Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 5 tháng 9 năm 2021 | 20:15

Thủ tướng: Một số địa phương chưa cân nhắc kỹ lưỡng khi ban hành quy định chống dịch

Thủ tướng cho biết, vẫn còn một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ… khi ban hành các quy định phòng, chống dịch theo thẩm quyền, nhất là vấn đề giao thông, lưu thông hàng hóa, chưa cân nhắc kỹ lưỡng.

Chiều 5/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cuộc họp được kết nối tới hơn 9.000 điểm cầu tại các xã, phường, thị trấn; quận, huyện, thị xã; tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Dự cuộc họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia và các thành viên Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 dự tại đầu cầu TP. Hồ Chí Minh.

 

thu_tuong_1_0.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo với các địa phương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, theo chỉ đạo của Lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, ngày 25/8/2021, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 được kiện toàn, nhằm huy động sự tham gia của đầy đủ, đồng bộ cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch. Thay mặt Ban Chỉ đạo mới kiện toàn, Thủ tướng Chính phủ biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, kết quả mà Ban Chỉ đạo trước đây đã đạt được.

Thủ tướng cho biết, ngoài 63 tỉnh, thành, cuộc họp được truyền đến 705 quận huyện thị xã, 9.043 xã phường trên cả nước. Mấy ngày qua, được sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, các tập đoàn viễn thông Viettel, VNPT, đã thiết lập chỉ huy từ phòng làm việc của Thủ tướng đến tận xã, phường. Thiết lập hệ thống kiểm tra, giám sát, đôn đốc xã, phường, thị trấn. Thủ tướng nhấn mạnh, việc thiết lập chỉ huy như vậy không có nghĩa là Thủ tướng hay Ban chỉ đạo làm thay, không có chuyện tỉnh làm thay huyện, huyện làm thay xã. Nhiệm vụ của ai người ấy phải làm, cấp trên kiểm tra, đôn đốc cấp dưới. Cấp dưới thực hiện quy trình báo cáo, đề xuất các vấn đề thấy cần thiết, đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Thủ tướng nhấn mạnh, cuộc họp hôm nay lấy trọng tâm bàn việc phòng, chống dịch tại xã phường, thị trấn và đề cập sâu đến việc khi thực hiện giãn cách xã hội thì xã, phường, thị trấn phải làm gì, người dân phải làm gì.

Thủ tướng chỉ rõ, vừa qua, chúng ta chuyển hướng lấy trọng tâm là xã phường, lấy xã phường làm pháo đài, người dân là chiến sĩ, vì dân sống ở xã, phường; xã phường hiểu dân nhất, gần dân nhất, xã phường đến với dân nhanh nhất. Xã phường trực tiếp với dân, người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch. Khi chúng ta đang thực hiện giãn cách thì nhiệm vụ chống dịch là đầu tiên. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ 27/4/2021 đến ngày 4/9/2021, ghi nhận khoảng 508.318 ca mắc, 279.699 người đã khỏi bệnh (55%) và 12.758 ca tử vong; Cả nước đã tiêm vaccine được hơn 21.500.000 liều, đạt gần 30% số người từ 18 tuổi trở lên.

Việc tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, nhất là ở cơ sở tại một số địa phương. Một số xã, phường, thị trấn có nơi, có lúc còn chưa thực hiện nghiêm, chưa quyết liệt, đồng bộ, triệt để trong triển khai các quy định về phòng, chống dịch, nhất là những nơi giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội; các cấp trên trực tiếp chưa đặt ra mục tiêu cụ thể cần đạt được, đặc biệt là trong thời gian giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội; còn có tình trạng lúng túng trong phân công nhiệm vụ, phối hợp tổ chức thực hiện.

Đại đa số người dân đã chấp hành các quy định về phòng, chống dịch tuy nhiên vẫn còn một số người dân chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với diễn biến dịch bệnh và chưa ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh để tham gia phòng, chống dịch tích cực, hiệu quả.

