Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 11 tháng 7 năm 2019 | 16:18

Thủ tướng làm việc với Bộ tư lệnh Cảnh sát biển

Sáng nay (11/7), từ Trung tâm chỉ huy Cảnh sát biển đặt tại trụ sở Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã theo dõi, trao đổi trực tuyến qua hệ thống vệ tinh với các tàu cảnh sát biển đang làm nhiệm vụ trên biển.

 

 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và lãnh đạo một số bộ, ngành.

Trung tâm chỉ huy Cảnh sát biển được thành lập năm 2014 với chức năng thu thập, quản lý, chia sẻ dữ liệu, giám sát, theo dõi, đánh giá tình hình, chỉ huy hoạt động và điều hành xử lý các tình huống trên biển, trên không theo nhiệm vụ Cảnh sát biển thông qua các thiết bị công nghệ cao. Từ ngày thành lập đến nay, Trung tâm đã trực tiếp tiếp nhận, tham mưu, đề xuất, báo cáo Sở chỉ huy và thủ trưởng các cấp nhiều thông tin về tình hình tàu nước ngoài, tàu vận tải, tàu thăm dò giàn khoan vi phạm vùng biển Việt Nam, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Hiện nay, Trung tâm đã kết nối trực tiếp với các tàu đang làm nhiệm vụ trực, sẵn sàng chiến đấu, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển đảo của Tổ quốc. 

Trực tiếp nói chuyện, hỏi thăm sức khỏe, đời sống sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ, Thủ tướng đề nghị thuyền trưởng các tàu báo cáo tình hình khu vực biển mà tàu đang làm nhiệm vụ.

 

Thủ tướng nói chuyện trực tiếp với các cán bộ chiến sĩ cảnh sát biển đang làm nhiệm vụ - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Báo cáo cụ thể tình hình, thuyền trưởng các tàu khẳng định các cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, làm tốt công tác phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng, bảo vệ vững chắc biển đảo của Tổ quốc.

Sau khi lắng nghe các tàu báo cáo, Thủ tướng chuyển lời thăm hỏi ân cần của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển đang ngày đêm đối mặt sóng gió, xa xôi, khó khăn để bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Thủ tướng biểu dương các cán bộ, chiến sĩ đã có nhiều cố gắng, cùng với các lực lượng liên quan thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, quân đội giao với tinh thần quyết chiến, quyết thắng.

Thủ tướng đề nghị “các đồng chí an tâm tư tưởng, công tác tốt, kỷ luật tốt, làm hết sức mình hoàn thành nhiệm vụ”; yêu cầu chỉ huy các tàu và lực lượng Cảnh sát biển quan tâm, “chăm lo đời sống cho anh em, nhất là bữa ăn để anh em đủ sức khỏe hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Sau đó, Thủ tướng đã có cuộc làm việc với Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam. Tại buổi làm việc, sau khi xem phim tư liệu về 20 năm xây dựng và trưởng thành của Cảnh sát biển Việt Nam và nghe báo cáo của đồng chí Tư lệnh, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thủ tướng đánh giá cao thành tựu, kết quả của Cảnh sát biển với sự lớn mạnh, trưởng thành vượt bậc, toàn diện.

Với truyền thống: “Kiên quyết dũng cảm, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, giữ nghiêm pháp luật”, lực lượng Cảnh sát biển đã phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng, trực tiếp điều tra, khám phá hàng nghìn chuyên án, vụ án ma túy, buôn lậu, tàng trữ vũ khí, xâm nhập trái phép. Điển hình là vụ bắt giữ trên 8,6 tấn nhựa cần sa, trên 1.500 bánh heroin; hàng trăm kg và hàng trăm nghìn viên ma túy tổng hợp; hàng trăm triệu lít xăng, dầu, hàng triệu tấn than và số lượng lớn các loại hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép; bắt giữ gần 3.500 đối tượng vi phạm pháp luật...

Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát biển đã thực hiện nhiệm vụ cứu hộ hàng trăm tàu cá của ngư dân, tàu hàng của các hãng vận tải trong và ngoài nước gặp nạn trên biển, trong đó, riêng 6 tháng đầu năm 2019, đã thực hiện 19 vụ tìm kiếm cứu nạn, đã cứu được 91 người và 8 tàu. Điển hình, ngày 1/2, Cảnh sát biển đã điều tàu CSB-8005 nhanh chóng đến hiện trường để tổ chức cứu hộ, phòng cháy chữa cháy tàu APL Vancouver quốc tịch Singapore bị cháy khoang hàng trên vùng biển Việt Nam. Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam đã cảm ơn và khen ngợi.

Lực lượng Cảnh sát biển đã triển khai rất hiệu quả các chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”, bảo vệ môi trường; phong trào “Bốn tốt, bốn không, bốn chống”.

Thủ tướng cho rằng, trọng trách của toàn lực lượng là rất nặng nề, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhiệm vụ của Quân đội, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam và của từng đơn vị.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác nắm, đánh giá, dự báo đúng tình hình, nhất là tình hình trên biển để kịp thời tham mưu với Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương về đối sách xử lý các tình huống, không để bị động, bất ngờ, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Thực hiện tốt chức năng là lực lượng chuyên trách của Nhà nước về thực thi pháp luật trên biển.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top