Tại hội nghị tổng kết ngành y tế, Thủ tướng đã nêu câu hỏi phải làm sao giải quyết tình trạng người nhà bệnh nhân “vật vã, chầu trực, làm lãng phí sức lao động, thay vì đi làm thì phải tới viện lo cho người thân, người ốm, 3 người nuôi 1, vừa vất vả, vừa lãng phí sức lao động”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2017. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Chiều 12/1, tại Hà Nội Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2017 với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đến dự có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các đại biểu đại diện các bộ, ban ngành Trung ương, địa phương và sự tham gia của 700 điểm cầu ở các tỉnh, quận, huyện, thị xã với trên 12.000 đại biểu của cả nước tham gia.
Thủ tướng cho rằng đây là hội nghị tổng kết có số người tham dự kỷ lục, qua đó, có tác dụng lan tỏa rất lớn trong chỉ đạo, nhất là đối với ngành Y, một ngành có trọng trách mà như lời nói của Bác Hồ: "Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó tính mạng của dân cho các cô, các chú".
Tri ân những người anh hùng áo trắng
Nhìn nhận thời gian qua, ngành y tế đạt nhiều kết quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước, Thủ tướng nêu rõ: Chúng ta rất tự hào trong đội ngũ có những giáo sư, bác sỹ rất nổi tiếng, được coi là những bàn tay vàng của Việt Nam, của khu vực, thậm chí mang tầm quốc tế đã xuất hiện ở nước ta. “Tôi biết nhiều người nước ngoài đến đây để học các thầy Việt Nam trong lĩnh vực y tế”.
Bên cạnh đó, nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao được áp dụng vào ngành y tế nước ta như ghép tạng, nội soi robot…
Điều rất mừng là nhiều tấm gương chữa bệnh cho người nghèo của đội ngũ bác sỹ mang tính nhân văn sâu sắc. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 81%, đạt mục tiêu đề ra đến 4 năm. Công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm có nhiều tiến bộ. Ngành y tế chủ động phát động tinh thần biết ơn, tinh thần phục vụ bệnh nhân trong cơ sở y tế (đã xử lý trên 6.000 nhân viên y tế vi phạm đạo đức).
Nhân dịp này, Thủ tướng bày tỏ tình cảm và sự biết ơn đối với những đóng góp thầm lặng của đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế từ cơ sở, thôn bản đến Trung ương, những người anh hùng áo trắng, đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, thậm chí hy sinh niềm vui, hạnh phúc cá nhân để đem lại sự sống, sự vui tươi, tiếng cười và sức khỏe cho người dân.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, tồn tại của chúng ta còn khá nhiều. Đơn cử, tình trạng quá tải bệnh viên chưa được khắc phục một cách căn bản, là vấn đề bức xúc hiện nay của xã hội. Vẫn còn để xảy ra những sự cố đáng tiếc, làm sai quy trình liên quan đến năng lực và trách nhiệm của y bác sỹ điều trị như vụ việc mà gần đây báo chí phản ánh, quên kéo trong bụng bệnh nhân. Quản trị bệnh viện còn bất cập. Vẫn để tình trạng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân xếp hàng rồng rắn, lê thê đợi được nộp tiền, gây phiền nhiễu cho bệnh nhân. Lợi ích nhóm trong mua sắm, đấu thầu thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế rất lớn, không công khai, minh bạch, ảnh hưởng lớn đến lợi ích người dân. Cho biết công tác quản lý bảo hiểm y tế còn bất cập, bị lợi dụng, gây thất thoát lớn cho quỹ bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước, Thủ tướng nêu cụ thể các trường hợp tiêu cực như riêng một phòng khám ở Cà Mau làm thất thoát trên 100 tỷ đồng.
Thủ tướng cho rằng, vẫn còn hiện tượng vô cảm trước nỗi đau bệnh tật của người bệnh của một bộ phận nhỏ trong ngành y. Đây là những hành vi không những làm tổn hại y đức mà còn trái với lời dặn của Bác: Thầy thuốc như mẹ hiền.
