Sáng nay (15/10), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cắt băng khánh thành cầu Hoàng Văn Thụ (TP. Hải Phòng) trị giá hơn 2.000 tỷ đồng. Đây là một trong những công trình trọng điểm của thành phố thực hiện theo Nghị quyết 32 và Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị.
Cầu Hoàng Văn Thụ thuộc Dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm. Dự án được triển khai từ năm 2016 với tổng mức đầu tư 2.173 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của thành phố, do Ban Quản lý dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP. Hải Phòng làm chủ đầu tư.
Công trình cầu Hoàng Văn Thụ được thiết kế theo mô hình "cánh chim biển", kết nối phường Minh Khai (quận Hồng Bàng) với xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên (TP. Hải Phòng). Cầu có chiều dài khoảng 1,5 km (gồm cả đường dẫn), phần cầu chính kết cấu thép nặng hơn 5.000 tấn (đốt vòm hợp long nặng 527 tấn), rộng 33,5 m, 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp và 2 lề đi bộ.
Cây cầu được thiết kế theo tiêu chuẩn đường trục chính đô thị (QCVN 07-4: 2016), có tốc độ 80km/h. Cầu nhánh phía Nam (bên nội thành) có tốc độ thiết kế 40 km/h. Cầu nhánh phía Bắc (bên huyện Thuỷ Nguyên) có tốc độ thiết kế 50 km/h. Các đường nhánh cầu ở phía Bắc giao với đường đê bắc sông Cấm (nhánh 3, nhánh 4) có tốc độ 30 km/h. Đường song hành hai bên cầu phía bờ Bắc có tốc độ thiết kế 50 km/h.
Để thuận tiện cho người đi bộ, ngoài cầu thang bộ, cầu được thiết kế, lắp đặt 2 thang máy tại vị trí 2 bên đầu cầu phía nội thành. Đây là cầu đầu tiên trong cả nước có hệ thống thang máy.
Công trình cầu Hoàng Văn Thụ được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đáp ứng được yêu cầu thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, đảm bảo kỹ mỹ thuật, chất lượng của công trình, đủ điều kiện thông xe kỹ thuật.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết: “Đây là công trình có hiệu quả kinh tế cao vì sẽ khai thác một vùng đất nông nghiệp có hiệu quả thấp thành một khu đô thị có giá trị cao. Tại thời điểm này giá đất ở các vùng lân cận của dự án đã tăng gấp 3 đến 5 lần so với trước khi khở công dự án. Giá trị gia tăng ước tính đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Cầu Hoàng Văn Thụ còn đảm nhận việc mở rộng thêm một trục giao thông quan trọng để kết nối trung tâm thành phố với Quốc lộ 10 về phía Bắc. Để phát huy hiệu quả công trình này, tôi yêu cầu UBND huyện Thủy Nguyên và các sở, ban, ngành khẩn trương thực hiện công tác GPMB đẩy nhanh tiến độ thi công dự án công trình Bắc sông Cấm để công trình hoàn thành vào năm 2020”.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Cây cầu này hoàn toàn do Việt Nam thiết kế và thi công, đây là sự lớn mạnh rất lớn, nhanh chóng của lực lượng thiết kế thi công Việt Nam. Công tác chuẩn bị đầu tư cũng rất kịp thời chủ động. Chỉ trong vòng 2 năm chúng ta đã thi công được khối lượng lớn, một cây cầu rất cao. Tôi cho rằng đây là sự lớn mạnh của ngành giao thông vận tải Việt Nam và đặc biệt là ngành giao thông vận tải của TP. Hải Phòng.
Tôi rất phấn khởi chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của Hải Phòng, không chỉ là phát triển kinh tế và các hạ tầng kỹ thuật khác. Không chỉ là đời sống nhân dân được nâng cao mà không khí phát triển của thành phố trong thời gian gần đây rất đáng mừng. Thành phố biển đang vươn lên để thực hiện tốt, hiệu quả Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và các đơn vị thiết kế thi công giám sát tiếp tục vươn lên hơn nữa để làm tốt nhiệm vụ của mình.
Cầu Hoàng Văn Thụ là một trong những công trình trọng điểm của TP. Hải Phòng. Khi đi vào sử dụng, công trình sẽ góp phần giảm tải cho cầu Bính, hạn chế nạn ùn tắc giao thông.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.