Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 23 tháng 2 năm 2019 | 21:33

Thủ tướng: Nghệ An đang là nơi đất lành chim đậu

Chiều 23/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư đầu Xuân Kỷ Hợi của tỉnh Nghệ An.

nqh_0500.jpg

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh, trong mấy năm qua, Nghệ An đã đưa vào sản xuất kinh doanh gần 90.000 tỷ đồng, bao gồm sản xuất kinh doanh dịch vụ, trong đó, một số đã triển khai xong, một số đang triển khai, một số đang thi công, chiếm trên 87%. Chỉ có dưới 13% là chưa triển khai hoặc “nói không đi đôi với làm”.

Nhắc lại phát biểu tại hội nghị lần trước rằng cần tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế Nghệ An đến năm 2025, Thủ tướng cho rằng nếu với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, Nghệ An có thể đạt được mục tiêu này. Nghệ An là một bức tranh kinh tế Việt Nam thu nhỏ với nhiều gam màu sáng, đầy lạc quan. Nghệ An đang vươn lên mạnh mẽ, một ví dụ nổi bật về “ý Đảng, lòng dân”, về tinh thần và quyết tâm kiến tạo phát triển ở các địa phương, Đảng bộ, chính quyền và các đồng chí lãnh đạo Nghệ An.

Thủ tướng cho biết, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2018 là 2.587 USD. Với tốc độ tăng trưởng tương tự như mức tăng trung bình của 3 thập niên qua thì vào năm 2045, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt hơn 18.000 USD. Mục tiêu này là một thách thức lớn vì khi thu nhập càng cao, việc đạt thêm phần trăm tăng trưởng sẽ càng khó khăn. Từ đó, Thủ tướng đặt vấn đề, khát vọng của Nghệ An vào năm 2045 là gì? Liệu Nghệ An có thể về đích sớm hơn cả nước không?

“Để thấy hết được vai trò và vị trí của Nghệ An, chúng ta hãy làm phép tính: Năm 2018, nếu giả sử trừ Nghệ An ra thì kinh tế cả nước chỉ tăng trưởng khoảng 6,5% thay vì 7,08%. Tôi nói điều này để thấy Nghệ An phải vì cả nước và cả nước cũng vì Nghệ An”, Thủ tướng chia sẻ.

Nghệ An là tỉnh có dân số nằm trong top 5 cả nước với hơn 3 triệu người. Vì vậy, khát vọng Việt Nam 2045 sẽ khó đạt được nếu thu nhập của người dân xứ Nghệ vẫn thấp hơn mặt bằng cả nước (thu nhập bình quân đầu người của Nghệ An hiện nay mới chỉ 1.620 USD, tương đương 63% cả nước).

Một lần nữa, Thủ tướng đánh giá cao quyết tâm Nghệ An khi đặt mục tiêu tăng trưởng 2019 từ 9 - 9,5%. Các nhà đầu tư, bao gồm các doanh nhân Nghệ An có sứ mệnh và giá trị vô cùng lớn lao, đó là thúc đẩy cỗ xe kinh tế Nghệ An tăng tốc nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, bứt phá hơn, tận dụng thời cơ để đi tắt đón đầu, vượt lên và về đích sớm.

Nghệ An có thành công thì cả nước mới cất cánh, bởi đây là đất địa linh – nhân kiệt – là quê hương của Bác Hồ, là niềm cảm hứng của cả nước trong quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong mỏi của Bác Hồ kính yêu.

 

nqh_0512.jpg

Trong năm 2019, điều đầu tiên Thủ tướng muốn nhắn nhủ nhà đầu tư là: “Đến đây, quý vị phải là những con người giàu nghị lực, giàu ý chí, thắng không kiêu, bại không nản. Tôi tin rằng ngoài chiến lược kinh doanh, ai ai cũng có trong mình tình yêu đối với vùng đất “non xanh nước biếc như tranh họa đồ” này”.

