Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 12 tháng 4 năm 2017 | 4:3

Thủ tướng mong muốn phát triển ngành công nghiệp dược liệu Việt Nam

Hoan nghênh các ý kiến bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng cho rằng, từ đó có thể hình thành các chủ trương, biện pháp lớn để phát triển dược liệu ở nước ta, một ngành có tiềm năng to lớn.

“Có thể nói kho tàng dược liệu Việt Nam là vô giá và tất cả 63 tỉnh, thành đều có thể phát triển được dược liệu. Dược liệu không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu nếu biết tổ chức và quản lý tốt”, Thủ tướng nói. Không chỉ ở vùng núi mà cả vùng đồng bằng, các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM…, mặc dù không phải là nơi sản xuất nhiều mà là trung tâm bào chế, sản xuất thành phẩm có giá trị của cây dược liệu ở khâu cuối cùng. Chúng ta hình thành nên một ngành công nghiệp dược phẩm từ dược liệu mà trước hết ở các thành phố lớn có số lượng người tiêu dùng đông.

Qua các ý kiến thảo luận, Thủ tướng nhìn nhận, chúng ta có thị trường to lớn. Theo WHO, trên 80% dân số thế giới sử dụng y học cổ truyền, đặc biệt là sử dụng các sản phẩm từ dược liệu, kể cả các nước phát triển với dân số rất lớn. Ở Việt Nam, theo trình bày của Bộ trưởng Y tế, thuốc từ cây dược liệu trong nước chiếm ít nhất 30%. Đây là mức phấn đấu cao, đồng thời là cơ hội lớn để dược liệu Việt Nam có điều kiện phát triển.

“Đảng, Nhà nước đã quan tâm tạo khuôn khổ pháp luật nhưng do các điều kiện khác nhau, Hội nghị này nhận định, quy mô, cách làm và cách phát triển cây dược liệu ở Việt Nam còn nhỏ bé, chưa có hiệu quả cao hay nói cách khác, còn rất nhiều lãng phí, đặc biệt có một số cây dược liệu có quy mô không tồn tại ở Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh. Vì vậy, tại Hội nghị, các ý kiến đều cho rằng cần có khuôn khổ chính sách pháp luật rõ hơn, thậm chí phải sửa luật pháp, chính sách để dược liệu Việt Nam có điều kiện phát triển. Đặc biệt, chúng ta đã cố gắng nhưng mới có 400 xí nghiệp sản xuất từ dược liệu với quy mô khác nhau, chưa tạo được chỗ đứng cần thiết trong sản xuất, xuất khẩu một số sản phẩm từ cây thuốc quý của Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ biểu dương, đánh giá cao một số địa phương đã quan tâm và có thành công đối với một số cây dược liệu có tính chất hàng hóa lớn như nghệ, táo mèo, thảo quả, artichoke, quế, hoa hòe, cúc hoa… Bước đầu có một số sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh.

Thủ tướng tham quan một số gian hàng trưng bày sản phẩm dược liệu Việt Nam.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng cho rằng đây mới chỉ là thành công bước đầu, nhưng đã mang lại một số kết quả đáng mừng. Thuốc từ dược liệu tăng 10% mỗi năm, trong đó ở Việt Nam có 59 tỉnh, thành phố có bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện cấp huyện có khoa y học cổ truyền, nhiều trạm xá có vườn thuốc. Từ đó, Thủ tướng khẳng định, không có doanh nghiệp chế biến, hợp tác xã chế biến thì sản xuất dược liệu Việt Nam không thành công.

Các ý kiến cũng nêu nhiều bất cập, tồn tại. Ngoài cơ chế chính sách thì một số địa phương chưa quan tâm, chưa đặt vấn đề đúng mức. Một số bộ, ngành chưa quan tâm chỉ đạo để phát triển thế mạnh này của đất nước, chưa coi trọng y học cổ truyền, chưa biết kết hợp tốt y học cổ truyền và y học hiện đại. Đặc biệt, có một tồn tại mà các ý kiến nêu ra là quảng bá thương hiệu dược liệu Việt Nam ra nước ngoài còn rất nhiều yếu kém so với các nước lân cận.

Tại Hội nghị, Thủ tướng khẳng định một số quan điểm, định hướng. Đó là Nhà nước quan tâm cây dược liệu nhưng không đồng nghĩa với việc bao cấp trong nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ dược liệu.

Không đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ thì đầu ra của dược liệu sẽ bế tắc. Không đầu tư khoa học công nghệ, không sản xuất theo chuỗi giá trị với công nghệ tốt thì không thành công. Đây là điều rút ra từ Hội nghị này.

Vì vậy, phải bào chế dược liệu, còn nếu làm thô thì không có hiệu quả, sẽ thất bại. Cho nên, việc phát triển các doanh nghiệp hay công nghiệp dược ở Việt Nam để chế biến tiết kiệm hiệu quả, bao bì đẹp, quảng bá mạnh mẽ là cách làm cần phải đặt ra. “Tôi nghe đồng chí Vũ Đức Đam nói là riêng cây sâm Hàn Quốc người ta đã dành 60% thời gian ban đầu để quảng bá. Còn từ cây sâm Hàn Quốc, người ta sản xuất ra mấy trăm loại sản phẩm khác nhau”, Thủ tướng nói.

Vì vậy, quan điểm định hướng phát triển dược liệu là phải nhìn nhận lại vai trò của dược liệu trong phạm vi quốc gia, từng địa phương cũng như các ngành, đặc biệt là ngành y tế để chú trọng, tập trung phát triển. Phát triển dược liệu phải gắn với nhu cầu thị trường, trước hết là đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Phải tổ chức lại ngành dược liệu trong tất cả các khâu, trong đó chú ý khâu sản xuất, chế biến, sử dụng, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại. Phát triển dược liệu trong nước phải là một chiến lược của ngành y tế.

