Sáng 1/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp về báo cáo điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong quá trình lập đồ án, UBND Thành phố đã tổ chức 3 hội thảo quốc tế, lấy ý kiến cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, các sở, ban, ngành, các cơ quan Trung ương.
Một số nội dung cơ bản của điều chỉnh quy hoạch chung đưa ra định hướng đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành một phần của mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu; là một cổng vào của Hành lang kinh tế Đông Tây; điểm đến phong cách sống toàn cầu; trung tâm du lịch dịch vụ và trung tâm kinh tế biển của Việt Nam và khu vực.
Đà Nẵng hướng tới là đô thị loại đặc biệt trong tầm nhìn dài hạn là thành phố quốc tế. Dự báo dân số đến năm 2030 khoảng 1,79 triệu người, diện tích xây dựng đô thị khoảng 31.836 ha, chiếm hơn 32% diện tích đất trên đất liền.
Cấu trúc cảnh quan bao gồm 3 vùng đô thị đặc trưng, gồm vùng ven mặt nước, vùng lõi xanh, vùng sườn đồi và 1 vùng sinh thái.
Chuyển đổi mô hình phát triển dàn trải, sử dụng đất đơn năng (làng đại học, khu công nghiệp…), phát triển đơn cực (chủ yếu là Hải Châu – Thanh Khê) thành đô thị nén, sử dụng đất đa năng (các khu đô thị: đại học, công nghệ cao, sân bay, cảng biển…), sử dụng đất hỗn hợp, đất đơn vị kết hợp với thương mại dịch vụ, phát triển đa cực, đa trung tâm.
Trong báo cáo thẩm định, Bộ Xây dựng cho rằng, đồ án quy hoạch đã làm rõ những vấn đề đạt được, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân để xác định quan điểm, nguyên tắc, yêu cầu cần lưu ý, khắc phục trong quá trình nghiên cứu và đề xuất những giải pháp điều chỉnh quy hoạch phù hợp hài hòa giữa định hướng phát triền lâu dài với điều kiện thực tiễn.
Đã xác định rõ vị trí, vai trò của Đà Nẵng là đô thị hạt nhân của chuỗi đô thị Huế - Đà Nẵng - Chu Lai Kỳ Hà - Dung Quất (Vạn Tường) - Quy Nhơn; hình thành vùng đô thị Đà Nẵng, bao gồm Chân Mây (Lăng Cô) - Đà Nẵng - Điện Bàn- Hội An - Nam Hội An.
Mô hình phát triển đô thị đa cực với một số khu vực nén tại khu vực trung tâm và đầu mối giao thông, khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng; dành không gian xanh, bảo tồn rừng sinh thái tự nhiên.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao TP. Đà Nẵng trong quá trình lập quy hoạch đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan tư vấn, “tôn trọng ý kiến người dân thành phố mà đại diện là HĐND cũng như các tổ chức kinh tế, xã hội chuyên ngành với thái độ nghiêm túc”.
“Chúng ta hoan nghênh ý kiến của các tổ chức có liên quan ở TP. Đà Nẵng, đặc biệt là ý kiến của kiến trúc sư Hồ Duy Niệm, một nhà quy hoạch lâu năm của thành phố”, Thủ tướng nói, đồng thời giao Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng trả lời về những vấn đề mà ông Hồ Duy Niệm nêu ra để nhân dân yên tâm về những định hướng chiến lược trong quy hoạch.
Cho rằng đồ án quy hoạch bảo đảm tính kế thừa, tính định hướng, Thủ tướng nói rõ thêm, “bây giờ chúng ta là đô thị loại I, nhưng tương lai không xa thì Đà Nẵng sẽ là thành phố loại đặc biệt của Việt Nam. Thành ủy, UBND, HĐND Thành phố, người dân Thành phố phấn đấu theo hướng đó để đưa Thành phố lên tầm cao mới, cả chất lượng, quy mô phát triển”.
Quy hoạch cũng xác định Đà Nẵng là thành phố du lịch dịch vụ mũi nhọn, trung tâm của kinh tế biển Việt Nam, cổng vào của Hành lang kinh tế Đông Tây. Đây là thành phố đáng sống, thành phố an toàn. Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, cần làm rõ khái niệm này, “đáng sống là như thế nào”.
Theo Thủ tướng, quy hoạch đã xác định được mô hình phát triển đa cực, đặc trưng, có 3 vùng, có lõi xanh, đã chú ý điều chỉnh quy hoạch năm 2013 một cách bài bản, cơ bản khắc phục các bất cập của quy hoạch hiện nay, đặc biệt chú trọng phát triển xanh, bảo vệ môi trường sống cho người dân.
Lưu ý vấn đề nước thải đối với Đà Nẵng, Thủ tướng cho rằng, đây là vấn đề quan trọng đối với thành phố sở hữu một trong những bãi biển đẹp nhất khu vực. Đà Nẵng cũng cần có biện pháp xử lý vấn đề biến đổi khí hậu, làm rõ vị thế quốc phòng, an ninh, “những điểm cao của thành phố phát triển đến đâu, như thế nào”.
Thủ tướng cũng đề nghị làm rõ hơn Đà Nẵng đi lên bằng cách nào trong phát triển, không chỉ có du lịch. Thời gian qua, đây là một trong những địa phương tăng trưởng âm do chủ yếu tập trung vào du lịch, dịch vụ.
Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương chống lợi ích nhóm trong thực hiện, điều chỉnh quy hoạch, nhất là quy hoạch chi tiết. Phải chống tham nhũng, tiêu cực trong giải quyết điều chỉnh quy hoạch và thực hiện quy hoạch chi tiết. Chính phủ, chính quyền các địa phương hướng về người dân, phục vụ sự phát triển của đất nước, của địa phương, tạo thuận lợi cho môi trường sống của người dân. Phải có cơ chế giám sát thực hiện quy hoạch, nhất là quy hoạch chi tiết và điều chỉnh quy hoạch, các phân khu chức năng. “Ở đây có biển, có sông, có núi, có những vị trí nhạy cảm có thể thu nhiều lợi nhuận mà trong quá trình chỉ đạo thực hiện quy hoạch cần chú ý”. Thành ủy, HĐND, UBND TP. Đà Nẵng cần chỉ đạo, giám sát, có quy chế quản lý công khai, minh bạch vấn đề này. Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì cùng các cơ quan định kỳ giám sát việc thực hiện quy hoạch.
Các bộ, ngành tạo mọi điều kiện để thực hiện các quy hoạch hạ tầng cứng phát triển TP. Đà Nẵng.
Lập quy hoạch và hiện thực hóa quy hoạch phải đi liền với nhau, chứ không chỉ quy hoạch trên giấy tờ, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu Thành phố hoàn thiện nội dung, hồ sơ đồ án theo ý kiến của các bộ, ngành, trình Thủ tướng ký, ban hành.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.