Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 31 tháng 12 năm 2016 | 2:44

Thủ tướng nêu khát vọng về một Đà Nẵng "có một, không hai"

Thủ tướng mong muốn Đà Nẵng phải trở thành một thành phố “độc nhất, vô nhị” không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, một thành phố có dáng hình, bản sắc độc đáo như ca từ rất đẹp của một bài hát…


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố tập trung làm tốt 7 nhiệm vụ trọng tâm. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Sáng 31/12, Thành phố Đà Nẵng tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 20 năm trực thuộc Trung ương (1/1/1997-1/1/2017).

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương tham dự lễ kỷ niệm.

Vùng đất “Ngũ phụng tề phi”

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng nhấn mạnh, Đà Nẵng cùng với Quảng Nam là vùng đất “Ngũ phụng tề phi”, là quê hương trung dũng kiên cường, nơi có Mẹ Nhu, Mẹ Thứ và biết bao bà mẹ giàu đức tính hy sinh, biết bao anh hùng, nghĩa sĩ, chí sĩ cách mạng đã không tiếc máu xương, dốc trọn đời tâm huyết với đất nước này.

Và hôm nay, trải qua 1 hành trình 20 năm sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã vươn lên những tầm cao mới, đạt được vị thế mới, với quy mô kinh tế tăng gấp 2,5 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 14 lần, là thành phố đáng sống, có sức hấp dẫn không chỉ với du khách Việt Nam mà cả ở châu Á và thế giới, một thành phố năng động, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, giàu tính thực tế nhưng cũng rất lãng mạn với rất nhiều thế hệ nhân sĩ, thi sĩ, ca sĩ nổi tiếng.

Hai mươi năm chia tách hành chính giữa Quảng Nam và Đà Nẵng, nhưng trong trái tim và khối óc của người dân 2 địa phương, Quảng Nam - Đà Nẵng vẫn mãi mãi là vùng đất “chưa mưa đã thấm, rượu Hồng đào chưa nhắm đã say”. Những thành công của Đà Nẵng hôm nay có sự chia sẻ, đóng góp của Quảng Nam và ngược lại. Ít có vùng đất nào trên thế giới có mật độ dày đặc các di sản thiên nhiên, di sản thế giới, các điểm đến phong phú, độc đáo, hấp dẫn, tầm cỡ quốc tế về du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh như Quảng Nam và Đà Nẵng.

Thủ tướng cho rằng, hôm nay, Đà Nẵng đang vững bước trên con đường trở thành thành phố “5 không”, “3 có” đầu tiên của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Các ngành lĩnh vực đều có bước phát triển mạnh. Thành phố đã triển khai nhiều chính sách giàu tính nhân văn, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Trong nhiều năm, các chỉ tiêu về tăng trưởng GDP, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của Thành phố đều xếp hạng ở nhóm đầu của cả nước.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu to lớn, quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố đã đạt được và “là người con của quê hương xứ Quảng, tôi luôn theo dõi, vui mừng và tự hào về những thay đổi tích cực của Thành phố chúng ta”.


Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương tham dự lễ kỷ niệm. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thành phố đa văn hóa, năng động, sáng tạo và quyết liệt

Thủ tướng nhấn mạnh, thực tế và hoàn cảnh hiện nay đang đặt ra cho Đà Nẵng nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi tất cả chúng ta phải khơi dậy và phát huy mạnh mẽ nội lực trong mỗi thành phần kinh tế, trong mỗi người con của quê hương xứ Quảng để thực hiện bằng được mục tiêu chiến lược xây dựng Đà Nẵng thành một thành phố giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại, có nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cao, là một trung tâm giao lưu quốc tế, điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư, của du khách, là nơi hội tụ của những người tài và những ý tưởng sáng tạo, một thành phố khởi nghiệp. Đà Nẵng phải là một trong những động lực, đầu tầu tăng trưởng của nước ta.

Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố tập trung làm tốt 7 nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, Thành phố cần tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXI; phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Đặc biệt là kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả. “Không cần một chính quyền lớn, chỉ cần một chính quyền mạnh, tức là có khả năng can thiệp và quản trị hiện đại”, Thủ tướng nêu rõ. Phải nâng cấp chất lượng của đội ngũ công chức một cách tương xứng với trình độ phát triển, tính năng động và sự tinh vi của nền kinh tế mới, có thể đáp ứng được yêu cầu của một chính quyền phục vụ.

Hai là, Đà Nẵng cần xác định rõ tầm nhìn chiến lược xây dựng một thành phố thông minh, thành phố khởi nghiệp dựa trên các thể chế, cơ chế chính sách đột phá, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng, công nghệ cao… Thành phố phải trở thành một trung tâm giao thương quốc tế, một thành phố du lịch - dịch vụ có thể cạnh tranh với các thành phố lớn, hiện đại của khu vực và thế giới như Singapore, Hongkong...

