Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 4 tháng 8 năm 2016 | 4:29

Thủ tướng làm việc với VNPT về tái cơ cấu tập đoàn

Sáng 4/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm và làm việc với lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), tập trung đánh giá việc thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Tập đoàn VNPT đã quyết tâm tái cơ cấu. “Làm cái gì mà không quyết tâm thì khó thành công, nhất là các việc khó”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, ngoài ý chí, quyết tâm thì VNPT coi trọng áp dụng khoa học công nghệ trong quá trình tái cơ cấu, nhờ đó giá trị gia tăng cao hơn, năng suất lao động tăng. Cho rằng việc cải thiện thu nhập cho người lao động là một mục tiêu quan trọng trong công tác tái cơ cấu, Thủ tướng đánh giá cao lãnh đạo Tập đoàn đã đoàn kết nội bộ, đặt lợi ích của Nhà nước, Tập đoàn, người lao động lên trên bởi kinh nghiệm một số nơi thực hiện tái cơ cấu đã xảy ra va chạm, mâu thuẫn nội bộ, nhất là trong bộ máy lãnh đạo doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng bày tỏ ấn tượng về công tác quản lý đầu tư, tài chính, công khai minh bạch, chống xin – cho, ban phát, chống lợi ích nhóm; quan tâm trọng dụng cán bộ trẻ, có năng lực, phẩm chất tốt, “tìm người tài chứ không tìm người nhà”, tránh được một “căn bệnh” mà tập đoàn nhà nước hay mắc phải.

Bên cạnh đó, VNPT đã tái cơ cấu hoạt động theo đúng mô hình chuỗi giá trị doanh nghiệp viễn thông – công nghệ thông tin hiện đại, giảm đầu mối.  “Điều quan trọng là không những vốn nhà nước bảo toàn mà còn có bước phát triển. Chứ tái cơ cấu mà làm mất vốn nhà nước thì không ổn”, Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra các mặt tồn tại, bất cập của VNPT như chưa hoàn thành một cách cơ bản, toàn diện tái cơ cấu theo Quyết định 888/QĐ-TTg năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Quá trình tổ chức sắp xếp còn một số vấn đề, nhất là với khối trường học, bệnh viện thuộc Tập đoàn. Số lượng thuê bao di động không thấp nhưng doanh thu chưa cao.

Nhấn mạnh tinh thần viễn thông tiếp tục là ngành mũi nhọn, thúc đẩy liên kết trong chuỗi giá trị gia tăng, tạo điều kiện, động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực khác cũng như toàn bộ nền kinh tế, Thủ tướng đề nghị VNPT có các giải pháp cụ thể để lợi nhuận cao hơn, thực hiện tốt hơn một số nhiệm vụ mà Chính phủ giao.

“Các đồng chí làm kinh doanh thì không thể giao nhiệm vụ chính trị mà không tính hạch toán. Không thể để nhập nhằng giữa nhiệm vụ chính trị, phúc lợi xã hội với kinh doanh”, Thủ tướng nêu rõ.

VNPT cần tối đa hóa giá trị, mang lại lợi nhuận cao nhất cho nhà nước. Đây là tiêu chí để đánh giá hiệu quả hoạt động, điều hành của Tập đoàn. Phải phấn đấu đưa VNPT vươn lên vị trí hàng đầu trong thị trường viễn thông Việt Nam; phát triển mạng viễn thông di động, thương hiệu Vinaphone đạt tầm cỡ khu vực và quốc tế. Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ và sản phẩm công nghệ thông tin, tham gia tích cực vào chương trình xây dựng Chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ chủ trì.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, mở rộng đường truyền dữ liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đến cấp xã, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Xây dựng các trang web cho các xã khó khăn theo hướng phong phú, đa dạng nội dung, từ đó, các doanh nghiệp có thể biết được thông tin và hỗ trợ cho các xã khó khăn đó.