Về công tác chỉ huy tại tuyến xã phường, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, công tác chỉ huy, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch tại một số xã, phường còn hạn chế, bất cập, hiệu quả chưa cao; có địa bàn chưa làm tốt, chưa nắm vững quan điểm chỉ đạo và cách làm trong việc lấy xã, phường, thị trấn là pháo đài, người dân là chiến sỹ; chưa bám sát tình hình, chưa nắm chắc các biện pháp phòng, chống dịch và chưa xác định được nhiệm vụ của xã, phường, thị trấn (pháo đài) phải làm gì? người dân (chiến sỹ) phải làm gì?; nhiều nơi chưa kiện toàn Ban chỉ đạo, Trung tâm/Sở chỉ huy phòng, chống dịch, chưa có quy chế làm việc và chưa phân công ứng trực phòng, chống dịch 24/24.”

Tại cuộc họp, trên tinh thần không báo trước, Thủ tướng yêu cầu kết nối đột xuất với nhiều lãnh đạo xã, phường, quận, huyện có diễn biến dịch phức tạp trên cả nước. Người đứng đầu Chính phủ tiếp tục kiểm tra xem người đứng đầu cơ sở nắm vững tới đâu về tình hình dịch, phương pháp chống dịch, các quan điểm chỉ đạo của Trung ương và liên tục đặt ra các câu hỏi về công tác điều trị bệnh nhân F0, công tác y tế, xét nghiệm, đảm bảo an sinh xã hội.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh: Cần tiếp tục đảm bảo cung cấp thông tin về dịch bệnh minh bạch, kịp thời đến người dân; Truyền thông là để dân biết – dân hiểu – dân tin – dân theo – dân làm. Chỉ có như vậy thì mới chống dịch thành công. 

Thủ tướng đánh giá cao các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, nỗ lực nhiều dù thời gian giãn cách dài. Thủ tướng biểu dương các lực lượng tuyến đầu như y tế, công an, quân đội, tình nguyện viên, cho thấy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc rõ nét, hiệu quả, làm vì tình đồng bào, đồng chí, "lá lành đùm lá rách", thương người như thể thương thân, thể hiện được truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong lúc vaccine còn thiếu thì phòng là quan trọng. Phải thực hiện giãn cách xã hội để ngăn chặn nguồn lây, tìm kiếm F0, Phát hiện truy vết tìm F1 để cách ly.

"Chúng ta rút kinh nghiệm hai năm qua, học hỏi kinh nghiệm thế giới, qua đó, từng bước hoàn thiện biện pháp chống dịch, chúng ta đang đi đúng, trúng. Điều chỉnh lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tập trung sang kết hợp hai hoà, vừa lãnh đạo chỉ đạo chuyên sâu, lại phân cấp, phân quyền, lấy xã, phường, thị trấn làm pháo đài, người dân là chiến sĩ, người dân là chủ thể, trung tâm trong phòng, chống dịch, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân"- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng kêu gọi nhân dân thông cảm, chia sẻ và tích cực tham gia phòng chống dịch, nhất là việc thực hiện giãn cách xã hội để ngăn chặn lây lan. Trong lúc đang đẩy mạnh tiêm chủng vaccine đảm bảo thích ứng an toàn với dịch covid 19 thì chúng ta thực hiện phòng chống dịch cơ bản vẫn là biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn lây lan ra cộng đồng đòi hỏi phải có sự chia sẻ thông cảm, hưởng ứng của nhân đân để thực hiện.

Về những tồn tại và hạn chế, Thủ tướng cho biết, vẫn còn một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ… khi ban hành các quy định phòng, chống dịch theo thẩm quyền, nhất là vấn đề giao thông, lưu thông hàng hóa, chưa cân nhắc kỹ lưỡng một số mặt như cách làm, thời điểm thực hiện, việc đánh giá tác động và chuẩn bị truyền thông…nên gây bức xúc trong dư luận. Một số địa phương ban hành các hướng dẫn khác với Trung ương chưa kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo Quốc gia.

Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, nhất là ở cơ sở tại một số địa phương.  Công tác chỉ huy, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch tại một số xã, phường còn hạn chế, bất cập, hiệu quả chưa cao; có địa bàn chưa làm tốt, chưa nắm vững quan điểm chỉ đạo; Một số chính sách hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch, cán bộ cơ sở, tình nguyện viên cần tiếp tục được xem xét, cập nhật, bổ sung phù hợp; Tình hình an ninh trật tự tại các khu công nghiệp, an ninh công nhân tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nếu không làm tốt công tác phòng ngừa dễ bị kích động, bùng phát thành điểm nóng về an ninh trật tự. Tình trạng vận chuyển vật tư, trang thiết bị, thuốc giả, hàng kém chất lượng, không có hóa đơn, xuất xứ diễn biến phức tạp.