 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trên những quan điểm, định hướng như vậy, Thủ tướng nêu các giải pháp cụ thể thời gian tới. Đó là phải có một số chính sách đặc thù để phát triển ngành dược, cây dược liệu, công nghiệp dược liệu Việt Nam. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số bộ liên quan để có cơ chế này.

Cùng với các thành phố lớn, các địa phương cần thu hút, đưa nhà máy chế biến vào những vùng sản xuất dược liệu có quy mô lớn, có thị trường. Nghiên cứu hình thành các trung tâm dược liệu ở miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN, các bộ liên quan xây dựng Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm về dược liệu, trong đó chú trọng việc bảo tồn nguồn gene và phát triển dược liệu quý, hiếm, đặc hữu. Có chính sách hỗ trợ phát hiện, đăng ký, công nhận sở hữu trí tuệ và thương mại hóa các bài thuốc cổ truyền.

Tiếp tục triển khai chương trình phát triển y dược cổ truyền kết hợp với y dược hiện đại mà Bộ trưởng Y tế nêu.

Bộ Y tế lựa chọn một số sản phẩm từ dược liệu đặc hữu, quý, hiếm (bao gồm cả thuốc cổ truyền) có giá trị kinh tế cao để đầu tư phát triển, coi là sản phẩm quốc gia hoặc được áp dụng các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi như đối với sản phẩm quốc gia. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN lựa chọn sản phẩm loại này.

Bộ Y tế chủ trì, nghiên cứu, đề xuất chính sách tăng cường liên kết 5 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý và nhà băng); liên kết giữa các địa phương, các vùng.

Về nuôi trồng, khai thác, chế biến, sử dụng dược liệu, Thủ tướng nhấn mạnh, phải đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và Hội Dược liệu Việt Nam chọn 100 cây dược liệu quý trong số 5.000 loại dược liệu mà Việt Nam có để trồng, chế biến.

Đi liền với đó, thúc đẩy vùng chuyên canh quy mô lớn để áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, công nghệ cao vào nuôi trồng. Nơi nào cũng có nhưng sản lượng ít thì khó thành công.

Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong việc công nhận giống cây dược liệu, bảo đảm chất lượng giống; khẩn trương ban hành các quy trình chuẩn trong nuôi trồng dược liệu.

Trong chế biến, hỗ trợ, tạo điều kiện tiếp cận tín dụng ưu đãi, vay từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia để đổi mới công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch.

Khuyến khích nghiên cứu khoa học về chế biến dược liệu, trước hết là đối với một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao, chế biến dược liệu quy mô công nghiệp.

Về sử dụng dược liệu, Thủ tướng đặt vấn đề, ẩm thực Việt Nam phổ cập bằng cây dược liệu Việt Nam là một yêu cầu đối với ngành y tế. Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế đối với việc sử dụng dược liệu và thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu. Có cơ chế đặc thù thanh toán cho thuốc nam, dược liệu tươi dùng trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Khuyến khích việc khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Đơn giản hóa thủ tục thanh toán, thuận lợi cho người bệnh sử dụng kết hợp thuốc đông y và thuốc tây y tại các tuyến.

Có chính sách đặc thù trong đấu thầu mua dược liệu, thuốc cổ truyền sản xuất từ dược liệu trong nước theo tiêu chuẩn quy định, đặc biệt sử dụng dược liệu hữu cơ.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm chỉ đạo, điều hành, giao nhiệm vụ và trách nhiệm, bố trí nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về dược liệu. Các địa phương trọng điểm phải có nhân lực chuyên trách quản lý về dược liệu. Bộ Y tế chủ trì, làm việc với Bộ Nội vụ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Y tế chủ trì khẩn trương hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn dược liệu làm công cụ quản lý.

Bộ Công Thương, Bộ Công an, Tổng cục Hải quan, Bộ đội biên phòng, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đặc biệt là các địa phương như Hà Nội, TPHCM, các tỉnh biên giới tăng cường thực hiện quản lý, giám sát chặt chẽ việc xuất, nhập khẩu, phân phối, lưu thông dược liệu, ngăn chặn nạn buôn bán dược liệu trái phép và gian lận thương mại trong kinh doanh dược liệu.

Bộ Y tế phối hợp với các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền về việc sử dụng dược liệu, y dược cổ truyền trong phòng bệnh, chữa bệnh.

Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động người dân khai thác hợp lý đi đôi với bảo tồn nguồn tài nguyên dược liệu.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm của các nước. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo khởi nghiệp trong lĩnh vực dược liệu.

Các địa phương, đặc biệt là các tỉnh trọng điểm, cần xây dựng quy hoạch, kế hoạch để triển khai kịp thời các đề án, dự án trong quy hoạch; bố trí diện tích phù hợp để nuôi trồng, đặc biệt chú trọng đến các loại dược liệu thế mạnh của địa phương. Tạo mọi điều kiện thuận lợi, trước mắt là về thủ tục hành chính và có chính sách hỗ trợ cần thiết đối với các dự án phát triển nuôi trồng dược liệu.

Thủ tướng tin tưởng, sau Hội nghị này, với các chính sách và giải pháp phù hợp, ngành dược liệu Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ. Nhiều vùng dược liệu có chất lượng cao sẽ sớm được triển khai thành công, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội.

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top