Tuy nhiên, thay vì sao chép, lặp lại mô hình đô thị ở đâu đó, Đà Nẵng cần phải tạo ra sự khác biệt, hay nói cách khác là sự thực hiện một chiến lược khác biệt, tức là phải trở thành một thành phố “độc nhất vô nhị” không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, một thành phố có dáng hình, bản sắc độc đáo như ca từ rất đẹp của một bài hát: Cho lòng ta bao đắm say / Cho đời ta bao nỗi nhớ / Núi trong lòng thành phố / Phố trong lòng biển khơi / Đà Nẵng ơi, tình người.

Thành phố cần tìm cho mình hướng đi tiên phong, cách làm mới trong xây dựng thành phố thông minh, thành phố khởi nghiệp, tạo hình mẫu, có sức lan tỏa cao cho toàn vùng và cả nước. Đà Nẵng phải tập trung cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp. Phấn đấu đạt 40.000-45.000 doanh nghiệp vào năm 2020.

Ba là, với lợi thế đặc biệt là truyền thống của người dân xứ Quảng luôn dấn thân vì quê hương, không ngừng tìm tòi cái mới, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, Đà Nẵng phải đi đầu trong đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, hướng đến nền giáo dục khai phóng, kế thừa và phát huy tư tưởng “nâng dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, không ngừng xây đắp nguồn nhân lực mạnh cả về lượng và về chất có khả năng hội nhập quốc tế, là hậu duệ xứng đáng của các bậc tiền bối xứ Quảng năm xưa như các cụ Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Thái Phiên…

Bốn là, Thành phố cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách người có công, chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, gắn liền với các chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội).


Toàn cảnh lễ kỷ niệm. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Năm là, các cấp ủy, chính quyền Thành phố cần không ngừng nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện, quản lý, điều hành; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các sở, ngành, địa phương, tiếp tục xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp. Mạnh dạn đề xuất cơ chế chính sách tốt nhất nhằm sử dụng và phát huy nhân tài, kể cả người nhập cư, người chưa vào Đảng. Ngoài ra, Thành phố cần có chính sách hiệu quả nhằm giúp người nhập cư tái hòa nhập vào đời sống kinh tế xã hội. Họ cần phải được xem là lực lượng phát triển chứ không phải là đối tượng quản lý. Đà Nẵng là thành phố đa văn hóa, năng động, sáng tạo và quyết liệt.

Sáu là, phải tăng cường liên kết và hợp tác với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực Trung Trung bộ, gồm Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, trong đó Đà Nẵng phải xứng đáng là hạt nhân của vùng. Để làm được điều đó, Đà Nẵng cũng như các địa phương trong vùng cần phải tiên phong và mẫu mực trong việc xóa bỏ suy nghĩ cục bộ, địa phương, cạnh tranh thiếu lành mạnh, phá vỡ động lực, sức hấp dẫn, dẫn đến ảnh hưởng về phát triển. Thay vào đó, cần phải phân công hợp tác trên cơ sở phát huy lợi thế và hạn chế bất lợi của nhau.

Bảy là, trong rất nhiều năm, Đà Nẵng liên tục dẫn đầu cả nước về xếp hạng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả các chỉ tiêu thành phần thì Đà Nẵng đều dẫn đầu. Hơn nữa, nếu so với chất lượng môi trường kinh doanh của các thành phố trên thế giới cũng như trong khu vực thì Đà Nẵng hầu như chưa thể so sánh được trên bất kỳ phương diện nào. Chính vì vậy, Đà Nẵng không nên chỉ so sánh với các địa phương khác trong nước rồi tự mãn với vị trí hiện tại, thay vào đó Đà Nẵng cần phải nghĩ lớn hơn, vượt ra ngoài khuôn khổ của địa phương và Việt Nam, phải phấn đấu để gia nhập nhóm các thành phố cạnh tranh toàn cầu theo xếp hạng của nhiều tổ chức quốc tế, ví dụ như chỉ số cạnh tranh thành phố toàn cầu, chỉ số quyền năng kinh tế toàn cầu, chỉ số cạnh tranh đô thị toàn cầu, nhóm các thành phố cạnh tranh nhất thế giới…

“Mỗi cán bộ, từ lãnh đạo, đến mọi người dân Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung luôn luôn khắc trong tâm, trong trí, trong trái tim và trong các hoạch định chính sách kinh tế, ngoại giao, chính trị về một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, tương đương với 24,29% diện tích thành phố Đà Nẵng. Đó chính là huyện đảo Hoàng Sa thân yêu, máu thịt của chúng ta”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho rằng, một thành phố động lực không thể không có khát vọng, tuy nhiên khát vọng đó phải có chiến lược lâu dài và kế hoạch cụ thể để biến ước mơ thành hiện thực. Bí thư Thành ủy kêu gọi người dân Thành phố đồng tâm hiệp lực, giữ gìn, phát huy những truyền thống tốt đẹp, huy động mọi nguồn lực, xây dựng Đà Nẵng ngày càng an bình, văn minh, giàu đẹp, sánh vai với các thành phố lớn trong cả nước và trong khu vực như khát khao cháy bỏng của những người luôn yêu tha thiết Đà Nẵng.

Cũng nhân dịp này, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã trao quyết định Danh hiệu Công dân Đà Nẵng tiêu biểu cho 20 cá nhân.

Theo Đức Tuân/Chinhphu.vn

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top