Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 29 tháng 3 năm 2017 | 9:32

Thủ tướng: Lấy kinh tế tư nhân làm động lực phát triển ngành dược liệu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, động lực của phát triển dược liệu là từ nhu cầu của thị trường và lấy kinh tế tư nhân làm động lực phát triển.

Chiều 29/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng một số lãnh đạo các bộ làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Hiệp hội Dược liệu Việt Nam.

Buổi làm việc nhằm chuẩn bị cho Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển cây dược liệu sắp tới và lần đầu tiên Thủ tướng chủ trì hội nghị này.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội Dược liệu Việt Nam Tạ Ngọc Dũng cho biết, do không đáp ứng được nhu cầu trong nước nên 80% dược liệu sử dụng hiện nay là nhập khẩu.

thu tuong lam viec voi hiep hoi duoc lieu viet nam hinh 1
Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc.

Sản xuất dược liệu trong nước còn thiếu quy hoạch, không đạt tiêu chuẩn Hệ quản lý chất lượng GACP của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Hiện nước ta chỉ có 18 trong số 300 cây dược liệu được cấp chứng chỉ GACP.

Công tác quản lý về chất lượng dược liệu còn bất cập, đe dọa an toàn đối với người sử dụng. Nhất là có sự lẫn lộn về dược liệu đảm bảo chất lượng và không đảm bảo chất lượng; không truy xét được nguồn gốc xuất xứ; thiếu hệ thống dữ liệu về dược liệu cấp toàn quốc; thiếu kinh nghiệm điều hành, quản lý sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng dược liệu trong nước và xuất khẩu.

Hiệp hội Dược liệu Việt Nam đánh giá, tiềm năng cây dược liệu Việt Nam rất lớn, nhiều cây dược liệu quý, như sâm Ngọc Linh của nước ta được đánh giá có chất lượng cao hơn sâm của Hàn Quốc. Nhưng để khai thác được tiềm năng đó, thì phải giải bài toán về vấn đề chất lượng dược liệu và đầu ra cho sản phẩm dược liệu.

Chính do sản xuất manh mún, thiếu quy hoạch đã khiến đầu ra chất lượng thấp và ngay doanh nghiệp sản xuất trong nước không mua sản phẩm dược liệu của nông dân.

Để khuyến khích sản xuất dược liệu, hiệp hội cũng cho rằng các bác sỹ cũng cần kê đơn thuốc được sản xuất từ dược liệu trong nước, nếu có chất lượng tốt và tác dụng chữa bệnh thay vì chỉ kê thuốc tây.

Theo Bộ Y tế, sản phẩm đầu ra của dược liệu nước ta chủ yếu là sử dụng sản xuất thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm, thực phẩm, thuốc y dược cổ truyền nhưng không phải dễ tiêu thụ.

Do sản xuất còn mạnh mún, nên chất lượng sản phẩm đầu ra có giá thành cao, khiến phải nhập khẩu từ 70-80% nhưng chất lượng lại không đảm bảo.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng cho biết, hội nghị toàn quốc về dược liệu sắp tới là rất quan trọng, đưa ra những định hướng, giải pháp phát triển cây dược liệu, một thế mạnh của đất nước.

Thủ tướng nêu rõ về tiềm năng to lớn và điều kiện thuận lợi để phát triển cây dược liệu ở Việt Nam, một nước nhiệt đới, nhiều núi rừng.

Đặt vấn đề loại cây trồng, vật nuôi nào nước ta có lợi thế so sánh, có thể mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân thì phải làm cho tốt để mang lại lợi ích cho người dân, Thủ tướng cho rằng, trong số đó có cây dược liệu. Tuy vậy, trong phát triển cây dược liệu ở nước ta vẫn còn những khó khăn.

Trong đó, Thủ tướng chỉ ra quy hoạch sản xuất dược liệu chưa chỉ ra được trồng loại cây gì và ở đâu, nhất là với các cây dược liệu phong phú ở miền Bắc và miền Trung.

Việc cần làm là tìm biện pháp tổ chức sản xuất gắn với chế biến, thay vì chỉ chế biến thô có hiệu quả thấp, tổ chức đầu ra, tiêu thụ sản phẩm dược liệu, bao gồm cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

thu tuong lam viec voi hiep hoi duoc lieu viet nam hinh 2
Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm cùng với lãnh đạo Hiệp hội Dược liệu Việt Nam.

Thủ tướng cũng thống nhất quan điểm động lực của phát triển dược liệu là từ nhu cầu của thị trường và lấy kinh tế tư nhân, bao gồm doanh nghiệp tư nhân, hộ cá thể làm động lực phát triển.

Bên cạnh đó, cần tổ chức một số trung tâm sản xuất, chế biến dược liệu ở một số vùng, miền để sản xuất có quy mô lớn.

Nhấn mạnh việc phải coi trọng chất lượng, thương hiệu dược liệu Việt Nam, Thủ tướng cho rằng cần quản lý tốt hơn sản xuất dược liệu; ngăn chặn có hiệu quả nạn nhập lậu, buôn lậu hàng dược liệu rởm vào trong nước, phá hoại thị trường trong nước; có biện pháp tăng cường quản lý chất lượng dược liệu phù hợp với bộ tiêu chuẩn dược liệu và các biện pháp quan trọng khác, trong đó có biện pháp gắn với chuỗi giá trị sản xuất tiêu thụ dược liệu. 

Thủ tướng cũng cho rằng cần gắn sản xuất dược liệu với y học cổ truyền, những bài thuốc của các thầy thuốc Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn giữa y học hiện đại và y học cổ truyền. Sự kết hợp này phải từ trường học, các ngành, các cấp và đặc biệt trong ngành y tế. 

Thực tế thời gian qua có một số cây dược liệu quý bị biến mất do không biết giữ gìn nguồn gen, Thủ tướng cho rằng biện pháp quan trọng nữa là bảo vệ nguồn gen dược liệu quý và rất quý ở nước ta. 

Đối với vấn đề thể chế chính sách phát triển cây dược liệu, Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì cùng các bộ nghiên cứu đưa ra dự thảo các thể chế, chính sách, định hướng phát triển cây dược liệu để trình bày tại Hội nghị sắp tới.

Bộ Y tế cũng cần lắng nghe ý kiến của Hiệp hội Dược liệu Việt Nam để nắm được thực trạng phát triển ngành dược liệu Việt Nam cùng những vấn đề đặt ra.

Tại buổi làm việc này, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành chuẩn bị công tác tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng chủ trì hội nghị này.

Dù không phải là hội nghị lớn, nhưng Thủ tướng cho rằng, đây là hội nghị có ý nghĩa lớn đối với người dân và thế mạnh phát triển cây dược liệu. Ngoài việc chuẩn bị báo cáo về thực trạng phát triển cây dược liệu ở Việt Nam hiện nay, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để có những tham luận thiết thực, có giá trị.

Nhấn mạnh việc cần thấm sâu các chủ trương đã có của Đảng, Thủ tướng cho rằng bước đi tiếp theo là bàn biện pháp để cây dược liệu trở thành sản phẩm hàng hóa quý của đất nước, vừa góp phần chưa bệnh cho người dân, vừa sản xuất hàng hóa, vừa nâng cao đời sống của người dân.

Nếu cây lúa năng suất thấp trong khi trồng cây dược liệu có hiệu quả cao hơn mà không ảnh hưởng đến an ninh lương thực thì Chính phủ đồng ý chuyển đổi sang trồng một số cây dược liệu, hoặc có thể tính đến biện pháp phát triển trồng rừng gắn với trồng cây dược liệu./.

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top