Thủ tướng nêu những vấn đề trên với mong muốn ngành y tế cùng các ngành, các cấp tập trung khắc phục, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cách nghĩ, cách làm trong cung cấp dịch vụ, trong quản lý nhà nước, phục vụ tốt hơn, kịp thời hơn đối với người dân.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu ngành y tế phải phấn đấu đi đầu thực hiện hiệu quả chủ trương xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2017 với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Kiên quyết chống tiêu cực trong ngành y
Ngành y tế, với đội ngũ 70.000 bác sỹ, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, lấy trọng tâm là công tác y tế cơ sở hướng tới mục tiêu quản lý, chăm sóc sức khỏe cho từng người dân.
Với vinh dự được trao tặng danh hiệu: Lương y như từ mẫu/Thầy thuốc như mẹ hiền, ngành y tế có sứ mệnh cao cả là chăm sóc sức khỏe, vốn quý nhất của con người và toàn xã hội. Phải lấy sự hài lòng của người bệnh là mục tiêu quan trọng nhất.
Các cơ sở điều trị, bệnh viện tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho người bệnh và người nhà bệnh nhân. Cần chú trọng cải cách từ những khâu đơn giản nhất như thủ tục, xếp hàng lấy số, thanh toán viện phí đến quy trình điều trị trên cơ sở tuân thủ phác đồ, quy trình kỹ thuật chuyên môn. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công khai kết quả đánh giá chất lượng bệnh viện để cơ quan bảo hiểm và người dân được biết và được quyền lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh.
Bộ Y tế và các bệnh viện của Bộ cần gương mẫu đi trước một bước, đến tháng 6/2017 phải thực hiện việc liên thông công nhận kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện của Bộ.
Phải tập trung xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới với tinh thần mọi người dân đều được quản lý, theo dõi, tư vấn và chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục. Bộ Y tế, ngành y tế phải tạo điều kiện phát triển y tế ngoài công lập. Thí điểm hình thành cơ sở khám bệnh theo hình thức hợp tác công tư và mô hình quản lý bệnh viện như doanh nghiệp công ích.
Phát triển mạnh mẽ công nghiệp dược, y học cổ truyền. Xây dựng hệ thống phân phối thuốc chuyên nghiệp, hiệu quả, giảm chi phí trung gian để giảm giá thuốc.
Để chống tiêu cực, tham nhũng và minh bạch hóa, đẩy mạnh tin học hóa bảo hiểm y tế ở các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, coi đây là công cụ chống tham nhũng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế.
“Thủ tướng xin nhấn mạnh rằng đây là biện pháp chống tiêu cực. Nơi nào không thực hiện nghiêm là đi ngược lại chủ trương chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Mà theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, mới có 60% số cơ sở y tế thực hiện việc kết nối hàng ngày và 30% thực hiện việc chuyển dữ liệu bệnh nhân ra viện trong ngày. Như vậy tỷ lệ còn thấp”, Thủ tướng nhấn mạnh. “Chúng ta có 23.000 loại thuốc, 16.000 loại dịch vụ, không có tin học thì làm sao quản lý được”.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh 3 việc đối với Bộ Y tế là xây dựng thể chế, thanh tra và tuyên truyền.
Thủ tướng, Phó Thủ tướng chụp ảnh cùng đội ngũ lãnh đạo Bộ Y tế.Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tại hội nghị, Thủ tướng đã nêu hàng loạt câu hỏi lớn đối với ngành Y tế.“Phải làm sao giải quyết bài toán vật vã này”
Câu hỏi thứ nhất mà Thủ tướng nêu là Bộ y tế phải tìm nguyên nhân nào khi chỉ số y tế cơ bản trong Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) 2017 còn ở mức thấp.