Đến với Nghệ An cũng như nhiều địa phương khác ở Việt Nam, giá trị của những đồng vốn của nhà đầu tư không chỉ được đo bằng bao nhiêu tỉ đồng. Đó còn là những giá trị vô hình không thể kể hết. Đó là việc làm, thu nhập, là niềm tin, sự chào đón, là nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của người dân.

Theo Thủ tướng, một trong những chìa khóa cho thành công của Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung là phải luôn bám sát thực tiễn trong mọi công tác lãnh đạo, chỉ đạo dù là ở cấp trung ương hay địa phương.

Thủ tướng nhắc lại tấm gương đồng chí Kim Ngọc, cha đẻ của khoán hộ, người có công lao rất lớn đối với công cuộc đổi mới nền nông nghiệp nước nhà, đã phân chia thời gian làm việc như sau: Đầu tiên là dành 1/3 thời gian cho việc đi thực tế ở các cơ sở. Tiếp theo là dành 1/3 thời gian cho việc đọc các loại sách báo, văn bản. Cuối cùng là dành 1/3 thời gian cho các cuộc họp. Thủ tướng nêu rõ, nếu không làm tốt điều thứ nhất và điều thứ hai thì việc họp hành sẽ không phát huy được tối đa tác dụng vì không gắn được với thực tiễn, không sâu sát được với các diễn biến của nền kinh tế, của người dân và doanh nghiệp.

Theo Thủ tướng, trong mọi tiềm năng, một trong những thuận lợi lớn nhất mà tỉnh cần nắm bắt chính là những con người xứ Nghệ tài hoa, trong đó có những doanh nhân đang tạo nên tiếng vang không chỉ trong nước mà còn quốc tế. Nhà thơ Hoàng Trung Thông, một người con Nghệ An từng nói rất đúng về chất xứ Nghệ, ý chí của người xứ Nghệ: Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.

Thủ tướng lấy ví dụ về dự án nông nghiệp của một nữ doanh nhân thành công của Nghệ An (Tập đoàn TH) cho năng suất cao, đạt 1,5 tỷ đồng/ha. Đến nay, doanh nghiệp này chiếm 38% thị phần sữa của Việt Nam với đàn bò sữa đông nhất châu Á. Đời sống của người dân, công nhân vùng dự án tốt hơn trước. “Đây là điểm cần nhân ra của một tinh thần yêu nước trong kinh doanh”, Thủ tướng bày tỏ.

Nghệ An đang là nơi đất lành chim đậu, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về đầu tư, mở rộng sản xuất kinh.

Xứ Nghệ ngày nay (cả Nghệ An và Hà Tĩnh), với văn hóa Lam Hồng tiêu biểu, vẫn là nơi sinh ra nhiều người tài hoa trong các lĩnh vực, đặc biệt là bậc hào kiệt trong giới kinh doanh. Nhiều người trong số số họ đang tiên phong dẫn đầu các xu hướng về nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ 4.0, phát triển dịch vụ chất lượng cao,... Thủ tướng nêu rõ, họ không chỉ là niềm tự hào của người dân Nghệ An mà đang thực sự khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam.

Nhân dịp xuân mới, Thủ tướng chúc việc làm ăn của doanh nghiệp luôn thuận lợi như nước Sông Lam, doanh thu, lợi nhuận, tài sản càng ngày càng rộng lớn, thành tựu kinh tế của tỉnh Nghệ An mỗi năm “mỗi bậc mỗi cao” như câu ca dao: “Sông Lam Giang càng ngày càng rộng. Núi Hồng Lĩnh mỗi bậc mỗi cao”.

Tại hội nghị, UBND tỉnh Nghệ An đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và chứng nhận đăng ký đầu tư cho 13 dự  án với tổng mức đầu tư 7.700 tỷ đồng; ký Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 18 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến gần 14.300 tỷ đồng.

Thủ tướng tiếp các nhà đầu tư lớn tại Nghệ An

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc tiếp một số doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế đầu tư vào Nghệ An.

