Ngày 15/8, làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An tại thành phố Vinh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, việc phát triển doanh nghiệp, giải quyết việc làm mới sẽ là tiêu chí chủ chốt để đánh giá thành tích chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh thời gian tới.
Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An.
Ngoài TP. Hà Nội, TP. Chí Minh, hiện Nghệ An là tỉnh duy nhất mà Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết riêng về phát triển kinh tế-xã hội.
Ghi nhận nỗ lực của Nghệ An thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tỉnh đã chuyển dịch kinh tế đúng hướng, kinh tế -xã hội phát triển khá toàn diện. Tuy nhiên, mức thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với bình quân cả nước; chưa thu hút nhiều dự án đầu tư mang tính đột phá. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2015 đứng thứ 32/63, tụt 4 bậc. Doanh nghiệp ở Nghệ An còn than phiền về chi phí không chính thức.
“Cần hành động quyết liệt hơn để trở thành tỉnh khá”, Thủ tướng lưu ý.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ thời gian tới. Trước hết, cần đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển để phát huy tiềm năng, thế mạnh. Chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại, bao cấp, phi thị trường.
Nhấn mạnh tinh thần làm việc của Chính phủ là phát triển doanh nghiệp, xây dựng bộ máy hành chính phục vụ, kiến tạo phát triển, liêm chính và chăm lo đời sống nhân dân, Thủ tướng cho rằng: “Tinh thần này ở tỉnh Nghệ An, một tỉnh cách mạng, cần được quán triệt, thấm nhuần, phải chuyển hóa thành hành động cụ thể, kết quả cụ thể, tạo chuyển biến thực sự trong chỉ đạo, điều hành của Nghệ An”.
Nghệ An phải là tỉnh đi đầu trong thực hiện thông điệp của Chính phủ, lo cho dân, giải quyết việc làm cho dân, quan tâm lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Phát triển doanh nghiệp, giải quyết việc làm mới ở Nghệ An sẽ là tiêu chí chủ chốt để đánh giá thành tích chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh thời gian tới.
Thủ tướng yêu cầu Nghệ An cam kết cùng Chính phủ xây dựng hệ thống chính sách minh bạch, môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bảo đảm quyền tài sản của nhân dân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Tất cả phải hướng đến hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng yêu cầu Nghệ An xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Nghệ An phải xây dựng bộ máy công quyền phục vụ nhân dân, doanh nghiệp tốt nhất.
Đồng thời, Nghệ An cần đẩy mạnh tính liên kết với các tỉnh lân cận để xứng đáng là trung tâm của Bắc Miền Trung. Tỉnh cũng cần đề xuất cơ chế điều phối phát triển vùng. Về quy hoạch, phải rà soát lại, loại bỏ các quy hoạch cũ, lạc hậu, phi thị trường, chấm dứt quy hoạch treo. Quan tâm công tác bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường.
Cho rằng vốn quý của Nghệ An là con người với tính cách cần cù, nhẫn mại, thông minh, quyết liệt, Thủ tướng mong muốn tỉnh cần phát huy vốn quý đó.
Tại buổi làm việc, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của con đường xuyên Á rất quan trọng với Nghệ An, đó là đường Viêng Chăn– Pắc San – Thanh Thủy kết nối với Cửa Lò - con đường ngắn nhất từ Myanmar, Thái Lan, đặc biệt là từ Lào sang Việt Nam, Thủ tướng đồng ý về chủ trương xây dựng con đường này. Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải xử lý các nguồn lực để sớm triển khai.
Thủ tướng cũng cho biết về chủ trương nâng cấp sân bay Vinh trở thành sân bay quốc tế và đồng ý chủ trương xây dựng ở Cửa Lò một cụm cảng biển quốc tế và nội địa.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế của tỉnh là 6,61%, có 789 doanh nghiệp thành lập mới. Phấn đấu cuối năm nay, tỉnh có 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Về thực hiện Nghị quyết 26 năm 2013 của Bộ Chính trị, Nghệ An cũng đã đạt được nhiều kết quả khả quan như tăng trưởng kinh tế cao hơn, bình quân đạt 7,59%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm nay dự tính khoảng 31 triệu đồng/người. Nghệ An cũng đang nỗ lực thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược, đó là huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng; đào tạo phát triển nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính.
P.V
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.