận ca dương tính với COVID-19.
Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Sau khi lắng nghe các ý kiến, kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng đánh giá cao tỉnh Sóc Trăng trong việc thực hiện phòng chống dịch COVID-19 và xâm nhập mặn.
Xác định phòng chống dịch là nhiệm vụ quan trọng, tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo, chuẩn bị tốt phương án cho công tác cách ly tập trung, chưa để xảy ra lây nhiễm trên địa bàn. Phòng chống COVID-19 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hiện nay ở từng địa phương với các biện pháp đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt, Thủ tướng nêu rõ.
Cho biết “đã có cuộc nói chuyện với đồng chí Phan Văn Sáu (Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng) qua điện thoại để nghe tình hình”, Thủ tướng đánh giá cao công tác chỉ đạo xử lý vấn đề xâm nhập mặn của Sóc Trăng, đạt kết quả tốt, như bố trí lại lịch thời vụ, chuyển cơ cấu cây trồng. Do đó, là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn, Sóc Trăng chịu ít thiệt hại hơn. Đây là bài học chung cho các tỉnh ĐBSCL.
Cùng với chống COVID-19, việc chống hạn mặn, bảo đảo cuộc sống người dân, không để thiếu nước sinh hoạt cũng rất quan trọng.
Về các lĩnh vực khác, Thủ tướng biểu dương Sóc Trăng có tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2019, là một trong 5 tỉnh có năng suất lúa cao nhất, đã quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm, có giống gạo ST25 ngon nhất thế giới. Tỉnh có đông đồng bào Khmer nên cũng rất quan tâm đến công tác an sinh xã hội.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, tỉnh còn một số tồn tại, bất cập, nhất là vấn đề giải ngân vốn đầu tư công thấp, trong 2 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư công mới giải ngân được gần 9%. “Chúng tôi muốn các đồng chí phải giải ngân vốn đầu tư công mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, kịp thời hơn. Các nhà nghiên cứu cho rằng lượng vốn lớn này chính là nguồn lực cho tăng trưởng”. Thủ tướng cho biết, sẽ tổ chức một hội nghị toàn quốc để kiểm điểm 4 việc là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết vấn đề an sinh xã hội trong bối cảnh thất nghiệp, mất việc, dừng sản xuất do dịch bệnh và bảo đảm an ninh trật tự.
Dẫn lại nhận định của một số tổ chức quốc tế cho rằng kinh tế thế giới năm nay sẽ sụt giảm, suy thoái nặng nề hay thông tin Mỹ thông qua gói cứu trợ kinh tế 2.000 tỷ USD, Thủ tướng cho biết, nguồn lực của chúng ta còn khó khăn nên phải làm thế nào để giữ được tốc độ tăng trưởng. Muốn vậy, các tỉnh cũng phải “tay nắm tay” để chống sụt giảm, thúc đẩy tăng trưởng. “Các đồng chí phải tìm lợi thế cần thiết, những thế mạnh về nông, lâm, hải sản, dịch vụ”, Thủ tướng nói. Môi trường đầu tư kinh doanh cần cải thiện hơn nữa.
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng lưu ý tỉnh cần dành nguồn lực cho 2 công việc: Chống dịch bệnh và thích ứng biến đổi khí hậu, để làm sao thực hiện mục tiêu kép mà Thủ tướng đã nêu ra. “Phải hiểu đúng và hành động kiên quyết, không được lơ là chủ quan”, nhất là tình hình dịch bệnh rất phức tạp, “nếu không cẩn thận sẽ để lây lan không chỉ cấp số nhân mà cấp lũy thừa”. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu không tập trung đông người, các nhà thờ, chùa không làm lễ đông người. Chống dịch COVID-19 là quan trọng hàng đầu, tiếp theo là giữ gìn phát triển kinh tế-xã hội. Thủ tướng nhắc lại mục tiêu đến năm 2025, Sóc Trăng phải là một tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL.
Bên cạnh đó, tỉnh cần tập trung phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Tập trung khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2021 tăng gấp 3 lần lên khoảng 8.000 doanh nghiệp (hiện nay là 2.829 doanh nghiệp).
Tại cuộc làm việc trực tuyến, Thủ tướng tiếp tục cho ý kiến, giải quyết kiến nghị cụ thể của Sóc Trăng với tinh thần tạo điều kiện cho tỉnh phát triển.
Từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ (tháng 4/2016) đến nay, lãnh đạo Chính phủ đã có 5 buổi làm việc với tỉnh và kết luận chỉ đạo đối với 34 kiến nghị. Đến nay, các bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành đã xem xét, xử lý và có văn bản trả lời địa phương 19 kiến nghị (55,9%), đang thực hiện 15 kiến nghị (44,1%).
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan khẩn trương thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại các thông báo kết luận đã ban hành, sớm có văn bản trả lời địa phương và báo cáo Thủ tướng những trường hợp vượt thẩm quyền.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.