 

ct-kiem-tgd-mitsubishi-corporation-viet-nam.jpg
Thủ tướng tiếp Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Mitsubishi Corporation

 

Tiếp một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, tài chính, ngân hàng, thực phẩm, hàng không, xăng dầu…, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao, biểu dương nỗ lực, quyết tâm trong đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp. Thủ tướng nêu rõ, Nhà nước khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển đất nước, nhất là vùng xa xôi, khó khăn, không phân biệt doanh nghiệp Nhà nước hay tư nhân. Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh.

Thủ tướng cho biết, tới đây, Chính phủ cùng Ban Kinh tế Trung ương kiểm tra một số cấp ủy, chính quyền về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, “để xem việc thực hiện Nghị quyết của Trung ương về kinh tế tư nhân như thế nào, để tạo điều kiện cho họ yên tâm làm ăn”. Thủ tướng đánh giá cao tỉnh Nghệ An trong việc xúc tiến, thu hút, mời gọi các nhà đầu tư.

Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Mitsubishi Corporation, ông Tetsu Funayama; ông Huỳnh Quang Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng công ty liên doanh khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP); David Nardone- Phó Chủ tịch Tập đoàn WHA, Thái Lan.

Tiếp Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Mitsubishi Corporation, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Nghệ An nói riêng và nhiều tỉnh miền Trung Việt Nam là khu vực đông dân, nên mong muốn Tập đoàn nghiên cứu xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô tại khu vực này. Đây là lĩnh vực có giá trị gia tăng lớn và là lĩnh vực mà Tập đoàn có thế mạnh. Việt Nam và Nhật Bản cùng là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nên có nhiều thuận lợi để các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam, trong đó có Mitsubishi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Tập đoàn sẽ ký kết Biên bản ghi nhớ với tỉnh Nghệ An trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp ô tô và nghiên cứu đầu tư vào Việt Nam với các lĩnh vực chủ đạo của Tập đoàn. Với việc ngày càng nhiều Tập đoàn đầu tư vào Việt Nam, Thủ tướng đề nghị Mitsubishi và các doanh nghiệp khác của Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam tiếp tục là cầu nối để thu hút mạnh mẽ hơn nữa các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam trong mọi lĩnh vực.

Tiếp ông Huỳnh Quang Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng công ty liên doanh khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP), Thủ tướng đánh giá cao kết quả hoạt động của VSIP, đề nghị VSIP Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có chất lượng với tiềm lực tài chính, công nghệ, nhà đầu tư đa quốc gia, có chiến lược đầu tư lâu dài tại Việt Nam, trong đó có cả các nhà đầu tư từ Singapore. Thủ tướng lưu ý các lĩnh vực thu hút đầu tư phải chú trọng bảo vệ môi trường, đồng thời mang lại giá trị gia tăng cao, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và các địa phương có VSIP, trong đó có Nghệ An.

Tiếp ông David Nardone- Phó Chủ tịch Tập đoàn WHA, Thái Lan, đơn vị đầu tư dự án Khu công nghiệp WHA Hemaraj 1 - Nghệ An với diện tích gần 500ha, dự kiến thu hút nhà đầu tư từ năm 2019, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của nhà đầu tư và cho biết, hiện có rất nhiều nhà đầu tư Thái Lan lớn đầu tư thành công tại Việt Nam. Việc có nhiều doanh nghiệp Thái Lan dự Hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư tại Nghệ An chiều nay cho thấy ngày càng nhiều nhà đầu tư Thái Lan quan tâm đến thị trường Việt Nam. Thủ tướng cũng cho biết có nhiều nhà đầu tư khu công nghiệp tại Việt Nam rất thành công và mong muốn WHA cũng thành công trong lĩnh vực này.

Tại các buổi tiếp các nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng cho biết, ngày càng nhiều nhà đầu tư đa quốc gia đến với Việt Nam. Điều đó cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam được cải thiện rõ rệt. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam và các địa phương luôn quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

  • Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ khánh thành dự án Tổng kho xăng dầu và Bến cảng xăng dầu DKC, với tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, tại Khu Kinh tế Đông Nam, xã Nghi thiết, huyện Nghi Lộc. Trong đó cầu cảng có thể đón tàu 49.000 tấn, tổng kho xăng dầu 120.000 tấn./.

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top