 

ttg.jpg

Thủ tướng họp trực tuyến với hơn 9.000 xã phường.

 

Để sớm kiểm soát dịch bệnh, trở về trạng thái “bình thường mới” trên toàn quốc, phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu tại Nghị quyết số 86/NQ-CP và các Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo chống dịch như chống giặc; lấy xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sỹ, vừa là trung tâm phục vụ, vừa là chủ thể thực hiện mọi chính sách, hoạt động đều hướng đến người dân và người dân tham gia thực hiện có hiệu quả việc phòng, chống dịch theo quy định. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân. Những nơi chưa làm thì kiện toàn ngay các Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp do Bí thư cấp ủy đứng đầu; thiết lập Trung tâm chỉ huy do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp đứng đầu; ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ và tổ chức ứng trực 24/24, đến ngày 05/9/2021 vẫn còn 8 địa phương chưa thiết lập Trung tâm chỉ huy.

Khi mục tiêu đã rõ, chiến lược đã thông, phương pháp đã được xác định, cần tập trung, quán triệt nghiêm túc, tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát ở các cấp, các ngành, nhất là tại xã, phường, thị trấn, trong đó đặc biệt chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp sau: 

Thủ tướng yêu cầu nâng cao hiệu quả, hiệu lực lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, nhất là trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Các địa phương khi phải thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội phải xác định mục tiêu cụ thể cần đạt được là gì? Trong thời gian giãn cách xã hội phải kiểm soát được dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế, dứt khoát không để tình trạng giãn cách không triệt để, kéo dài mà không đạt được mục tiêu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, gây bức xúc xã hội. Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm nếu buông lỏng quản lý, lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; kịp thời có các hình thức động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt.

Thủ tướng nhấn mạnh, thiết lập hệ thống điều hành chỉ huy đến cấp xã, phường, thị trấn, đến pháo đài phòng chống dịch. Qua đây Thủ tướng có thể kiểm tra, giám sát đến cấp cơ sở là xã phường thị trấn. Thành công hay không là ở cấp này. Các địa phương, nhất là các xã, phường, thị trấn đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, thực hiện triệt để các nhiệm vụ: Thực hiện nghiêm ngặt các quy định về giãn cách, cách ly, “ai ở đâu ở đó”. Bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc. Bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại xã, phường, thị trấn; khi người dân có yêu cầu, phải đáp ứng kịp thời. Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an dân trên địa bàn. Tuyên truyền, vận động để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm, cùng với hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch tích cực, hiệu quả.

Về công tác y tế Thủ tướng yêu cầu đối với các địa phương tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội: Thần tốc xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ người dân một cách hiệu quả và bảo đảm an toàn; Tiếp tục mở rộng, nâng cao năng lực điều trị và đảm bảo đủ máy thở, ô xy y tế và thuốc điều trị, nhất là ở tầng 2 để giảm số bệnh nhân chuyển nguy kịch, tử vong; Thiết lập và vận hành hiệu quả các Trạm Y tế lưu động;

Khẩn trương tổ chức tiêm vaccine ngay khi được phân bổ; tổ chức các hình thức tiêm chủng phù hợp như tiêm lưu động, tiêm tại nhà; ưu tiên tiêm cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người dân tại khu vực nguy cơ cao, rất cao, khu vực có mật độ dân cư cao; TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Binh Dương, Đồng Nai, Long An hoàn thành tiêm mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 2 cho những người đủ thời gian. Bộ giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế lên phương án tiêm vaccine cho học sinh;

Tiếp tục phát huy vai trò của các Tổ phòng, chống COVID-19, Tổ đáp ứng nhanh cộng đồng, Tổ quản lý, chăm sóc tại nhà ở một số địa phương thực hiện điều trị F0 tại nhà. Đối với các địa phương khác: Chủ động xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm người nhiễm trong cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thủ tướng yêu cầu xét nghiệm diện rộng, thần tốc tới tất cả người dân, nhất là các địa bàn có nguy cơ cao, vùng đỏ, thì xét nghiệm 100% dân số trong vòng 3-5 ngày, để nhanh chóng đưa F0 ra, để địa bàn trở về xanh. Các địa phương đang xanh thì vẫn tiếp tục xét nghiệm tầm soát thường xuyên, sớm phát hiện F0 và truy vết nhanh, dập dịch nhanh.

