Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 30 tháng 4 năm 2016 | 5:44

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, đối thoại với công nhân

Ngày 30/4, tại tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ, đối thoại với khoảng 3.000 công nhân của 8 địa phương thuộc khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tham dự cuộc gặp có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Đinh La Thăng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh; Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Thủ tướng trò chuyện với công nhân.

 Tại cuộc gặp gỡ, Thủ tướng đã trực tiếp trả lời, giải đáp những băn khoăn, mong muốn của công nhân về các vấn đề như các giải pháp nâng cao tiền lương; bình ổn giá cả thị trường để đời sống công nhân không gặp khó khăn; bảo hiểm xã hội của công nhân; xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo, khu nhà ở đi kèm với xây dựng KCN; quan tâm hơn nữa đến bữa ăn của công nhân lao động...

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành mong muốn lắng nghe ý kiến của công nhân để từ đó, sẽ hoàn thiện các chính sách giúp công nhân có cuộc sống tốt hơn”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng tặng Bằng khen cho công nhân tiêu biểu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước luôn quan đến đời sống công nhân, cụ thể là mức lương, thu nhập của người lao động. Đời sống của công nhân có được cải thiện song vẫn còn nhiều khó khăn.

Thủ tướng cũng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục quan tâm cải thiện tiền lương, thu nhập của công nhân lao động sớm đáp ứng nhu cầu tối thiểu của công nhân lao động và có tích lũy. “Chúng tôi hiểu một bộ phận công nhân còn khó khăn và Nhà nước còn phải làm nhiều việc hơn nữa”, Thủ tướng nói.

Trả lời câu hỏi về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho bữa ăn công nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Việc đầu tiên, công đoàn cơ sở phải công khai thực đơn, giá cả từng bữa ăn của công nhân tại nhà máy. Dù bữa ăn 10 ngàn đồng hay 15 ngàn đồng cũng phải công khai; không để cân thịt, ký gạo, bữa ăn công nhân bị bớt xén.

Để tìm được nguồn thực phẩm sạch, trước hết phải công bố nguồn gốc thực phẩm mà bếp ăn của doanh nghiệp sử dụng: Mua ở đâu, chợ nào, siêu thị nào để nếu xảy ra ngộ độc thì lãnh đạo xã, phường, chủ siêu thị phải chịu trách nhiệm.

Thủ tướng tặng quà cho đại diện công nhân các khu công nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng giải đáp băn khoăn của người lao động trước việc có nhiều doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động.

Khẳng định BHXH là một trong 3 trụ cột của chính sách an sinh xã hội, Thủ tướng cho biết, Chính phủ luôn quan tâm công tác này, đã xây dựng các văn bản pháp luật, trình Quốc hội thông qua.

Sắp tới đây, theo luật mới, cơ quan BHXH được thanh tra quá trình đóng BHXH cho người lao động của doanh nghiệp; lần đầu tiên trong Bộ luật Hình sự sửa đổi có quy định về tội danh trốn đóng bảo hiểm xã hội. Người trốn đóng BHXH có thể bị xử phạt tù, doanh nghiệp trốn đóng BHXH bị xử phạt nặng. Đây sẽ là hình phạt nghiêm khắc đối với những cá nhân, đơn vị vi phạm về BHXH, để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Về vấn đề nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ có những cơ chế, chính sách xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng những khu vui chơi, giải trí phục vụ công nhân lao động với giá rẻ. Doanh nghiệp xây dựng khu vui chơi, giải trí dành cho công nhân, lao động trong các khu công nghiệp tập trung đông công nhân sẽ được giao đất hay thuê đất với giá ưu đãi; miễn thuế hay giảm thuế thu nhập.

Trước câu hỏi về hỗ trợ công nhân nâng cao tay nghề, Thủ tướng trả lời, đất nước ta hội nhập sâu quốc tế, đặc biệt là về kinh tế. Việc cộng đồng ASEAN được thành lập là cơ hội dịch chuyển việc làm giữa các quốc gia trong khối ASEAN sẽ thuận lợi, dễ dàng, người lao động ở nước này được quyền tự do tìm kiếm việc làm ở các quốc gia khác… Đó vừa là thời cơ thuận lợi nhưng cũng là cuộc cạnh tranh đối với từng công nhân, lao động.

Vì vậy, Thủ tướng cho rằng, công nhân phải rèn luyện tay nghề, ngoại ngữ để ứng phó mọi tình huống. Nếu có chuyên môn tốt thì ở bất kỳ đâu người lao động cũng đều được sử dụng. Người chủ sử dụng lao động phải tạo điều kiện cho công nhân học tập để ứng phó với cạnh tranh. Công đoàn không chỉ bảo vệ quyền lợi, mà phải rèn luyện tay nghề cho công nhân.

Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng 24 chiếc vô tuyến màn hình lớn cho các khu nhà công nhân tập trung ở các khu công nghiệp của 8 tỉnh, thành để công nhân có thêm phương tiện giải trí sau giờ tan ca và tặng bút cho các công nhân với mong muốn: “Ngoài sự cần cù, chịu khó, công nhân lao động phải không ngừng trau dồi nghề nghiệp, rèn luyện tác phong công nghiệp, trau dồi ngoại ngữ, có tay nghề tốt thì chắc chắn sẽ thành công”./.

P.V

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top