Thủ tướng yêu cầu VNPT tiếp tục hoàn thành việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Xây dựng, trình Thủ tướng phê duyệt chiến lược, kế hoạch, nhất là kế hoạch đầu tư của Tập đoàn trong giai đoạn tới theo hướng đầu tư có trọng điểm, vào lĩnh vực có hiệu quả. Xây dựng phương án cổ phần hóa mạnh mẽ hơn để thu hút nguồn lực, đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tiếp tục là đơn vị chủ lực của ngành viễn thông - công nghệ thông tin. Thủ tướng cũng mong muốn VNPT có các sản phẩm công nghiệp viễn thông mang thương hiệu Việt Nam.

Lưu ý VNPT đổi mới mô hình của từng doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng mô hình hiện nay gặp trở ngại gì thì phải sửa với tinh thần bộ máy VNPT tinh gọn, hiệu quả hơn, năng động, nhạy bén.

Về đề xuất của VNPT cho phép sở hữu 20% vốn điều lệ của Mobifone và sử dụng một phần số tiền thu được từ việc bán cổ phần của Mobifone khi thực hiện cổ phần hóa để hỗ trợ về nguồn vốn cho VNPT trong quá trình tái cơ cấu, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) xây dựng, đề xuất phương án cổ phần hóa MobiFone theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ấn nút khai trương dịch vụ di động vệ tinh VinaPhone-S, phủ sóng toàn bộ lãnh thổ, vùng biển của Việt Nam.

VinaPhone-S là dịch vụ di động vệ tinh của VinaPhone với vùng phủ rộng lên đến 2/3 thế giới và  phủ sóng 100% toàn bộ vùng trời, vùng biển, biên giới hải đảo của Việt Nam. Dịch vụ này bảo đảm thông tin liên lạc tại bất cứ nơi đâu, không giới hạn không gian và khoảng cách, không bị phụ thuộc vào các điều kiện cơ sở hạ tầng, thời tiết, địa lý. Dịch vụ này cũng giúp giảm chi phí liên lạc xuyên quốc gia xuống chỉ còn 1/2 so với dịch vụ điện thoại vệ tinh hiện nay.

Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng cho biết, Tập đoàn tiến hành đã triển khai tái cơ cấu qua 3 giai đoạn, theo đó, cơ bản hoàn thành công tác tái cấu trúc toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định.

Bộ máy quản lý của Công ty mẹ đã được tổ chức lại từ 15 đầu mối với hơn 500 lao động giảm còn 11 đầu mối với 300 lao động. Bộ máy tổ chức được sắp xếp tinh gọn hơn. “Cơ bản khắc phục tình trạng ngồi nhầm chỗ, hưởng nhầm lương”, ông Trần Mạnh Hùng nói.

VNPT đã thực hiện thoái vốn toàn bộ được 15 danh mục; giá trị vốn đầu tư trên sổ sách đã thoái xấp xỉ 31% tổng giá trị vốn đầu tư trên sổ sách phải thoái vốn (602 tỷ đồng/2.002 tỷ đồng). Tổng giá trị thu về hơn 1.000 tỷ đồng. 

Theo ông Trần Mạnh Hùng, nhờ tái cơ cấu, hoạt động sản xuất kinh doanh của VNPT chuyển biến rõ rệt. Trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng doanh thu đạt 61.347 tỷ đồng, bằng 47% kế hoạch. Tổng lợi nhuận thực hiện đạt 2.196 tỷ đồng, tăng 23,5% so cùng kỳ năm 2015. Thuê di động phát triển mới đạt hơn 6,4 triệu thuê bao, tăng 47,5% so cùng kỳ. Tổng số thuê bao Internet đạt  250.000 thuê bao, tăng 61,2% so cùng kỳ năm 2015.

5 năm tới, VNPT đặt mục tiêu tổng lợi nhuận đạt 24.174 tỷ đồng, tăng 2 lần so với giai đoạn 2011-2015, ông Trần Mạnh Hùng khẳng định. Tổng nộp ngân sách của VNPT dự kiến đạt 21.120 tỷ đồng.

PV.

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top