Giãn cách xã hội hoặc tăng cường giãn cách xã hội thì phải có mục tiêu rõ rang, cụ thể về kiểm soát được dịch. Mục tiêu trong thời gian giãn cách xã hội  mà làm chập chờn thì mất cả hai: không kiểm soát được dịch mà kinh tế thì thiệt hại, đời sống nhân dân thì bị ảnh hưởng.

Trong nỗ lực thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; cần chủ động, nghiên cứu, chuẩn bị các kịch bản thích ứng an toàn với dịch bệnh khi có nhiều vaccine hơn trong một hai tháng tới, nhất là ở những nơi đã tiêm đủ vaccine.

Về công tác an sinh xã hội phải đảm bảo an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, nhất là tại các khu vực giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội; không để trẻ em không được đến trường sau thời gian giãn cách. Nghiên cứu tổ chức các điểm cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa, xuống tận các tổ dân phố, khu dân cư nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh. Có phương án vận động, huy động người khỏe mạnh được tiêm đủ 2 mũi vaccine, người đã khỏi bệnh, đủ điều kiện di chuyển an toàn để tham gia vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng trên địa bàn. Tổ chức tốt chương trình năm học mới với các phương án, giải pháp cụ thể, gắn với công tác chống dịch để tổ chức dạy và học hiệu quả.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội; tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh trong công nhân, an ninh thông tin, an ninh mạng; phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh các loại tội phạm lợi dụng hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp; bảo đảm môi trường lành mạnh cho an sinh, an dân.

Về sản xuất và lưu thông hàng hóa an toàn: Từng bước khôi phục và đẩy mạnh sản xuất tại các địa phương kết thúc giãn cách xã hội, đảm bảo an toàn và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch tại khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong vận chuyển hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch, hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu.

Tiếp tục triển khai các giải pháp về tài chính, hậu cần trong đó cập nhật, bổ sung các chính sách hỗ trợ lực lượng tuyến đầu và người được huy động tham gia chống dịch. Chủ động đảm bảo các điều kiện về nguồn lực, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ”; thường xuyên rà soát về nhân lực, vật tư, thiết bị y tế, cơ sở điều trị để đáp ứng với diễn biến dịch bệnh trên địa bàn. Đảm bảo nguồn lực cho phòng, chống dịch để đạt mục tiêu và yêu cầu đề ra.

Các cấp ủy lãnh đạo, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể tại xã, phường, thị trấn thực hiện tốt mối quan hệ cấp ủy lãnh đạo, chính quyền quản lý, người dân làm chủ; tăng cường công tác vận động, huy động người dân, là chủ thể tham gia tích cực, hiệu quả công tác phòng, chống dịch; động viên, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách, tuân thủ đầy đủ yêu cầu 5K của Bộ Y tế. Tiếp tục vận động, huy động cộng đồng, doanh nghiệp tham gia đóng góp, hỗ trợ để đảm bảo nguồn lực cần thiết cho các hoạt động phòng, chống dịch.

Tiếp tục đảm bảo cung cấp thông tin về dịch bệnh minh bạch, kịp thời đến người dân; Truyền thông là để dân biết – dân hiểu – dân tin – dân theo – dân làm. Chỉ có như vậy thì mới chống dịch thành công. Bác Hồ Nói: Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó chăm lần dân liệu cũng xong. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân.

Chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch kịch bản khôi phục kinh tế xã hội. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tuân thủ thực hiện nhất quán, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương.

Các địa phương khi ban hành theo thẩm quyền các quy định về phòng, chống dịch, nhất là vấn đề giao thông, lưu thông hàng hóa, cần cân nhắc kỹ lưỡng cách làm, thời điểm thực hiện, đánh giá tác động, chuẩn bị truyền thông… phải bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn. Trường hợp cần thiết báo cáo xin ý kiến Ban chỉ đạo Quốc gia./.

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top