Ai cũng nói phòng bệnh hơn chữa bệnh, nhưng trên thực tế người dân Việt Nam vẫn còn suy nghĩ có bệnh rồi mới chữa bệnh, có đúng không? Nếu làm tốt khâu phòng ngừa, chi phí y tế sẽ giảm đáng kể tới mức độ nào?
Tại sao người giàu lại ra nước ngoài khám và chữa bệnh đông như vậy. Ngành y tế phải nêu giải pháp cho vấn đề này.
Nhiều bệnh viện tuyến dưới, tuyến cơ sở, tuyến huyện vẫn được Nhà nước đầu tư, nhưng lại ít có người khám, ai cũng muốn lên tuyến trên khám, vậy nguyên nhân vì sao và biện pháp nào? Chúng ta tôn trọng quyền tự do lựa chọn nơi khám bệnh, vậy giải pháp nào để người dân tự thấy rằng khám tuyến dưới có lợi hơn, hiệu quả hơn là khám vượt tuyến?
Thủ tướng đặt tiếp câu hỏi: Hiện tại hệ thống trạm y tế xã đã phủ khắp, nhưng vẫn chưa có cơ chế hoạt động hiệu quả, vì thế, Bộ Y tế cần làm gì để có giải pháp đổi mới toàn diện hệ thống trạm y tế xã.
Nhiều bệnh viện ở một số thành phố lớn, như TPHCM, Hà Nội thường xuyên quá tải vì phải gánh thêm người nhập cư, người dân các tỉnh lân cận đổ về khám chữa bệnh và ngân sách dành cho y tế các địa phương này vô hình đã bao cấp chéo cho người dân tỉnh khác có đúng không. Giải quyết vấn đề bao cấp chéo như thế nào?
Nhiều người có tiền không chấp nhận cung cách và thái độ phục vụ mang tính ban ơn, thậm chí đôi khi, coi thường bệnh nhân, tư duy quản lý bệnh viện và phục vụ bệnh nhân do vậy cần thay đổi. Thủ tướng nêu một vấn đề lớn cho toàn ngành y tế: Chuyển từ tư duy bao cấp qua hàng chục năm sang tư duy kinh tế thị trường, đặc biệt, coi bệnh nhân là khách hàng quan trọng, cần phải xem bệnh nhân là khách hàng và cần chăm sóc khách hàng theo đúng nghĩa của từ này. Bộ Y tế đã khơi dậy vấn đề này nhưng chưa phải có tính phổ biến, vậy phải xử lý ra làm sao?
Tại sao nhiều người nghiên cứu nói rằng Việt Nam tỷ lệ ung thư cao nhất, có đúng không?
Một vấn đề nữa, theo Thủ tướng, muốn bác sĩ ngành y tế của chúng ta toàn tâm toàn ý không màng tới phong bì, phong bao quà tặng thì làm sao lương bác sĩ khá hơn.
Cho biết về tình trạng người nhà bệnh nhân “vật vã, chầu trực, làm lãng phí sức lao động, thay vì đi làm thì phải tới viện lo cho người thân, người ốm, 3 người nuôi 1, vừa vất vả, vừa lãng phí sức lao động”, Thủ tướng nhấn mạnh, “phải làm sao giải quyết bài toán vật vã này”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2017. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng bày tỏ, ngày 27/2 và dịp Tết này, không thể đi tới hết cán bộ, nhân viên ngành y tế, không thể gặp đông đủ các đồng chí như hôm nay, nên tôi xin thay mặt Chính phủ chúc sức khỏe các đồng chí mong các đồng chí là cầu nối, là niềm tin vào chế độ ta thông qua ngành y tế Việt Nam.Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn lắng nghe những vấn đề đặt ra với ngành y tế để làm sao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn.
Tiếp thu chỉ đạo cũng như các câu hỏi của Thủ tướng, thay mặt 500.000 cán bộ, nhân viên trong ngành y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, sẽ nỗ lực giải đáp, dù rằng có câu hỏi chưa thể trả lời được ngay.
Đức Tuân/Chinhphu.vn
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.